Ruth Bader Ginsburg: Nữ thẩm phán biểu tượng cho công lý Mỹ

Phương Hoa 29/08/2019 20:46

(Baonghean) - Là nữ thẩm phán được ví như biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng của xứ cờ hoa, người phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn Ruth Bader Ginsburg được người dân Mỹ đặc biệt ngưỡng mộ trong suốt những năm qua nhờ những cống hiến không mệt mỏi của bà.

Năm nay đã 85 tuổi, bất chấp một số lý do về sức khỏe, bà vẫn chưa cho phép mình lên kế hoạch về hưu. Thế nhưng đằng sau hậu trường, một cuộc chạy đua giành vị trí của bà đã nóng lên từng ngày giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ để tranh chấp thế đa số trong Tòa án.

Bà Ruth Bader Ginsburg khi còn trẻ những năm 1980. Nguồn: New Republic

THẨM PHÁN CỦA LÒNG DÂN

Dư luận có lẽ đang đặt câu hỏi, vì sao một nữ thẩm phán Tòa án tối cao lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và được người dân Mỹ yêu mến đến vậy. Còn nhớ mới đây khi bà Bader Ginsburg bị ngã nhập viện, cộng đồng và người dân Mỹ đã liên tục sốt sắng quan tâm đến tình hình sức khỏe của bà. Và câu trả lời rất đơn giản, người phụ nữ 85 tuổi này bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi đã cao tuổi vẫn luôn kiên trì với những cam kết về công bằng và bình đẳng mà bà theo đuổi từ lâu.

Sinh ngày 15/3/1933 tại vùng Flatbush, Brooklyn, New York, bà Joan Ruth Bader (tên thời con gái) là con của một gia đình người Do Thái nhập cư. Với sự động viên của mẹ, bà Ruth đã trở thành học sinh xuất sắc của trường Trung học James Madison. Năm 1954, bà tốt nghiệp Đại học Cornell ở New York và kết hôn với ông Marty Ginsburg khi đó cũng làm nghề luật sư, trở thành bà Ruth Bader Ginsburg.

2 năm sau, vào năm 1956, bà Bader là 1 trong 9 phụ nữ đăng ký vào học tại trường Luật thuộc Đại học Harvard. Sau đó, bà Bader tiếp tục chuyển sang Trường Luật Columbia tại New York cùng tấm bằng cử nhân khi 26 tuổi. Tuy luôn nằm trong top học viên có thành tích cao nhất, nhưng bà Bader lại gặp khó khăn trong tìm việc khi ra trường. Nguyên nhân là các công ty khi đó luôn ái ngại đơn giản bởi bà là phụ nữ, đã có con và gốc gác người Do Thái. Có lẽ những bất công như vậy cứ nhen nhóm dần, trở thành động lực cho quyết tâm bảo vệ lẽ phải và công bằng của bà sau này.

Năm 1963, bà Bader trở thành giáo sư tại Trường Luật Rutgers. Đến năm 1973, bà trở thành người đứng đầu bộ phận pháp lý của Dự án Quyền Phụ nữ tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ.

Sự nghiệp của bà tiếp tục thuận lợi khi năm 1980, bà được bổ nhiệm vào Tòa án Quận Columbia khi ở tuổi 47. Tiếp đó, bà được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm vào Tòa Phúc thẩm Liên bang cùng năm.

Bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của bà Bader là năm 1993, Tổng thống Bill Clinton khi đó đã đề cử bà vào Tòa án Tối cao với vị trí Phó Chánh án tối cao. Bà Bader Ginsburg chính thức trở thành người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao của Mỹ, sau nữ thẩm phán Sandra Day O'Connor. Chưa hết, bà còn là người Do Thái đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này. Như “cá gặp nước”, bà Bader bắt đầu cuộc đấu tranh vì nữ quyền và bình đẳng cho xã hội.

Suốt thời gian qua, bà đã nỗ lực xóa bỏ rất nhiều bất công, rào cản về luật pháp và nghề nghiệp cho phụ nữ. Có thể kể đến việc thúc đẩy thông qua Luật Hôn nhân Đồng giới tại 50 bang ở Mỹ hồi tháng 6/2015.

Năm 1999, Hiệp hội Luật sư Mỹ đã trao cho bà giải thưởng Thurgood Marshall vì những cống hiến cho công cuộc vận động bình đẳng giới, quyền công dân và công bằng xã hội. Thậm chí với những đóng góp của mình, cuộc đời và sự nghiệp của bà còn được các nhà làm phim Hollywood dựng thành phim điện ảnh với vai nữ thẩm phán do diễn viên nổi tiếng Natalie Portman thủ vai.

Cuộc chiến giành ghế trống

Thế nhưng, trong khi bản thân bà Ruth Bader chưa có kế hoạch nghỉ hưu, chưa cho phép cuộc chiến vì bình đẳng dừng lại thì chính trường Mỹ lại đang âm thầm một cuộc cạnh tranh giành ghế trống nếu bà để lại. Cuộc tranh chấp nhen nhóm bắt đầu khi đầu tháng 8 vừa qua, bà Bader không may phát hiện một khối u trong tuyến tụy đe dọa đến sức khỏe, buộc bà phải nhập viện điều trị. Xuất hiện trước công chúng sau 3 tuần điều trị, bà Bader mới đây vẫn cố gắng tươi cười vẫy tay chào đồng thời tiếp tục khẳng định, bà sẽ vẫn duy trì công việc hiện nay miễn là vẫn giữ được sức mạnh tinh thần. Bà cũng đã thuê một thư ký luật hỗ trợ cho đến năm 2020.

Bà Ruth Bader Ginsburg tuyên thệ nhậm chức Phó Chánh án Tối cao dưới sự chứng kiến của Tổng thống Bill Clinton. Nguồn: New Republic

Cần nhắc lại cho tới nay, Tòa án tối cao Mỹ luôn duy trì 8 vị thẩm phán và 1 chánh án tại vị, những nhân vật này có thể làm việc trọn đời. Nhưng theo giới quan sát, trong trường hợp nữ thẩm phán Ruth Bader quyết định nghỉ hưu hoặc sức khỏe của bà không cho phép để tiếp tục công việc, Tổng thống Donald Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm thẩm phán theo đường lối bảo thủ thứ 3 sau hai thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh.

Rõ ràng, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để ông Trump có thể cải cách Tòa án theo hướng bảo thủ hơn. Cũng có nghĩa, kế hoạch tăng cường sự kiểm soát của phe bảo thủ trong Tòa án Tối cao của Tổng thống Trump đang dần được hiện thực hóa. Cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều hiểu rằng, một nhân vật bảo thủ nếu được lựa chọn thay thế vị trí của thẩm phán Ruth Bader sẽ chuyển mạnh sang thế đa số bảo thủ (6-3), điều mà đảng Dân chủ sẽ hoàn toàn bất lợi trong việc hạn chế sự kiểm soát của phe Cộng hòa. Và đây sẽ là một “cơn ác mộng” với phe Dân chủ!

Nữ thẩm phán Ruth Bader được người dân Mỹ ngưỡng mộ vì những đấu tranh vì công bằng và bình đẳng. Nguồn: AP

Hiện nay theo một số nguồn tin, danh sách những nhân vật có khả năng thay thế bà Ruth Bader cũng đã được liệt kê, việc kiểm tra đánh giá sơ bộ cũng đang được tiến hành. Thế nhưng có một thực tế, cơ hội cho các ứng viên của phe Dân chủ là rất ít. Cũng có nghĩa, Tòa án Tối cao Mỹ một khi không còn “nữ hoàng bình quyền” Ruth Bader Ginsburg sẽ thay đổi nhân sự theo khuynh hướng chính trị của người đứng đầu. Tất yếu, các chính sách của Tòa án cao nhất đất nước sẽ bị tác động không nhỏ trong nhiều thập niên về sau!

Phương Hoa