Trung Quốc bị nghi dùng mạng xã hội tuyển gián điệp

vnexpress.net 29/08/2019 22:02

Một cựu quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ từng nhận được tin nhắn qua mạng LinkedIn đề nghị đưa ông đến Trung Quốc để có cơ hội "kiếm tiền béo bở".

Các gián điệp Trung Quốc được cho là thường dùng mạng xã hội LinkedIn để tuyển mộ gián điệp nước ngoài. Ảnh: Reuters.

Một cựu quan chức tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng nhận được tin nhắn qua LinkedIn từ người lạ mặt, dường như là phụ nữ, làm việc cho công ty tìm kiếm nhân sự, đề nghị gặp ông ở Bắc Kinh. Nhưng tại cuộc gặp, ba người đàn ông trung niên xuất hiện và nói họ có thể giúp ông "tiếp cận bộ máy hoạt động" của chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu.

Một cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời tổng thống Barack Obama nhận được lời mời kết bạn trên LinkedIn từ người tự xưng là nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ California, với trang cá nhân cho thấy các mối quan hệ với những cố vấn Nhà Trắng và đại sứ. Nhưng người này không có thật.

Mạng xã hội đang được các đặc vụ tình báo trên khắp thế giới sử dụng để tuyển dụng nhân sự và LinkedIn là một mỏ vàng, các quan chức phản gián phương Tây cho hay. Các cơ quan tình báo ở Mỹ, Anh, Đức và Pháp đã phát cảnh báo về việc những đặc vụ nước ngoài tiếp cận hàng nghìn người dùng trên mạng xã hội LinkedIn và gián điệp Trung Quốc là những người hoạt động tích cực hơn cả.

"Chúng tôi đã chứng kiến các cơ quan tình báo Trung Quốc làm việc này trên quy mô lớn", William R. Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ, nói. "Thay vì phái điệp viên tới Mỹ, họ tuyển mộ các mục tiêu riêng lẻ. Ngồi sau máy tinh ở Trung Quốc và gửi lời mời kết bạn tới hàng nghìn mục tiêu bằng hồ sơ giả mạo hiệu quả hơn nhiều".

Việc chính phủ Trung Quốc dùng mạng xã hội để thực hiện những hoạt động mà giới chức Mỹ cho là nhằm phục vụ mục đích bất chính đang gây chú ý. Facebook, Twitter và Youtube cho hay họ đã xóa nhiều tài khoản phát tán thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Theo Twitter, họ đã xóa gần 1.000 tài khoản. Đây là lần đầu tiên Facebook và Twitter chặn những tài khoản có liên quan đến hoạt động phát tán tin giả đến từ Trung Quốc.

LinkedIn, thuộc tập đoàn Microsoft, là phương tiện để phát tán tin giả nhưng quan trọng hơn, nó còn là công cụ lý tưởng để tuyển dụng gián điệp, các quan chức Mỹ cho biết. LinkedIn có tới 645 triệu người dùng và mục đích sử dụng của họ là tìm kiếm cơ hội việc làm, chủ yếu từ những người xa lạ. Mặt khác, LindedIn cũng là nền tảng mạng xã hội duy nhất của Mỹ không bị chặn ở Trung Quốc.

Các điệp viên Trung Quốc thường đưa ra đề nghị hợp tác trên nhiều kênh khác nhau, trong đó có LinkedIn. Họ đôi khi giả làm nhà tuyển dụng cho các tập đoàn lớn, đề nghị mức thù lao hấp dẫn cho mục tiêu để họ tư vấn, tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu. Từ đây, họ sẽ phát triển mối quan hệ với mục tiêu.

"Người Trung Quốc muốn xây dựng quan hệ với những người thuộc giới tinh hoa chính trị, học thuật và kinh doanh", Jonas Parello-Plesner, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Đan Mạch từng bị điệp viên Trung Quốc tiếp cận trên LinkedIn, nói. "Nhiều người trong số này muốn đào sâu thông tin ở vùng xám hay tìm kiếm khả năng can thiệp, gây ảnh hưởng hoặc gián điệp cổ điển".

Những người vừa thôi việc tại các cơ quan chính phủ thường là mục tiêu được nhắm tới bởi họ đang tìm kiếm công việc mới, theo Parello-Plesner và các cựu quan chức khác.

Nicole Leverich, phát ngôn viên LinkedIn, cho hay công ty luôn chủ động tìm kiếm và xóa bỏ những tài khoản giả mạo, đồng thời có một đội ngũ chuyên xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả các cơ quan chính phủ.

"Điều rất rõ ràng là chúng tôi tuân thủ các chính sách của mình: Việc tạo tài khoản giả hoặc hoạt động với mục đích lừa đảo hay nói dối các thành viên là vi phạm điều khoản dịch vụ chúng tôi đề ra", bà nói.

Theo hãng thông tấn AP, một số bức ảnh trên các tài khoản giả do trí thông minh nhân tạo tạo ra.

Kevin Patrick, cựu nhân viên CIA bị Mỹ tuyên án 20 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Ảnh: NYTimes.

Trong hàng loạt trường hợp gần đây, LinkedIn đã cho thấy nó là một công cụ tuyển mộ gián điệu hữu hiệu. Kevin Patrick, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, hồi tháng 5 bị tuyên án 20 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Mối quan hệ giữa đôi bên bắt đầu từ hồi tháng 2/2017 sau khi Patrick trả lời tin nhắn từ một nhân viên tình báo Trung Quốc đóng giả làm đại diện của một viện nghiên cứu, theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Bộ Tư pháp Mỹ tháng 10 năm ngoái cáo buộc Yanjun Xu, điệp viên tình báo Trung Quốc, có hành vi gián điệp kinh tế sau khi y tuyển mộ một kỹ sư thuộc công ty GE Aviation thông qua mối quan hệ trên LinkedIn.

Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ, cho biết các điệp viên Trung Quốc thường liên hệ với hàng nghìn người một lúc trên LinkedIn.

"Các cá nhân thuộc khu vực tư nhân và học thuật cũng được tiếp cận theo cách này", ông nói. "Những cơ quan tình báo nước ngoài tìm bất cứ ai có khả năng tiếp cận với thông tin mà họ cần, chẳng hạn như bí mật thương mại của một công ty, sở hữu trí tuệ hay các nghiên cứu".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

Cựu quan chức chính sách ngoại giao giấu tên thuộc chính quyền Obama đã kể lại trong các cuộc phỏng vấn về quá trình kéo dài nhiều tháng ông bị một người, dường như là gián điệp Trung Quốc, tiếp cận.

Tháng 5/2017, 5 tháng sau khi ông thôi việc tại cơ quan chính phủ, một người tự xưng là Robinson Zhang liên lạc với ông qua LinkedIn.

Ảnh hồ sơ của Zhang là cảnh đường chân trời ở Hong Kong. Ông ta tự nhân là giám đốc quan hệ công chúng tại một công ty mang tên R&C Capital. Trong tin nhắn gửi tới vị cựu quan chức Mỹ, Zhang mô tả R&C là "một công ty tư vấn quốc tế trụ sở ở Hong Kong" chuyên về "đầu tư toàn cầu, nghiên cứu các vấn đề địa chính trị, chính sách công...".

"Tôi khá ấn tượng với CV của ông và nghĩ ông phù hợp với một số cơ hội có thu nhập cao", Zhang viết.

Còn nghi ngờ, quan chức Mỹ hỏi Zhang về trang web công ty. Zhang đưa cho ông địa chỉ một trang web có hình ảnh Tháp Eiffel nhưng chứa rất ít thông tin về R&C Capital, điều khiến ông phân vân.

Trong một tin nhắn gửi vào tháng 8/2017, Zhang nói Đại học Chiết Giang đang tìm một diễn giả cho hội nghị về các dự án Vành đai, Con đường trước khi đưa ra những lời mời mọc khác, dù hai bên chưa từng trao đổi trước đó về vấn đề này.

Cựu quan chức Mỹ giới thiệu Zhang liên hệ với một đơn vị đại diện cho ông nhưng không nhận được thêm tin tức nào.

Trang web của R&C Capital nói công ty đặt trụ sở tại số 68 đường Mody ở Hong Kong song không có công ty nào mang tên như vậy tại đây. Cơ sở dữ liệu đăng ký công ty của Hong Kong không lưu thông tin về R&C Capital.

Jonas Parello-Plesner, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Đan Mạch từng bị điệp viên Trung Quốc tiếp cận trên LinkedIn. Ảnh: NYTimes.

Parello-Plesner, cựu quan chức Đan Mạch, cũng có các trao đổi tương tự trên LinkedIn với một người dùng tên Grace Woo, người liên lạc với ông vào năm 2011.

Woo nói cô ta làm việc cho DRHR, công ty săn tìm nhân sự ở Hàng Châu, Trung Quốc. Khi biết Parello-Plesner đang tới Bắc Kinh vào năm 2012, Woo đề nghị ông tới Hàng Châu để gặp đại diện công ty. Cô ta muốn Parello-Plesner gửi hình chụp hộ chiếu để thu xếp chuyến đi nhưng ông từ chối.

Parello-Plesner đồng ý gặp mặt ở khách sạn St. Regis tại Bắc Kinh. Woo không xuất hiện. Thế chỗ cô là ba người đàn ông trung niên. Họ nói họ thuộc một tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc nhưng không có danh thiếp.

"Tôi nghĩ cuộc gặp thật mờ ám", Parello-Plesner cho hay.

Những người này nói họ có thể cấp ngân sách để ông nghiên cứu nếu Parello-Plesner chịu hợp tác với họ.

Parello-Plesner nghi ngờ ba người đàn ông là quan chức an ninh hoặc nhân viên tình báo nên đã báo cáo với nhà chức trách Anh khi trở về London, nơi ông sống lúc bấy giờ.

Giới chức tình báo Đức tháng 12/2017 chỉ đích danh DRHR là một trong ba tổ chức bình phong cho tình báo Trung Quốc và các điệp viên Trung Quốc đã dùng LinkedIn để kết nối với 10.000 người Đức. Tháng 10 năm ngoái, các cơ quan tình báo Pháp cũng báo cáo lên chính phủ về việc gián điệp Trung Quốc dùng những trang mạng xã hội, cụ thể là LinkedIn, để kết nối với 4.000 người Pháp. Các mục tiêu bao gồm nhân viên chính phủ, nhà khoa học, giám đốc công ty, theo báo Le Figaro.

Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc của những người đứng sau các tài khoản mạng xã hội giả mạo là vô cùng khó khăn.

Nhà ngoại giao Mỹ Brett Bruen cho biết một người dùng tên Donna Alexander đã liên lạc với ông vào năm 2017 trên LinkedIn. Hồ sơ cá nhân nói cô ta là nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ California nhưng ảnh đại diện lại là một diễn viên.

Đại diện Học viện Công nghệ California nói họ không có nhân viên nào tên như vậy. Mạng lưới bạn bè trên LinkedIn của Alexander bao gồm các quan chức Nhà Trắng và cựu đại sứ. "Người này dười như đã kết nối và được chấp nhận bởi rất nhiều người làm việc các cơ quan chính sách ngoại giao Mỹ", Bruen cho hay.

vnexpress.net