Học viên mắc kẹt khi học văn bằng 2 của Đại học Đông Đô

Vnexpress.net 26/08/2019 17:06

51 học viên lớp văn bằng 2 hệ chính quy Luật Kinh tế của Đại học Đông Đô kết thúc khóa học gần hai tháng, nhưng có thể không nhận được bằng.

Theo phản ánh của học viên, giữa năm 2017, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng thông báo tuyển sinh lớp văn bằng 2 hệ chính quy Luật Kinh tế do Đại học Đông Đô mở tại Hải Phòng. Trường không tổ chức thi mà xét hồ sơ, bảng điểm của văn bằng 1. Đến tháng 10/2017, lớp văn bằng 2 khai giảng, gồm 51 học viên, là những người đã đi làm, một số là công chức, viên chức.

Học viên học trong hai năm, vào tối thứ sáu, ngày thứ bảy và chủ nhật, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng, số 33 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Giảng viên do trường Đại học Đông Đô điều từ Hà Nội xuống dạy. Đến đầu tháng 7/2019, học viên hoàn hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp.

Khi nghe tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến việc đào tạo văn bằng 2, học viên ở Hải Phòng hoang mang. "Chúng tôi học thật, thi thật, tiền học phí mỗi kỳ gần 7 triệu đồng. Giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo nói Đại học Đông Đô đào tạo trái phép văn bằng 2, chúng tôi lo lắng, không biết sau này có nhận được bằng tốt nghiệp hay không", một học viên đang công tác tại cơ quan hành chính ở Hải Phòng nói.

Một số học viên đại diện cho lớp Luật kinh tế đã lên Hà Nội, yêu cầu lãnh đạo Đại học Đông Đô giải đáp thắc mắc về việc trường có được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo hệ chính quy văn bằng 2 Khoa Luật kinh tế tại địa phương khác hay không, nhưng không nhận được trả lời.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng, cho biết thời gian học tất cả mọi việc diễn ra bình thường, cho đến cuối tháng 7 thì nhận được phản ánh liên quan đến bằng cấp, tính pháp ý của lớp văn bằng 2. Trung tâm đã gửi nhiều công văn đề nghị Đại học Đông Đô trả lời, nhưng chưa nhận được phản hồi.

"Việc đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp thuộc trách nhiệm Đại học Đông Đô. Trung tâm chỉ ký hợp đồng cho thuê phòng. Người của trung tâm đứng ra tuyển sinh, thu tiền học phí... cũng do Đại học Đông Đô thuê", ông Thiện nói.

Ngày 25/8, đại diện trường Đại học Đông Đô, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng đã có buổi đối thoại với học viên lớp văn bằng 2 Luật Kinh tế. Bà Nguyễn Hải Yến, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Đông Đô, chỉ tiếp nhận ý kiến của học viên mà không trả lời. Bà Yến nói nhà trường đã có văn bản xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho mở văn bằng 2, nhưng "vẫn đang đợi".

Trong khi đó, trả lời báo chí ngày 17/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chưa có văn bản nào cho phép Đại học Đông Đô được đào tạo văn bằng 2. Theo quy định, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ về việc cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng Bộ chưa nhận được văn bản đề nghị nào của Đại học Đông Đô.

Từ năm 2016 đến 2018, Đại học Đông Đô báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh, nhưng không thông tin về việc đào tạo văn bằng 2. "Do trường không gửi hồ sơ xin phép đào tạo loại văn bằng này nên Bộ cũng không yêu cầu trường báo cáo", văn bản trả lời báo chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

Đông Đô là đại học tư thục, trụ sở chính ở km25, quốc lộ 6, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022 gồm 6 thành viên, trong đó ông Trần Khắc Hùng là Chủ tịch, ông Dương Văn Hòa là thành viên. Ban giám hiệu gồm Hiệu trưởng Dương Văn Hòa và ba hiệu phó.

Đầu tháng 8, sau khi điều tra sai phạm tại Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Khắc Hùng, Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang (Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên) cùng hai cán bộ Đại học Đông Đô là Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương về tội Giả mạo trong công tác theo điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Ngày 20/8/2019, Cơ quan điều tra ký quyết định truy nã ông Trần Khắc Hùng.

Theo điều tra, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Đại học Đông Đô đã cấp 600-700 văn bằng hai "dạng cấp tốc" trong 2-3 tuần hoặc 2-3 tháng với mức phí từ 28 đến 35 triệu đồng mỗi văn bằng.

Vnexpress.net