Để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của địa danh Bến Thủy

. 07/09/2019 07:45

(Baonghean.vn) - Còn có thể làm được gì cho Bến Thủy là trăn trở không chỉ của riêng những cá nhân gắn liền với Bến Thủy trong những giai đoạn lịch sử hào hùng, mà còn là của tất cả những ai yêu quê hương, yêu thành Vinh anh dũng, kiên cường.

Từ 4 lớp di sản...

Gắn với sự ra đời và phát triển của đô thị Vinh, địa danh Bến Thủy chứa đựng những lớp trầm tích lịch sử vô cùng quan trọng.

Lớp di sản thứ nhất, gắn với sự kiện khu vực này được Vua Quang Trung lựa chọn để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Mặc dù sự nghiệp xây dựng đang dang dở, nhưng Phượng Hoàng Trung Đô vẫn là một mốc son lịch sử, góp phần định vị Vinh trong lịch sử dân tộc.

Bản đồ Bến Thủy năm 1936.
Bản đồ Bến Thủy năm 1936. Ảnh tư liệu

Lớp di sản thứ hai, ghi nhận Bến Thủy nói riêng, Vinh - Bến Thủy nói chung trở thành một đô thị kỹ nghệ và thương mại bậc nhất Trung Kỳ. Sau khi người Pháp đứng chân ổn định ở Nghệ An, Bến Thủy được các nhà tư bản trong và ngoài nước ồ ạt đầu tư. Bến cảng và nhà ga đường sắt được đầu tư, hàng loạt nhà máy, công xưởng được xây dựng.

Suốt chiều dài khoảng 6 cây số từ chân núi Con Mèo xuống Nhà máy cá hộp La phic ở khu vực giáp Hưng Hòa là la liệt các cầu tàu, kho xăng dầu, xưởng gỗ, nhà máy chế biến, kho rượu, Nhà máy Diêm, Nhà máy Điện… Trong đó, Nhà máy Diêm Bến Thủy là nhà máy có công nghệ hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, sản xuất mỗi năm từ 150 đến 190 triệu bao diêm, xuất khẩu nhiều nước trên thế giới. Khu vực Bến Thủy khi đó có khoảng trên dưới 3.000 công nhân, trong số 7.000 đến 8.000 công nhân của cả thành phố. Đây chính là tiền đề quan trọng tạo nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Nhà máy Diêm Bến Thủy những năm 1920.
Nhà máy Diêm Bến Thủy những năm 1920. Ảnh tư liệu

Lớp di sản thứ ba gắn với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh mà Bến Thủy là nơi “đứng đầu dậy trước”, với cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Ngã ba Bến Thủy, nơi mà liên minh công nông đã diễn ra ngay giữa trận tiền.

Lớp di sản thứ tư ghi nhận Bến Thủy là một tọa độ anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Bến Thủy là một trong những nơi có mật độ bom đạn lớn nhất ở miền Bắc. Chỉ tính riêng từ năm 1964 - 1968, Mỹ đã ném bom xuống khu vực phà Bến Thủy đến 2.912 trận, với 11.377 quả bom. Bước ra khỏi chiến tranh, khu vực này có 52 liệt sỹ, 14 đơn vị và cá nhân anh hùng. Trong đó, đơn vị Phà Bến Thủy có 23 liệt sỹ và 2 lần được tuyên dương Anh hùng.

... đến ý tưởng và quy hoạch

Là một vùng đất lịch sử, nhưng khu vực Bến Thủy cũng là vùng thắng địa, sơn thủy hữu tình, đẹp nhất của thành phố Vinh. Từ trước đến nay trong mọi ý tưởng và quy hoạch khu vực này vẫn chủ yếu được giành cho mục đích công cộng.

Từ cuối thế kỷ trước, quy hoạch Lâm viên Núi Quyết đã được lập và triển khai. Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây dựng và khánh thành năm 2008. Năm 2002, 2003, thành phố đã có ý tưởng và mời tư vấn để khảo sát, lập dự án xây dựng tiểu công viên chiến tranh, với phạm vi khảo sát là cả dải đất ven sông Lam, phía thượng lưu cầu Bến Thủy và khu vực dưới chân núi Quyết, nơi có nhiều di tích hầm khoét sâu vào vách núi thời chống Mỹ.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Quyết. Ảnh: Sách Nguyễn
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Quyết. Ảnh: Sách Nguyễn

Đặc biệt, Đề án “Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm văn hóa - thông tin của vùng Bắc Trung bộ (giai đoạn 2006 - 2020), ban hành theo Quyết định số 2862/QĐ-UBND ngày 7/8/2007 của UBND tỉnh, đã xác định tôn tạo Khu di tích ngã ba Bến Thủy. Trong đó nói rõ: “Tôn tạo cụm di tích ngã ba cột đèn Bến Thủy và mô hình Nhà máy Diêm, phục dựng và tái hiện bối cảnh cầu phao Bến Thủy, phà Bến Thủy (các địa danh anh hùng), xây dựng tượng đài Bến Thủy chiến thắng và tổ chức hệ thống dịch vụ văn hóa du lịch bên bờ sông Lam”.

Năm 2015, trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do nhà tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) xây dựng và đã được Chính phủ phê duyệt, dải đất ven sông Lam, phía thượng lưu cầu Bến Thủy vẫn được biểu thị trên bản đồ là đất công cộng, còn dải đất phía hạ lưu là đất hỗn hợp.

Ngày 18/12/2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định 6103/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050”, trong đó ở khu vực này có 2 di tích: Ngã ba Bến Thủy và Nhà máy Điện Vinh. Ngoài ra, tiểu công viên di tích chiến tranh cũng đã được quy hoạch trong dự án Lâm viên Núi Quyết mà UBND thành phố Vinh đang kêu gọi đầu tư.

Trăn trở hiện trạng

Về các di tích, ở khu vực này đã xây dựng Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Quyết; Tượng đài Trường Thi - Bến Thủy 1930 - 1931, gắn liền với Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã ba Bến Thủy; Di tích Nhà máy Điện Vinh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ở khu vực này cũng đã đặt bia dẫn tích Bác Hồ về thăm Nhà máy Điện Vinh năm 1957.

Tượng đài Trường Thi - Bến Thủy 1930 - 1931, được dựng tại khu vực ngã ba Bến Thủy, khánh thành vào ngày 12/9/2012. Ảnh: Sách Nguyễn
Tượng đài Trường Thi - Bến Thủy 1930 - 1931, được dựng tại khu vực ngã ba Bến Thủy, khánh thành vào ngày 12/9/2012. Ảnh: Sách Nguyễn

Theo Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn Nghệ An, thì trên dải đất ven sông 2 bên cầu Bến Thủy chỉ có: Địa điểm cảng Bến Thủy; Địa điểm đồng chí Lê Mao hy sinh được đưa vào Danh mục kiểm kê để tiến tới công nhận là Di tích lịch sử.

Còn những địa điểm rất có ý nghĩa và giá trị lịch sử khác như: Nhà máy Diêm Bến Thủy, phà Bến Thủy, cầu phao Bến Thủy không những chưa được công nhận di tích lịch sử, mà cũng chưa được đưa vào Danh mục kiểm kê. Đây là một thiếu sót không nhỏ của ngành Văn hóa.

Điều quan trọng nhất là, mặc dù đến năm 2015, bản đồ quy hoạch Vinh vẫn dành dải đất ven sông Lam phía thượng lưu cầu Bến Thủy cho đất công cộng, nhưng trên thực tế từ năm 2008, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cho một dự án lớn về bất động sản trên dải đất này, kéo dài từ chân cầu Bến Thủy 1 lên đến bến tàu của Công ty Hải Châu, có diện tích 12 ha.

Về cơ bản, dự án này đã đè lên khu vực Nhà máy Diêm thời thuộc Pháp (sau này là Nhà máy Gỗ Vinh), chỉ còn một khu vực hơn 3 ha ở phía Bắc, sát với đường Quốc lộ 1 hiện đang là khu dân cư. Có thông tin khu vực hơn 3 ha này đã được quy hoạch làm công viên. Trong khu vực dự án cũng có vị trí mố Bắc cầu phao Bến Thủy, với dấu tích còn lại là mố cầu phao bằng bê tông cốt thép, 4 nhịp, vươn ra sông. Đây cũng là một vị trí được đánh giá là có giá trị lịch sử. Hiện, doanh nghiệp đã dựng một bia Di tích bằng đá, rất kiên cố và khá đẹp ở đây. (Phía bờ Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã xếp hạng và dựng bia “Di tích lịch sử Mố nam Cầu phao Bến Thủy”).

Dấu tích Bến số 3 Phà Bến Thủy. Ảnh: Phạm Xuân Cần
Dấu tích bến số 3 Phà Bến Thủy. Ảnh: Phạm Xuân Cần

Với phà Bến Thủy, hiện nay dấu tích còn lại rõ nhất là Bến phà số 3, cách cầu Bến Thủy 1 khoảng vài ba trăm mét về phía hạ lưu. Ở đây còn có mố phà là một taluy bê tông cốt thép rộng khoảng 4m, dốc xuống phía sông. Đoạn đường dẫn xuống phà được cho là vẫn còn giữ nguyên hướng tuyến. Đây được cho là bến phà quan trọng, hoạt động nhộn nhịp nhất thời chống Mỹ.

Một bến phà khác, là bến phà số 1, đã nằm gọn dưới gầm cầu Bến Thủy. Còn Bến phà số 5 thì nằm ở phía trên xưởng đóng tàu của Công ty Hải Châu, gần với cầu Bến Thủy 2.

Còn có thể làm gì cho Bến Thủy?

Trước hết, ngành Văn hóa cần phải bổ sung Danh mục kiểm kê các di tích: Vị trí Nhà máy Diêm; Phà Bến Thủy; Mố bắc cầu phao Bến Thủy; Hệ thống hầm thời chống Mỹ ở sườn Đông Bắc núi Quyết. Cùng với đó, khẩn trương khảo sát, đánh giá hiện trạng và giá trị, xếp hạng và khoanh vùng di tích để bảo vệ. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích, ngăn ngừa sự xâm hại.

Về phía hạ lưu cầu Bến Thủy, cần khảo sát xếp hạng di tích lịch sử vị trí cảng Bến Thủy, ghi nhận giá trị lịch sử thương cảng bậc nhất Trung kỳ thời thuộc Pháp, cũng như giá trị lịch sử oanh liệt thời kỳ chống Mỹ. Khảo sát, xếp hạng di tích Bến số 3 phà Bến Thủy, đại diện cho cả hệ thống các bến thuộc phà Bến Thủy thời chống Mỹ. Xác định phạm vi, khoanh vùng bảo vệ, di tích, để một dự án khác đang được khảo sát lập quy hoạch ở khu vực này không chồng lấn hoặc xâm hại. Nghiên cứu phục dựng lại bến phà và đặt bia dẫn tích.

Phía thượng lưu cầu Bến Thủy, cần sớm thực hiện quy hoạch xây dựng công viên ở khu đất hiện đang là khu dân cư, gắn liền với khu vực tượng đài Trường Thi - Bến Thủy 1930 - 1931. Đây cũng là mảnh đất chứa một góc Nhà máy Diêm thời thuộc Pháp và Nhà máy gỗ Vinh sau này. Nên xây dựng mô hình, hoặc dựng bia dẫn tích Nhà máy Diêm, ghi nhận giá trị lịch sử là nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất của Đông Dương; đồng thời là một trong những cái nôi của Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Đối với dấu tích mố bắc cầu phao Bến Thủy, cần nghiên cứu xác định giá trị lịch sử của nó, vì hiện nay đang có nhiều tài liệu, thông tin khác nhau về thời điểm ra đời, cũng như giá trị lịch sử của Cầu phao Bến Thủy. Trên cơ sở đó lựa chọn cách ứng xử phù hợp.

Với giá trị lịch sử đặc biệt của Bến Thủy qua các thời kỳ, trên cơ sở hiện trạng đã có, rất cần thiết và có thể thực hiện một số công việc để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của địa danh này trước khi quá muộn. Không nên chỉ tiếc nuối hay trách cứ. Thay vào đó cần hành động khi còn có thể!

.