Chế độ đặc biệt bảo quản Di chúc thiêng liêng của Bác

Nguyễn Dương 24/08/2019 09:15

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng cho biết, bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969. Bản Di chúc là một tài liệu có ý nghĩa vô cùng to lớn, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Bản Di chúc được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2012 (tại Quyết định số 1462/QĐ-TTg, ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Bản Di chúc hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Di chúc của Bác Hồ được bảo quản theo chế độ đặc biệt.
Di chúc của Bác Hồ được bảo quản theo chế độ đặc biệt.

Về công tác bàn giao, tiếp nhận bản Di chúc, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, ngày 4/3/1987, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển cho Vụ Lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng (nay là Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản.

Về hiện trạng bản Di chúc, Tiến sĩ Tuấn thông tin: “Bản Di chúc có chất liệu là giấy, số lượng 8 tờ, với các kích thước: Bản viết ngày 10/5/1965 có 3 tờ kích thước 21 x 27 cm; Bản viết tháng 5/1968 có 3 tờ kích thước 18,5 x 26 cm, 1 tờ kích thước 18,5 x 24 cm; Bản viết ngày 10/5/1969 có 1 tờ kích thước 20 x 30,5 cm”.

Theo miêu tả của Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, 3 tờ trong bản Di chúc viết ngày 15/5/1965 được đánh máy chữ mực xanh (đánh máy một mặt) trên giấy thường, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phía cuối trang 3, bên cạnh chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chữ ký của người làm chứng là ông Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bốn tờ Di chúc của Bác vào tháng 5/1968 được viết bằng mực xanh, 2 tờ viết hai mặt, 2 tờ viết một mặt. Xen kẽ dòng viết mực xanh là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa. Một tờ ngày 10/5/1969 được viết bằng mực xanh ở mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã trang 15a, ra ngày 3/5/1969. Xen kẽ dòng viết mực xanh là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.

Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, bản Di chúc đang được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt. Tuy nhiên, các tờ giấy đều có chất lượng không tốt, trong tình trạng ố vàng, một số dòng chữ hơi nhòe. Để hạn chế tối đa việc phục vụ bản gốc Di chúc làm ảnh hưởng đến tình trạng vật lý của tài liệu, ngày 14/9/2015, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 952-CV/CLT “Về việc đề nghị sao Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, bản Di chúc đã được sao thành 3 bản in màu. 3 bản in màu này hiện đang được lưu giữ cùng với bản gốc của Di chúc.

Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc
Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm, Di chúc của Bác Hồ là bản tổng kết thực tiễn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng và phương hướng phát triển của dân tộc. Bản Di chúc còn thể hiện cô đọng nhân cách của vị lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, trong đó mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra đều là kết quả của sự suy ngẫm, chắt lọc sâu sắc tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của Người, là một chương trình hành động trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước sau khi nước nhà thống nhất.

Nguyễn Dương