Ở Nghệ An chưa có trường nào được xem là 'trường quốc tế'

Hà Hùng 27/08/2019 10:02

(Baonghean.vn) - Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, để được xem là trường quốc tế rất khó, phải đáp ứng được nhiều tiêu chí.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An sáng 27/8, GS.TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh chưa có một trường học nào được xem là "trường quốc tế". Tuy nhiên, một số trường đã "tự phong" hoặc được cơ quan chức năng ra quyết định thành lập chưa đúng quy định.

Đối với các trường tự bổ sung cụm từ "quốc tế" hay "song ngữ" nhằm thu hút học sinh, ngành Giáo dục đang đề nghị phải tháo bỏ. Còn đối với những "trường quốc tế" mà cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thành lập sai, hiện Sở cũng đang yêu cầu rà soát, chỉnh sửa lại.

Cũng theo GS. TS. Thái Văn Thành, để được xem là trường quốc tế rất khó, phải đáp ứng được nhiều tiêu chí. "Cái quan trọng nhất là chương trình phải là chương trình học quốc tế. Nhưng chương trình này cũng phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và cấp phép. Đội ngũ giáo viên ở trường phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, nếu không 100% thì ít nhất cũng phải 2/3 giáo viên đạt và phải được bồi dưỡng thường xuyên. Cơ sở vật chất cũng phải đạt chuẩn quốc tế hoặc có yếu tố đầu tư nước ngoài...", ông Thành khẳng định.

Như vậy, chỉ chiếu theo một vài tiêu chí mà lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An đưa ra, trên địa bàn tỉnh chắc chắn chưa có trường học nào là "trường quốc tế". Tuy nhiên, một số trường như Trường Mầm non song ngữ quốc tế Việt - Sing (TP Vinh), còn tự quảng bá trên trang web của trường đây là "trường quốc tế song ngữ đầu tiên ở TP Vinh, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế..."; Trường Sunkid ở Thị xã Cửa Lò gắn hẳn chữ "Trường mầm non quốc tế Sunkid"

Trường mầm non quốc tế Viet - Sing tại thành phố Vinh
Trường mầm non song ngữ quốc tế Viet - Sing tại thành phố Vinh

Theo Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo 3 loại hình: trường công lập do Nhà nước thành lập; trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập; trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài thành lập. Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Theo Điều 29, tên trường có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng. Mô hình này có thể được gọi chung là các cơ sở giáo dục có hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài.

Chiếu theo các quy định này, các trường mầm non mang mác quốc tế đang tồn tại ở Nghệ An không được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ quốc tế chỉ được gắn vào tên trường với nghĩa danh từ như một tên riêng, không có nghĩa của một tính từ nhằm thể hiện đẳng cấp thực sự của trường. Đây có thể xem là một cách quảng cáo trường không đúng bản chất.

Trên thế giới, thuật ngữ "trường quốc tế" là loại hình được thừa nhận rộng rãi . Theo một số chuyên gia, tiêu chí của một trường quốc tế nói chung như sau: cung cấp giáo dục dựa trên giá trị mà tuyên ngôn sứ mệnh gồm các cụm từ như "công dân toàn cầu có trách nhiệm", "tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn", "giáo dục vì sự hiểu biết quốc tế", "trở thành công dân thế giới tích cực". Việc học được xây dựng dựa trên một hay nhiều chương trình giáo dục quốc tế của các tổ chức, như: International Baccalaureate, Fieldwork Education, Cambridge International Examinations... Bằng cấp, chứng chỉ của các trường quốc tế phải có tính liên thông giữa các trường hoặc được công nhận bởi ít nhất một tổ chức giáo dục quốc tế...

Thực tế Việt Nam cũng có một số trường quốc tế của Liên hợp quốc hoặc do cơ quan ngoại giao thành lập. Các thành phố lớn còn có một số trường định hướng quốc tế tồn tại dưới dạng trường công lập hoặc tư thục.

Ở TP HCM, 16 trên 21 trường có yếu tố nước ngoài được Sở Giáo dục và Đào tạo công khai trên trang thông tin của Sở là có chữ "quốc tế" trong tên gọi, ví dụ Trường Quốc tế Singapore hay TH-THCS-THPT quốc tế Canada. Các trường này đều có vốn đầu tư từ nước ngoài, sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài và học sinh đến từ hàng chục quốc gia.


Tuy nhiên, bây giờ tên gọi "trường quốc tế" này đang được "lạm dụng", có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư.

Hà Hùng