Cán bộ, công viên chức cần nắm vững 5 tiêu chí 'nói không với tiêu cực'

Thanh Quỳnh 28/08/2019 17:27

(Baonghean.vn) - Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhấn mạnh: Cán bộ, công chức, viên chức cần nói không với tiêu cực để đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Chiều 28/8, tại thị xã Cửa Lò, tiếp tục chương trình Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Công đoàn cho cán bộ công đoàn trực thuộc Công đoàn viên chức Việt Nam và cán bộ Công đoàn Viên chức các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tại hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam trực tiếp triển khai các nội dung quan trọng về cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”.

Cuộc vận động tập trung vào tiêu chí "5 không", gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; Không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.

tập huấn
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng trong cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống khi có những hành vi tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà, sách nhiễu với người dân.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, cuộc vận động là kim chỉ nam hành động để các cấp Công đoàn loại bỏ tư tưởng cục bộ, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Cần thiết xây dựng bộ tiêu chí và quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Từ đó, đưa ra những chế tài, hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân có tiêu cực hoặc có chỉ số hài lòng thấp.

“Các cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, góp phần giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa và đẩy lùi các hành vi tiêu cực”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Đối với nội dung chuyên đề về cơ hội và thách thức của Công đoàn Việt Nam trong hội nhập và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng chí Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, nếu tổ chức công đoàn không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên công đoàn, người lao động từ các tổ chức công đoàn Việt Nam sang tổ chức công đoàn ngoài nước. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ công đoàn toàn hệ thống, đủ sức đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn theo tình hình mới.

Thanh Quỳnh