Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm tài chính ngân hàng của khu vực
(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị “Về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, đến nay, thành phố Vinh đã hình thành yếu tố trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trong đó, tài chính ngân hàng đang tiếp tục có những bước phát triển mạnh.
ĐA DẠNG HÓA CÁC LOẠI HÌNH DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
Sau 5 năm thực hiện đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2014 - 2020, lĩnh vực tài chính ngân hàng phát triển mạnh. Hiện nay, mạng lưới ngành ngân hàng Nghệ An bao gồm 1 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, 101 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng cấp 1 với đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng.
Trên địa bàn còn có 1 chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi khu vực Bắc Trung Bộ, hoạt động vì lợi ích của người gửi tiền, phối hợp với NHNN trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hệ thống trụ sở chính của các chi nhánh ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán được phát triển mạnh mẽ với 260 ATM, với 1.390 POS.
Giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Thu Huyền |
Ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho hay: Để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng thành lập, mở chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn đa dạng hóa và đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ ngân hàng, gia tăng nguồn vốn huy động, tạo cơ sở để đẩy mạnh cấp tín dụng.
Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay.
Quá trình hoạt động, các tổ chức tín dụng cũng chú trọng mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các tổ chức tín dụng cũng chú trọng mở rộng tín dụng vào các doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Thông qua các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường cung cấp thông tin về các dự án phát triển kinh tế trong khu vực Bắc Trung Bộ để tiếp cận và tiến tới đầu tư, cho vay. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tích cực liên hệ với hội sở chính để có thể tham gia đồng tài trợ đối với các dự án lớn trong khu vực Bắc Trung Bộ.
TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG TÍN DỤNG
Các dịch vụ về tài chính, ngân hàng, tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạng lưới ngày càng mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân; là kênh vốn quan trọng giúp phân phối, luân chuyển hàng hóa và cung ứng các dịch vụ về thương mại, tài chính, du lịch,… đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung.
Đến 30/6/2019, nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 129.133 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 8.502 tỷ đồng, bằng 7,1%. Với kết quả đạt được như trên, trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng Nghệ An dự kiến vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2019 của tỉnh Nghệ An (kịch bản tăng trưởng 6 tháng là 6 - 7%). Tổng dư nợ của các TCTD trên toàn địa bàn ước đạt 203.135 tỷ, so với đầu năm tăng 10.590 tỷ đồng, bằng 5,5%.
Người dân thành phố rút tiền tại cây ATM. Ảnh: Thu Huyền |
Thành phố Vinh hiện có 6.173 doanh nghiệp và 22.000 hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn. Ngoài việc cung cấp tín dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, các ngân hàng trên địa bàn còn mở rộng hoạt động, cung cấp vốn và các dịch vụ ngân hàng cho các dự án ngoài địa bàn nhằm đáp ứng các nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp các địa phương trong khu vực.
Lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng phát triển cả về mạng lưới, các sản phẩm dịch vụ và cả tăng trưởng dư nợ, hỗ trợ đáng kể các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, kế toán, kiểm toán... phần lớn tồn tại dưới dạng văn phòng đại diện và các chi nhánh hoạt động phụ thuộc, không có hội sở chính (trừ Ngân hàng TMCP Bắc Á).
Thành phố Vinh thuộc quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21/11/2011), bao gồm thêm thị xã Cửa Lò, các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; có tổng diện tích khoảng 3.648 km2.
Thành phố Vinh được hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Thành Cường |
Đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Vì thế, phát triển tài chính ngân hàng cả về số lượng cũng như chất lượng, đi tắt đón đầu đáp ứng nhu cầu, xu thế phát triển là yêu cầu bức thiết. Theo lãnh đạo thành phố, hiện trên địa bàn chưa có các công ty, tập đoàn tài chính “tầm cỡ”.
Vì thế, thời gian tới, thành phố khuyến khích tiếp tục phát triển hệ thống tín dụng, ngân hàng theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ: Kiểm toán, bảo hiểm, tư vấn tài chính... xây dựng trung tâm giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch bất động sản quy mô vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch để thu hút nguồn lực, tạo tiền đề cho việc hình thành thị trường một cách đầy đủ.
Từ đó thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính, bảo hiểm, các công ty chứng khoán lập chi nhánh tại thành phố Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân trong vùng.