Quê hương Nghệ An thấm nhuần, vận dụng sáng tạo lời căn dặn của Bác

Thành Duy 02/09/2019 09:30

(Baonghean.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu nặng cho quê hương Nghệ An. Sau hàng chục năm xa cách, đến ngày 14/6/1957 về thăm quê hương, Người xúc động nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Bác Hồ còn có nhiều bức thư gửi cho quê nhà. Đặc biệt, vào ngày 21/7/1969, Người đã gửi bức thư cuối cùng cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An với những lời căn dặn sâu sắc, thắm đượm tình cảm, chất chứa nhiều kỳ vọng với quê hương.

CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ CÙNG ĐẤT NƯỚC

Bức thư cuối cùng của Bác Hồ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn tâm niệm là Di chúc Người dành cho quê hương. Tròn nửa thế kỷ đã qua, thấm nhuần lời dạy của Bác, dù trong kháng chiến chống Mỹ, hay bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, Nghệ An luôn có những đóng góp xứng đáng, ghi dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tự hào là quê hương của Bác, phát huy truyền thống xứ Nghệ, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các tầng lớp nhân dân đang từng ngày ra sức lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng đủ đầy, ấm no.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Ngược lên miền biên viễn Quế Phong, là địa phương vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi vào ngày 12/4/1966 vì “đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng và đã hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hóa trước thời hạn 1 năm”. Trong thư Bác ân cần căn dặn: “Đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập tiến bộ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta”.

Theo đồng chí Trương Minh Cương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong, thực hiện lời Bác dặn, nhiều năm qua, Quế Phong có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát huy được thế mạnh của một huyện miền núi với kinh tế rừng và những loài cây nông sản, dược liệu bản địa. Vì vậy, một trong những dấu ấn lớn nhất phải nói đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Đầu nhiệm kỳ này, tỷ lệ hộ nghèo còn đến 60%, nhưng cuối năm 2018 còn 32,4% và đang phấn đấu để đến hết nhiệm kỳ giảm xuống còn 26 -27%.

Cán bộ xã Tri Lễ (Quế Phong) trao đổi với người dân về năng suất lúa vụ hè thu. Ảnh: Thành Duy
Cán bộ xã Tri Lễ (Quế Phong) trao đổi với người dân về năng suất lúa vụ hè thu. Ảnh: Thành Duy

"Mỗi người dân Đông Hiếu hôm nay là con em của những công nhân nông trường trước kia vẫn luôn tự hào về lịch sử, sự đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương ngày càng phát triển".

Đồng chí Vũ Quang Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Hiếu

Với trung tâm miền Phủ Quỳ, Đông Hiếu - một xã thuộc thị xã trẻ Thái Hòa, song lại có một lịch sử đáng tự hào. Trên miền đất đỏ ba-zan, Nông trường Đông Hiếu từng là một trong những lá cờ đầu của các nông trường quốc doanh, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”. Nông trường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm ngày 10/12/1961. Ngày 23/12/2015, cụm di tích các địa điểm Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Di tích lịch sử Quốc gia. Đồng chí Vũ Quang Hà - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Hiếu chia sẻ: Với tâm thế đó, bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, mỗi người dân Đông Hiếu hôm nay là con em của những công nhân nông trường trước kia vẫn luôn tự hào về lịch sử, sự đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Minh chứng là từ năm 2015, Đông Hiếu đã về đích nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nghe giới thiệu về quy trình sản xuất tại Nhà máy sản xuất đá Viet Home Stone JSC đóng tại Khu Công nghiệp nhỏ Nghĩa Long. Ảnh Thành Duy

Có thể nói, Nghệ An hôm nay, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn đều đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 5,54. Cả tỉnh hiện có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 226/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,64 tiêu chí/xã; 667 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh. Nam Đàn - huyện quê hương của Bác Hồ cũng về đích nông thôn mới với nhiều cách làm mới, sáng tạo và đang được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. TP. Vinh - từ một đô thị từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nay sau mấy chục năm kiến thiết đã trở thành đô thị loại I hiện đại, hướng tầm trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Huyện Nam Đàn đang trên đà xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Ảnh tư liệu

KHẲNG ĐỊNH KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN

Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, những thành tựu mà Nghệ An đạt được phải nhìn nhận rằng là vô cùng to lớn. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ, Nghệ An hiện có quy mô nền kinh tế đã xếp thứ 11 của cả nước, thu ngân sách cũng đứng thứ 17. Vui mừng, tự hào vì sau những con số trên là nỗ lực phấn đấu của cả một chặng đường dài; nhưng Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà đều nhận thức được rằng, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Thứ tự dù thuộc tốp 20 cả nước nhưng vị thế Nghệ An chưa mạnh. Thu ngân sách vẫn chưa tự cân đối được, thu nhập bình quân đầu người đang thấp hơn bình quân chung cả nước…

Với tư duy và tầm nhìn “đột phá - tiến vượt”, tỉnh đã và đang có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển...

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, những hướng đi mới đã được hoạch định rõ ràng. Đặc biệt, với tư duy và tầm nhìn “đột phá - tiến vượt”, tỉnh đã và đang có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển, gắn với 3 vùng kinh tế trọng điểm là: thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò - các huyện Đông Nam gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; vùng kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng tâm là huyện Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa - huyện Quỳ Hợp.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Quế Phong dần được cải thiện nhờ các chính sách định canh, định cư của nhà nước. Ảnh: Thành Cường.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Quế Phong dần được cải thiện nhờ các chính sách định canh, định cư của nhà nước. Ảnh: Thành Cường.

Miền Tây Nghệ An, như huyện Nghĩa Đàn đang trở thành một trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ cả nước và khu vực. Các huyện ven biển - Khu Kinh tế Đông Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín trong và ngoài nước, sau khi tỉnh lựa chọn hướng kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trên cơ sở đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. TP. Vinh gắn với Cửa Lò đang dần trở thành vùng đô thị lớn, có sức lan tỏa và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện, đồng bộ hơn.

"Với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên bứt phá phát triển đô thị, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì được xu thế tăng trưởng cao, bền vững; lợi ích của sự phát triển sẽ lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân. Đây là hướng tăng trưởng và phát triển rất phù hợp".

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

"Bức thư cuối cùng gửi cho Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quê hương, mang giá trị trường tồn, những “đường nét lớn” vẫn còn nguyên giá trị".

PGS.TS Bùi Đình Phong - giảng viên cao cấp, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Với niềm tự hào là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần, khắc sâu và vận dụng sáng tạo những lời căn dặn của Bác, Nghệ An đang khẳng định khát vọng vươn lên tầm cao mới, để “sớm trở thành tỉnh khá” như sinh thời Người hằng mong muốn.

Thành phố Vinh phấn đấu hướng tầm trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Thành Duy

Thành Duy