Chuyện giữ danh hiệu trường chuẩn ở Nghệ An

Mỹ Hà - Đức Anh 23/08/2019 17:08

(Baonghean) - Hiện nay nhiều trường chuẩn ở Nghệ An có nguy cơ mất chuẩn vì xuống cấp hoặc khó đáp ứng được các tiêu chí mới.

Vượt khó xây dựng trường chuẩn
Từ trung tâm thị trấn Quỳ Hợp vào đến xã Bắc Sơn gần 30 cây, đây cũng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Quỳ Hợp bởi nằm ở vùng 135, 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Cái khó, cái khổ cũng khiến cho việc xây dựng trường chuẩn ở đây gian nan hơn nhiều địa phương khác trong vùng...

Nhiều phòng học mới của Trường mầm non Bắc Sơn  (Quỳ Hợp) được đưa vào sử dụng trong năm học này.
Nhiều phòng học mới của Trường Mầm non Bắc Sơn (Quỳ Hợp) được đưa vào sử dụng trong năm học này.

Tại Trường Tiểu học Châu Sơn, theo kế hoạch chủ trương xây dựng trường chuẩn sẽ hoàn thành vào năm học 2017 - 2018. Trước đó, dù Trường Tiểu học Nam Sơn và Trường Tiểu học Bắc Sơn đã sáp nhập thành Trường Tiểu học Châu Sơn, nhưng do nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn nên kế hoạch xây dựng trường chuẩn vẫn bị “chậm” so với mục tiêu đã đề ra. Phải đến đầu năm học này, niềm vui mới đến với giáo viên và học sinh nhà trường sau khi trường đã được đầu tư khang trang, có đầy đủ các phòng học chức năng để tổ chức dạy và học cho học sinh.

Toàn bộ kinh phí đầu tư sửa chữa, bổ sung các hạng mục gần 1 tỷ đồng được trích từ nguồn tiết kiệm, ngân sách từ 2 xã và một số ưu tiên dành cho xã 135.

“Mặc dù đã sáp nhập được hơn 5 năm nhưng trường chúng tôi vẫn duy trì hai điểm trường ở hai xã và cách khá xa. Do đó, để đồng loạt đầu tư cả hai nơi là rất khó khăn và sẽ không thực hiện được nếu không có sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng.

Chúng tôi cũng tin tưởng, khi trường đã được công nhận chuẩn, được đầu tư đồng bộ thì chất lượng dạy học sẽ tốt hơn, rút ngắn được khoảng cách vùng miền. Đặc biệt, năm học này, học sinh sẽ được học môn Tin học với phòng máy mới được đầu tư khá hiện đại”.

Thầy giáo Hoa Sỹ Sơn - Hiệu trưởng nhà trường

Giờ học của học sinh Trường Mầm non Bắc Sơn (Quỳ Hợp).
Giờ học của học sinh Trường Mầm non Bắc Sơn (Quỳ Hợp).

Cạnh Trường Tiểu học Châu Sơn, thời điểm này, giáo viên và học sinh của Trường mầm non Bắc Sơn đang tích cực luyện tập các tiết mục văn nghệ để chào đón năm học mới. Đây cũng là năm học hết sức ý nghĩa khi nhà trường được đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây dựng dãy phòng học mới, xóa các phòng học tạm bợ, xuống cấp và đang trình hồ sơ để được công nhận trường chuẩn.

Học sinh tiểu học Thành phố Vinh.
Học sinh tiểu học thành phố Vinh.

Cho đến thời điểm này, dù còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ nhưng chỉ tiêu “70% số trường đạt chuẩn quốc gia” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đưa ra đã về đích và vượt chỉ tiêu đề ra.

Hiện toàn tỉnh có 1.104 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,68%, trong đó có 355 trường mầm non (71,1%), 468 trường tiểu học (87,6%), 235 trường THCS (58,2%) và 46 trường THPT (65,7%). Trong số này, đáng mừng là có nhiều trường dù ở các huyện vùng khó nhưng tỷ lệ vẫn rất cao như Con Cuông 82,97%, Nghĩa Đàn 78,26%, Quỳ Châu 89,19%, Quỳ Hợp 76,81%...

Vượt lớp, chưa có máy vi tính sẽ mất chuẩn

Mặc dù công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả vượt bậc nhưng nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn và chưa đạt mục tiêu đề ra. Như tại huyện Kỳ Sơn, thời điểm này tỷ lệ trường chuẩn của huyện chỉ mới có 17,81%, huyện Tương Dương 48,28%, huyện Quế Phong 56,26%, thị xã Hoàng Mai 65,88%.

“Sau khi chia tách, ngành giáo dục Hoàng Mai gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần trường học đã xuống cấp. Chính vì thế, dù 5 năm qua, huyện đã huy động hơn 260 tỷ đồng (chiếm 31% ngân sách huyện) nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Toàn thị xã đang còn 112 phòng học tạm và mượn. Trường THPT Hoàng Mai 2 đang phải đi thuê địa điểm. Thực tế, trên địa bàn dù nhu cầu đến lớp của học sinh (đặc biệt là trẻ mầm non) tăng nhanh nhưng cơ sở vật chất lại chưa đáp ứng được”.

Ông Vũ Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai

Giờ học của học sinh mầm non huyện Diễn Châu.
Giờ học của học sinh mầm non huyện Diễn Châu.

“Sau 5 năm các trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được rà soát và công nhận lại. Tuy vậy, trên thực tế, trong 5 năm đó, cơ sở vật chất của các trường hầu hết sẽ xuống cấp, nếu không tu bổ thường xuyên. Hoặc, có nhiều tiêu chí mới, cần phải bổ sung rất vất vả. Chẳng hạn, theo Thông tư 17, trường đạt chuẩn (bậc tiểu học) thì phải có phòng máy vi tính nhưng hai trường mà chúng tôi đang chuẩn bị thẩm định lại trong năm học này là Trường Tiểu học Châu Tiến và Trường Tiểu học Châu Hồng thì lại chưa có đủ kinh phí để bổ sung”.

Bà Trần Thị Đào - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp

Còn tại huyện Diễn Châu, dù chưa thẩm định lại nhưng một số trường đã rơi vào tình trạng “mất chuẩn” nếu xét theo các tiêu chí mới. Cụ thể, theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng, công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường tiểu học thì các đơn vị Tiểu học có từ 30 lớp trở lên sẽ không đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó hiện nay, nhiều trường trên địa bàn đã vượt qua quy mô 30 lớp và nếu công nhận lại thì đương nhiên sẽ không đạt.

Hay, với bậc mầm non, theo quy định để được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2 mỗi trường không quá 20 nhóm, lớp. Nhưng, hiện nay, các trường như Trường mầm non Diễn Yên, Diễn Thịnh, Diễn Hồng, Diễn Kỷ đều vượt quá quy định nhưng không được tách trường...

Tại thành phố Vinh, do dân số tăng nhanh nhưng theo quy định không thể mở thêm các trường công lập. Thế nên nhiều trường chuẩn vẫn vi phạm các tiêu chí như số lớp quá quy định, sỹ số học sinh lớp cao, khuôn viên không đảm bảo diện tích...

Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Châu Sơn được đầu tư sau khi được công nhận trường chuẩn quốc gia.
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Châu Sơn được đầu tư sau khi được công nhận trường chuẩn quốc gia.

“Trong giai đoạn hiện nay, quá trình xây dựng trường chuẩn cần phải gắn với công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, phải được xem đây là khâu đột phá về công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục. đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo


Mỹ Hà - Đức Anh