Những hình ảnh ấn tượng vượt thời gian về vùng đất Bến Thủy

Sách Nguyễn 26/08/2019 12:11

(Baonghean.vn) - Bến Thủy vốn xưa là tên gọi một bến nước nhỏ bên dòng sông Lam, tuy nhiên qua thời gian, Bến Thủy đã trở thành danh xưng cho cả một quần thể rộng lớn.

Nằm trên trục đường giao thông Bắc - Nam, thành phố Vinh - Bến Thủy được thực dân Pháp đánh giá là vị trí trọng yếu, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu (nguồn Tạp chí Xã hội khoa học và Nhân văn Nghệ An)
Tại khu vực này, người Pháp đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy như: Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, Nhà máy Diêm, Nhà máy Điện, Cảng Bến Thủy..., biến Vinh - Bến Thủy thành trung tâm công nghiệp Bắc Trung kỳ một thời. Hình ảnh Bến Thủy do người Pháp ghi lại năm 1908.
Tuy nhiên không phải đến thời Pháp thuộc, Bến Thủy mới được xác định là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Trước đó, vào ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân (1/10/1788), trong chiếu thư gửi La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã viết: "Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành sơn, Quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy". "Chỗ đất đẹp" chính là quần thể núi Dũng Quyết - núi Kỳ Lân (địa bàn phường Trung Đô - TP.Vinh ngày nay).

Ngay tại lâm viên núi Dũng Quyết, Hoàng đế Quang Trung đã bắt đầu cho xây dựng thành Phượng Hoàng với mong muốn sẽ chuyển kinh đô về vùng đất Châu Lộc. Tuy nhiên, ý định đó chưa thực hiện xong thì Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời. Ngày nay trên núi Dũng Quyết - Kỳ Lân vẫn còn lưu lại một số dấu tích của thành Phượng Hoàng - Trung Đô khi mới xây dựng xưa kia. Trong ảnh là quần thể đền Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết. Ảnh: Sách Nguyễn

Những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, giai cấp công nhân tại các nhà máy ở khu vực Bến Thủy sớm có nhiều phong trào đấu tranh mạnh mẽ, mà dấu ấn đầu tiên là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, diễn ra tại ngã ba Bến Thủy của hàng ngàn nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và công nhân các nhà máy ở Bến Thủy. Trong ảnh là Tượng đài Trường Thi - Bến Thủy 1930 - 1931, được dựng tại khu vực ngã ba Bến Thủy, khánh thành vào ngày 12/9/2012. Đây là nơi ghi dấu sự kiện cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/5/1930, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cột đèn Ngã ba Bến Thủy. Ảnh: Sách Nguyễn

bna_Ông Nguyễn Đăng Chế
Như một sự lựa chọn của lịch sử, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khu vực Bến Thủy lại trở thành vị trí chiến lược. Sau kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chỉ riêng trên vùng đất Bến Thủy, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cho 13 tập thể và cá nhân, đó là chưa kể nhiều tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích chiến đấu xuất sắc tại đây. Trong ảnh: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Chế - nguyên Trưởng phà kiêm Tự vệ trưởng phà Bến Thủy. Ảnh: Sách Nguyễn.
Bác Hồ thăm công trường nhà máy điện Vinh. Ảnh tư liệu.
Năm 1957, trong lần trở lại quê hương lần thứ nhất, Nhà máy điện Vinh (đóng dưới chân núi Dũng Quyết) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Ảnh tư liệu.

Bến Thủy
Bến Thủy ngày nay hiện lên với hình ảnh là vùng đất nằm yên bình soi bóng xuống dòng sông Lam. Ảnh: Sách Nguyễn
Núi Dũng Quyết
Núi Dũng Quyết - Thành Phượng Hoàng xưa kia trở thành một điểm nhấn không gian đô thị Vinh và trở thành địa chỉ du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn. Ảnh: Sách Nguyễn
Cầu Bến Thủy 2
Trên vùng đất xưa đã có 2 cây cầu cùng mang tên Bến Thủy (Bến Thủy và Bến Thủy 2) nối liền tuyến đường thiên lý từ Bắc vào Nam. Trong ảnh là cầu Bến Thủy 2. Ảnh: Sách Nguyễn

Sách Nguyễn