Nghệ An xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lâm nghiệp

Thu Huyền 04/09/2019 11:52

(Baonghean.vn) - Để phát huy lợi thế của vùng, của tỉnh, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Nghệ An đang xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực lâm nghiệp. Mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản gỗ đến năm 2035 đạt trên 2 tỷ USD.

Sáng 4/9, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực lâm nghiệp. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đại diện các sở ngành, các doanh nghiệp liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Huyền
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Mục tiêu đạt 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ vào năm 2035

Để phát huy những lợi thế của vùng cũng như của tỉnh, phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của vùng, theo đề án, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực lâm nghiệp Nghệ An gồm có 4 phân khu:

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu. Ảnh: Thu Huyền
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh đề cương, dự toán, tiến hành xây dựng đề án theo đúng quy định; từ đó có cơ sở triển khai các dự án thành phần. Ảnh: Thu Huyền

Khu vực 1: Trung tâm hành chính và sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản, dự kiến quy mô 40 ha.

Khu vực 2: Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 60 ha.

Khu vực 3: Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ có dự kiến quy mô 520 ha thuộc xã Nghi Văn, Nghi Kiều (Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (Đô Lương).

Khu vực 4: Khu vực trồng rừng thâm canh chất lượng cao gắn với chứng chỉ rừng bền vững với quy mô 5.000 ha đến năm 2025 trên địa bàn các huyện: Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Con Cuông, Yên Thành, Tân Kỳ, Nam Đàn; quy mô 10.560 ha đến năm 2035 trên địa bàn toàn tỉnh.

Bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiên Minh Đức đề nghị tỉnh làm nhanh giải phóng mặt bằng để tháng 9/2020 đưa Trung tâm giống lâm nghiệp ở Nghi Lộc đi vào hoạt động. Ảnh: Thu Huyền
Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đề nghị tỉnh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để tháng 9/2020 có thể đưa Trung tâm Giống lâm nghiệp ở huyện Nghi Lộc đi vào hoạt động. Ảnh: Thu Huyền

Mục tiêu công nghệ cao trong lâm nghiệp định hướng đến năm 2035 được áp dụng tại các công đoạn: Công đoạn giống nuôi cấy mô công nghệ cao được sử dụng trên 30% diện tích rừng; Công đoạn trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC tiến đến 10.560 ha; Công đoạn chế biến sâu các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có giá trị tỷ trọng chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.

Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng đề án Khu nông nghiệp ứng dụng CNC về lĩnh vực lâm nghiệp, vì vậy quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Song song với công tác rà soát quỹ đất đưa vào liên kết, Sở NN&PTNT cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án liên quan...

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp: Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (dự kiến đầu tư Trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 60 ha và Khu vực trồng rừng thâm canh chất lượng cao gắn với chứng chỉ rừng bền vững); Công ty CP Kiến trúc và Nội thất Nano (dự kiến đầu tư Trung tâm hành chính và sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản; Khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ) đã báo cáo tình hình khảo sát đất đai, đề xuất một số kiến nghị để triển khai dự án gắn với đề án khu công nghệ cao...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị việc thực hiện đề án cần tính toán quy mô hợp lý, vị trí các dự án cần được khảo sát kỹ. Ảnh: Thu Huyền

Cần lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, việc hình thành một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An là rất quan trọng và cần thiết.

Đây sẽ là 1 trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được định hướng xây dựng trong cả nước theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ; thể hiện quyết tâm của Nghệ An về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của người dân ở xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ). Ảnh tư liệu

Đặt vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở cần quan tâm, làm rõ thêm phương án huy động nguồn lực, vấn đề cơ chế đầu tư, làm sao lựa chọn được nhà đầu tư đủ mạnh để triển khai dự án hiệu quả.

Quá trình triển khai, quan điểm của tỉnh là tránh di dời dân, không ảnh hưởng môi trường. Vì thế cần tính toán quy mô cho hợp lý, khảo sát thật kỹ vị trí các dự án. Riêng khu vực chợ đầu mối nên khảo sát chọn địa điểm gần cảng biển. Về vấn đề nguồn nhân lực, tỉnh sẽ đảm bảo được cho nhà đầu tư.

Cũng trong sáng nay, cuộc họp đã cho ý kiến về việc tổ chức chuỗi sự kiện 75 năm thành lập ngành Lâm nghiệp; 60 năm Ngày truyền thống Lâm nghiệp Việt Nam.

Thu Huyền