Gia đình ở Nghệ An đang lưu giữ triện cổ bằng ngà voi quý hiếm

Ngọc Phương 03/09/2019 10:06

(Baonghean.vn) - Hiện nay, gia đình ông Trần Minh Sinh, SN 1963 ở xóm Phú Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đang lưu giữ một triện cổ bằng ngà voi hàng trăm năm tuổi và 10 văn bản cấp bằng.

Trong căn nhà gỗ 5 gian rất thấp được làm bằng gỗ lim từ năm 1948, ông Trần Minh Sinh cho biết: Hiện gia đình còn lưu giữ 10 văn bản cấp bằng quý hiếm từ đời cha ông để lại. Theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu Hán Nôm, đây là 10 văn bản do quan phó lãnh binh Nghệ An cấp. Nhờ được cất giữ rất cẩn thận nên 10 văn bản này còn nguyên vẹn.

1.Ông Trần Minh Sinh đang cho xem 1 trong 10 sắc phong gia đình đang lưu giữ.
Ông Trần Minh Sinh đang cho xem 1 trong 10 văn bản cấp bằng gia đình đang lưu giữ.

Cùng với 10 văn bản ông Trần Minh Sinh còn cho xem thêm một chiếc triện cổ bằng ngà voi. Theo thuật ngữ của giới chơi đồ cổ thì chiếc triện này đã “lên ten” thời gian vàng óng. Triện khá nhỏ, cao độ 2,5cm, mặt triện mỗi cạnh rộng 1,7cm. Phía trên triện khắc chữ Thượng. Mặt dưới triện có khắc 4 chữ Sắc mệnh chi bảo (có nghĩa là ấn báu do hoàng đế ban)

2.Trải qua hàng trăm năm, nhưng các sắc phong còn nguyên vẹn. Trong ảnh: Một đạo sắc với dấu triện to gấp 4 lần các dấu triện khác, giữa dấu triện có dãy chữ: “Đồng Khánh nguyên niên nhị nguyệt sơ tam nhật”.
Trải qua hàng trăm năm, nhưng các văn bản còn nguyên vẹn. Trong ảnh: Một văn bản với dấu triện to gấp 4 lần các dấu triện khác, giữa dấu triện có dãy chữ: “Đồng Khánh nguyên niên nhị nguyệt sơ tam nhật”.
Cùng với 10 văn bản cấp bằng và triện cổ bằng ngà voi, hiện gia đình ông Hương còn đang lưu giữ một số đồ cổ bằng sứ, trong đó có 2 chiếc nậm rượu vẽ Long ẩn và Tam hữu, một số đĩa vẽ phượng tha thư, tam hữu, hoa sen… Một số người đã hỏi mua nhưng ông Sinh không bán, bởi đây là những hiện vật của ông cha để lại.

Liên quan đến đạo sắc và ấn triện, ông Trần Minh Sinh cho biết, theo lời cha và ông nội của ông kể lại, trước đây ông cố nội của ông là Trần Thế Hương làm quan võ ở cung đình Huế.

4.Ông Trần Minh Sinh đang cầm chiếc triện cổ làm bằng ngà voi. 5.Mặt trên triện khắc chữ Thượng.
Ông Trần Minh Sinh đang cầm chiếc triện cổ làm bằng ngà voi. Trong ảnh: Mặt trên triện khắc chữ Thượng.
Võ quan Trần Thế Hương thời đó sức khỏe phi thường, lập nhiều chiến công. Nhiều người ở triều đình phải nể phục sức mạnh của ông. Lần đó ở triều đình, có con trâu mộng cổ to như chiếc cối xay bị sổ chuồng, không ai có thể bắt được. Võ quan Trần Thế Hương phải ra tay. Sau khi chặn được trâu và với vài đường vờn, ông nhảy vào ôm lấy cổ trâu ghì xuống, nhanh như thoắt xỏ dây thừng vào mũi trâu, rồi đưa về chuồng.

8.Một số đồ cổ bằng sứ như nậm rượu và đĩa đang được ông Sinh lưu giữ.
Một số đồ cổ bằng sứ như nậm rượu và đĩa đang được ông Sinh lưu giữ.
Tầm ảnh hưởng của võ quan Trần Thế Hương khá lớn, khi ngôi đền Phú Thọ - di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia được xây dựng, chính võ quan Trần Thế Hương là người có mặt để làm lễ thắp hương khởi công. Ông Trần Minh Sinh cho biết thêm.

Ngôi nhà 5 gian của ông Trần Minh Sinh đang ở cũng là nơi được dùng làm nhà thờ của chi 4 dòng họ Trần Minh ở xã Lưu Sơn - Đô Lương. Trong thời kỳ chiến tranh, đây là nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng và cũng là nơi giam giữ một số Việt gian phản cách mạng.

Ngọc Phương