Phong tỏa tài khoản để ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng

vov.vn 05/09/2019 07:02

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cơ quan chức năng chú trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản

Công tác phòng, chống tham nhũng không chùng xuống

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, điển hình như: Vụ án Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM và đồng phạm bị khởi tố điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại TP.HCM.

Cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Mobifone - Lê Nam Trà. Ảnh: VTC

Vụ án Vũ nhôm cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...”; vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” trong thương vụ Mobifone mua AVG...

Cơ quan điều tra đã thụ lý 420 vụ án, 876 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can (giảm 18 vụ, tăng 56 bị can so với cùng kỳ năm 2018).

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo(tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 402 bị cáo; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ là 103 bị cáo. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra, xác minh 31 vụ án, 27 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công thụ lý điều tra 1 vụ án

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

“Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi” – báo cáo nêu rõ.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Thu hồi tài sản đạt tỷ lệ chưa cao

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo chỉ rõ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong đó, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao. Trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu.

Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn có hiệu quả, có vụ việc xảy ra ngay trong lực lượng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ.

Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, nhiều vụ việc còn chậm trễ.

Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.

Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập.

vov.vn