Tinh gọn bộ máy - khó mấy cũng quyết tâm làm

Thanh Lê 01/09/2019 07:17

(Baonghean) - Sau 1 năm thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về "Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo", các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tinh gọn đầu mối, giảm số lượng lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó và tinh giản biên chế.

GIẢM ĐẦU MỐI

Là một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng tổ chức bộ máy nhiều đầu mối (cơ quan sở và 35 đơn vị đầu mối trực thuộc), thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Theo đó, sở thực hiện hợp nhất 2 Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật với Chi cục Chăn nuôi - Thú y thành Chi cục Nông nghiệp; hợp nhất 21 trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, 21 trạm chăn nuôi và thú y, 6 ban phát triển nông thôn miền núi ở cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện; sáp nhập 8 hạt kiểm lâm thành 4 hạt kiểm lâm.

Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc kiểm tra mô hình dưa lưới trong nhà màng ở xã Nghi Long. Ảnh: Thanh Lê

Trao đổi của ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thực tế trên địa bàn địa phương cấp huyện có ít nhất 3 trạm trong ngành Nông nghiệp, thậm chí có địa phương có thêm ban phát triển nông thôn miền núi. Mỗi đơn vị thực hiện một chức năng, nhiệm vụ, song thực chất ở cơ sở vẫn có những chồng chéo. Do đó, việc sáp nhập sẽ loại bỏ được yếu tố này, đồng thời cũng sẽ giảm được trụ sở, chi phí chung. Đối với 4 ban quản lý dự án hoạt động độc lập, sở sẽ tiến hành sáp nhập các ban này vào năm 2020.

Đối với ngành Y tế Nghệ An, trong 2 năm qua, đã giảm 11 đơn vị thuộc sở trên cơ sở hợp nhất trung tâm y tế 10 huyện với 10 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; sáp nhập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An; ngoài ra giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực do hoạt động không hiệu quả. Chỉ tính riêng việc hợp nhất 10 trung tâm y tế với các bệnh viện, không chỉ giảm được 10 đầu mối mà còn giảm được 332 biên chế và quan trọng nhất là tập trung được nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo lộ trình, trong 2 năm (2019 - 2020), ngành Y tế Nghệ An sẽ thực hiện 4 đề án, trong đó có 2 đề án lớn là sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, thị, thành vào trung tâm y tế huyện và thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị thuộc hệ thống dự phòng). Sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy sẽ giảm 37 đầu mối.

Ngành Y tế một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cơ chế tự chủ. Ảnh: Thanh Lê
Ngành Y tế một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cơ chế tự chủ. Ảnh: Thanh Lê

Thực hiện Đề án 09, tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, giảm đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc. Các sở, ban, ngành và tương đương rà soát, sắp xếp lại các tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn đầu mối; kiên quyết cắt giảm số lượng các tổ chức trùng lắp chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp trực thuộc; sáp nhập, sắp xếp, giảm số lượng các ban chỉ đạo tỉnh. Thực hiện một mô hình văn phòng cấp xã dùng chung. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp cấp xã, xóm theo lộ trình đề ra.

“Việc hợp nhất này giảm được một khâu trung gian, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đối với trung tâm sát thực hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị hơn".

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường

Trong đó, thực hiện thí điểm mô hình về kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Trung ương phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay toàn tỉnh, thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Có 8/21 huyện, thành, thị đã thực hiện mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ. “Việc hợp nhất này giảm được một khâu trung gian, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đối với trung tâm sát thực hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị hơn. Đồng thời, giảm được biên chế và nâng cao được trách nhiệm của đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác tư tưởng gắn với công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn được rõ hơn”- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường đánh giá.

Giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư tại bộ phận một cửa - Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã giảm được 3 chi cục, giảm 25 đơn vị sự nghiệp công lập; có 23 đơn vị đã chuyển sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên theo quyết định của UBND tỉnh (không bao gồm các ban quản lý dự án), trong đó ngành Y tế có 17 đơn vị (đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trong năm 2018 gần 275 tỷ đồng).

VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Bên cạnh những mặt được thì việc sáp nhập cũng mang lại không ít trăn trở, trong quá trình sắp xếp lại bộ máy không tránh khỏi những tác động đến tư tưởng, tâm tư của cán bộ, nhất là ở những cơ quan thuộc diện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Việc tinh giản bộ máy và biên chế tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích và tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dôi dư thuộc diện tinh giản biên chế...

Mặt khác đối với một số ngành “đặc thù” gặp không ít vướng mắc, bất cập. Đơn cử như tại huyện Đô Lương trong thực hiện tinh giản biên chế ở địa phương đó là đối với ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện, phải giảm 10% biên chế viên chức đến năm 2021, trong khi số học sinh, số lớp hàng năm đều tăng. Như năm 2019 - 2020, huyện Đô Lương tăng 43 nhóm lớp so với năm học 2014 - 2015 nhưng biên chế đã giảm 94 người; đồng thời huyện không được phép sử dụng hết biên chế được giao năm 2019, nên các trường mầm non, tiểu học thiếu giáo viên trầm trọng.

Hay như đối với ngành Y tế, việc sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện Đa khoa huyện bộc lộ bất cập, đó là tình trạng 1 cơ quan 2 chế độ cho cán bộ làm việc trực tiếp công tác khám, chữa bệnh và một bộ phận làm công tác dự phòng. Các bệnh viện sau khi thăng hạng, tăng chỉ tiêu giường bệnh nhưng không được tăng số lượng người làm việc, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao. “Sắp tới ngành Y tế sẽ thực hiện sáp nhập 6 đơn vị thuộc hệ thống dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật sẽ dôi dư nhiều cán bộ từ cấp phó và những người làm công tác hành chính, phục vụ… Khi mới sáp nhập, việc thực hiện từng nhiệm vụ, bộ phận bước đầu gặp khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, khi sáp nhập, cấp tỉnh chỉ còn 1 đầu mối, trong lúc cấp Trung ương lại nhiều đầu mối cho nên hoạt động khó hiệu quả”- Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh băn khoăn.

Như vậy, việc thực hiện tinh giản biên chế đồng đều giữa các ngành đặc thù như y tế, giáo dục chưa thực sự phù hợp. Thực trạng này đặt ra, việc thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị bên cạnh việc cần phải được xây dựng đề án bài bản, cụ thể với lộ trình phù hợp.

Việc thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục đang nhiều vấn đề đặt ra. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Mầm non Cao Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Lê
Việc thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục đang có nhiều vấn đề đặt ra. Trong ảnh: Giờ học tại Trường Mầm non Cao Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Lê

Thanh Lê