Nghệ sĩ An Ninh: Phải biết buông bỏ để sống thực với đam mê

Mỹ Hà 09/09/2019 09:39

(Baonghean.vn) - Nhìn lại quãng thời gian công tác, tôi lại thực sự cảm ơn những lời góp ý, cảm ơn những khó khăn, bởi nhờ đó tôi mới có những phấn đấu, cố gắng để có thành công như ngày hôm nay.

Trong Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, NSƯT An Ninh là một con người khá đặc biệt với sở trường dàn dựng những vở kịch hát Dân ca ví, giặm xứ Nghệ và giành được nhiều giải thưởng uy tín.

Nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12/8 Âm lịch), NSƯT An Ninh - Trưởng đoàn Chỉ đạo nghệ thuật, Trung tâm bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, đã có nhiều chia sẻ với Báo Nghệ An về công việc của một người làm sân khấu hiện nay.

Nghệ sỹ An Ninh đang dựng cảnh cho các diễn viên của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ảnh: Đức Anh
Vui vì khán giả được yêu quý qua từng vai diễn, vở kịch

- Thưa nghệ sỹ An Ninh, chúc mừng anh với danh hiệu NSƯT mà anh cùng các đồng nghiệp vừa được phong tặng. Đây quả thực là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của anh sau hơn 30 năm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng, danh hiệu này đến với anh dường như là muộn so với những người phát triển cùng thời?

- Đúng vậy, với độ tuổi tôi hiện nay, gần 36 năm làm nghề thì đến nay mới nhận danh hiệu NSƯT có thể xem là muộn. Tuy nhiên, tôi không suy nghĩ nhiều và không phải vì ai cả, mà bởi vì “ngạch” của tôi là vậy, khi tôi làm công việc của một người sáng tác. Thực tế, thời gian tôi diễn rất ít. Trước đó, khi hai vợ chồng tôi mới vào đoàn cả hai đều làm diễn viên chính. Sau đó, tôi nghĩ, đoàn thì đông diễn viên mà hội diễn nào hai vợ chồng cũng tham gia khiến anh em mất hết cơ hội. Thế nên, tôi quyết định “lui quân”.

Phải đến năm 2016 - 2017, cùng lứa với tôi mọi người đều đã được phong tặng hết danh hiệu thì anh em trong đoàn mới khuyến khích tôi tham gia một vai để có huy chương. Lúc này, tôi gần 20 năm không diễn nhưng vẫn nhận đóng vai chính trong vở “Thầy và trò” và đồng thời là người viết kịch bản. Sau đó, vở diễn này tôi được Huy chương Vàng ở cả hai vai trò và có huy chương để được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Hoạt cảnh Người về thăm quê hương sau 60 năm xa cách trong vở "Lời người - Lời của nước non" do NSƯT An Ninh chuyển thể và NSND Hồng Lựu làm đạo diễn. Ảnh: Đức Anh


Danh hiệu NSƯT chỉ là một cái “danh” và tôi nghĩ rằng nhiều người không quá quan trọng danh hiệu này. Tuy nhiên, khi đã được phong tặng thì tôi thực sự vui, vì đây là ghi nhận của Đảng và Nhà nước về tài năng, về sự cống hiến của người nghệ sỹ.

NSƯT An Ninh

- Anh và vợ là NSND Hồng Lựu hiện nay là 2 nghệ sỹ nổi tiếng trong làng sân khấu tỉnh nhà. Nhưng để có được thành công như ngày hôm nay cả hai cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Anh có thể chia sẻ thêm công việc của một gia đình khi tất cả đều là nghệ sỹ và là người của công chúng?.

- Hai chúng tôi đến từ hai vùng quê khác nhau, khởi nghiệp từ bàn tay trắng nên vất vả là điều có thật. Ngày ấy, tôi vào đoàn trước và chỉ được học tại đoàn chứ không phải được học tại trường, qua đào tạo bài bản như những diễn viên khác. Người thầy đầu tiên của tôi là cố NSƯT Đình Bảng, thầy và trò cùng ngồi chung một chiếc bàn để dạy hát cho nhau. Sau 3 tháng thì chúng tôi vượt qua vòng kiểm tra và trở thành diễn viên chính thức.

Khác với tôi, Hồng Lựu được học ở trường. Hai vợ chồng gặp nhau ở đoàn, yêu nhau rồi lấy nhau. Năm 1989, đám cưới của chúng tôi tổ chức giản dị ở đơn vị, không có tiệc cưới, không có hoa, chỉ có đồng nghiệp và anh em nội, ngoại. Nhiều người sau này vẫn thắc mắc, nhưng có lẽ bản chất chúng tôi thích đơn giản, không cầu kỳ… Cả hai đều quan niệm, công việc và gia đình là thứ quan trọng nhất. Tôi cũng không cho rằng, mình là người của công chúng, bởi lẽ mình chỉ là người bình thường. Có chăng, khán giả biết đến mình là nhờ những tác phẩm và những vai diễn. Tôi vui vì đến nhiều vùng quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đến với nhiều bản làng, bà con xem mình như người nhà.

NSND Hồng Lựu vừa là vợ nhưng cũng là người đồng nghiệp
NSND Hồng Lựu vừa là vợ nhưng cũng là người đồng nghiệp "kỹ tính" của NS An Ninh. Ảnh tư liệu

Người ta bảo, phía sau một người chồng, luôn có một người vợ hậu phương. Nhưng gia đình anh được cả vợ và chồng và nếu nhìn ngoài sẽ thấy hai người tương trợ lẫn nhau. Nhưng, thực tế chắc có lẽ không thuận lợi như vậy?

- Hai vợ chồng chúng tôi tranh luận, “xé sách, xé vở” là chuyện thường xuyên bởi lẽ Lựu là người khó tính, khắt khe về nghệ thuật. Nếu chưa được là chưa được chứ không có chuyện thỏa hiệp.

Nhưng, chúng tôi không tranh cãi kéo dài, không tức giận vì quả thực cả hai đều rất bận rộn, hết hội diễn này sang hội diễn khác, hết vở diễn này sang vở diễn khác. Thực tế, Lựu bổ trợ cho tôi rất nhiều, nhất là khi Lựu là diễn viên. Mỗi một tác phẩm của tôi, Lựu là người tiếp nhận đầu tiên. Nếu “qua” được Lựu sau đó sẽ thuận lợi. Trong gia đình, vợ cũng là người cáng đáng hết mọi việc vì bản thân tôi chỉ biết công việc mà thôi.

Lựu là người khó tính, khắt khe về nghệ thuật. Mỗi một tác phẩm của tôi, Lựu là người tiếp nhận đầu tiên. Nếu “qua” được Lựu sau đó sẽ thuận lợi.

NSƯT An Ninh

Hiểu hết giá trị của câu ví, giặm thì sẽ phát huy được thế mạnh

-Thưa nghệ sỹ An Ninh, anh xuất thân là nghệ sỹ hát dân ca, nhưng sau đó lại thành danh là một người chuyển thể kịch bản dân ca xuất sắc. Quá trình thay đổi này, xuất phát từ đâu. Anh có kỷ niệm đặc biệt với vở diễn nào nhất?

- Tôi vào đoàn với vai trò là một diễn viên. Thế nhưng, việc thích nhất của tôi lại là sáng tác. Hồi đó, mỗi lần diễn xong một vai, tôi lại ngồi xuống khán đài và chỉ ước sao cả đời mình có một tác phẩm được diễn trên sân khấu. Vì quá yêu thích nên ngày diễn, tối về tôi lại cặm cụi viết kịch bản. Tuy nhiên, viết chỉ vì đam mê thôi, viết xong là bỏ không, dù có nhiều vở tôi chuyển thể từ đầu đến cuối. Sân khấu của tôi lúc bấy giờ đó chính là sau những buổi biểu diễn ở trong dân. Lúc đó, anh em diễn viên trong đoàn cùng ngồi ăn đêm với nhau và tôi mới dám giới thiệu các sáng tác của mình.

Xuất thân là diễn viên nhưng NSUT An Ninh lại có kinh nghiệm hơn 30 năm làm sáng tác, chuyển thể kịch bản. Ảnh: Đức Anh
Xuất thân là diễn viên nhưng NSƯT An Ninh lại có kinh nghiệm hơn 30 năm làm sáng tác, chuyển thể kịch bản. Ảnh: Đức Anh

Sau này, khi chia tách 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, tôi về lại Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ đoàn có chuyển thể một vở bi kịch “Nàng Mai tế chồng” nhưng biểu diễn xong, tôi quan sát không có một giọt nước mắt nào của khán giả. Khi ấy, tôi lại viết một kịch bản mới và nhờ 2 diễn viên trong đoàn diễn. Tối hôm ấy, diễn xong cho phụ nữ Hà Tĩnh xem, mọi người xúc động lắm. Điều đó, cũng giúp tôi tự tin vào mình và nghĩ rằng nếu cố gắng mình cũng có thể làm được. May mắn cho tôi, khi đó trưởng đoàn và cũng là người chuyển thể kịch bản trước đó rất ủng hộ tôi. Tối hôm ấy, ông đem bia vào phòng bảo: Chúc mừng cháu!

Vào đoàn với vai trò là một diễn viên. Thế nhưng, việc thích nhất của tôi lại là sáng tác và chỉ ước sao cả đời mình có một tác phẩm được diễn trên sân khấu.

NSƯT An Ninh

Đó cũng là lần đầu tiên tôi có tác phẩm được dựng ở sân khấu. Đầu năm 1991 vợ chồng tôi trở lại Nghệ An và tôi bắt đầu có những cơ hội để thể hiện đam mê của mình, dù rằng ban đầu tôi chủ yếu chỉ viết những trích đoạn ngắn do mình và vợ biểu diễn. Phải đến năm 1996, tôi mới có kịch bản dài hơn và được lãnh đạo tin tưởng. Như NSƯT Nguyễn Ngọc Ất - Giám đốc nhà hát, ông rất thích những người làm được việc và miễn là đúng, có khả năng là ông đều ủng hộ.

Cũng phải nói rằng, hai vợ chồng cùng nghề, cùng cơ quan có rất nhiều áp lực và không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình, thông cảm với tất cả mọi người. Nhưng, bây giờ nhìn lại tôi lại thực sự cảm ơn những lời góp ý, cảm ơn những khó khăn, bởi nhờ đó tôi mới có những phấn đấu, cố gắng để có thành công như ngày hôm nay.

Tôi cũng nghĩ rằng, mình không được học trường lớp nhiều mà chủ yếu là trường đời. Thế nên, chính gian nan, vất vả đã giúp tôi trưởng thành và tự mình rút kinh nghiệm cho mình. Hơn nữa, tôi cũng gặp nhiều may mắn bởi thời tôi, các nghệ sỹ gạo cội đều đã lớn tuổi. Vì thế, cơ hội đã được trao cho những người trẻ và nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho tốt.

Những sáng tác của NSUT An Ninh đều lấy chất liệu từ làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Ảnh: Đức Anh
Những sáng tác của NSƯT An Ninh đều lấy chất liệu từ làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Ảnh: Đức Anh

Hiện, tôi làm một năm nhiều vở và vở tôi yêu thích khá nhiều. Tuy nhiên, vở mà tôi tâm đắc nhất lại không có nhiều giải thưởng như vở “Nơi đất ở”, “Câu Kiều ru một đời người” - đó là những vở làm nghệ thuật đích thực.

Cũng như nhiều lĩnh vực sân khấu khác, kịch hát dân ca xứ Nghệ đã có những giai đoạn rất khó khăn. Điều này là vì đâu, thưa NSƯT An Ninh?

- Dân ca ví, giặm thế mạnh là chiều sâu, là sự da diết bâng khuâng, đượm buồn chứ không phô trương. Nếu mình đưa được những điều sâu lắng này vào vở kịch thì sẽ rất thuyết phục, đặc biệt là đi sâu vào nội tâm nhân vật, khoét sâu vào từng suy nghĩ. Người nghe chỉ cần nghe là cảm nhận được. Thành công của kịch hát dân ca xứ Nghệ, chính là nhờ chất liệu, là những câu hát gốc, là màn diễn xướng.

Tôi cũng cho rằng, về chuyên môn hiện nay không quá khó khăn bởi chúng ta đã có một bề dày phát triển. Ngày trước, rất nhiều nghệ sỹ như Thanh Lưu, Song Thao, Đình Bảo… đã không quản khó khăn, “lao tâm khổ tứ” vất vả để sưu tầm, đưa Dân ca ví, giặm phát triển theo hình thức sân khấu hóa và đã nhận được những thành tựu rất to lớn. Sau này chúng tôi được thừa hưởng những giá trị của các thế hệ đi trước và phát huy nó để ngày càng phát triển hơn.

Tác giả chính là những người đặt nền móng sáng tạo đầu tiên cho một tác phẩm sân khấu, là người tạo ra chất “bột” quan trọng để trên cơ sở đó người đạo diễn và người diễn viên “gột nên hồ”. Vậy nhưng hiện nay, nhiều nhận định cho rằng, đội ngũ kịch bản của sân khấu ngày nay, ngày càng già hóa. Với ca kịch dân ca xứ Nghệ, chắc cũng không ngoại lệ?

- Không chỉ riêng sân khấu của kịch hát dân ca xứ Nghệ mà ở nhiều lĩnh vực khác cũng đang khan hiếm kịch bản. Dường như năm nào Hội Nghệ sỹ sân khấu cũng tổ chức khá nhiều trại sáng tác, nhưng kết quả đem lại không nhiều, không có được những tác phẩm xuất sắc đứng được trong lòng khán giả.

Có thể, có nhiều lý do khác nhau về khả năng, về nhãn quan, nhưng cũng có thể không còn có nhiều người đam mê với sân khấu, nhất là trong thời điểm cơm áo, gạo tiền như hiện nay. Hiện, không ít tác giả trẻ thích viết cho các lễ hội, cho các liên hoan vì nhanh, sớm có thu nhập mà không phải đi dự thi.

Mỗi một tác phẩm là một đứa con tinh thân được ông chăm chút, trăn trở, gửi gắm nhiều điều ý nghĩa. Ảnh: Đức Anh
Mỗi một tác phẩm là một đứa con tinh thần được ông chăm chút, trăn trở, gửi gắm nhiều điều ý nghĩa. Ảnh: Đức Anh

Gắn bó với nghề này tôi cũng thấy rằng, nghề này không ai dạy ai được. Vì thế, ngoài đam mê thì cần có năng khiếu. Thế nên, vì sao những tác giả ngày trước như Lưu Quang Vũ họ viết rất giỏi, viết cả một vở kịch không phải sửa câu nào. Còn hiện tại, rất nhiều tác giả trẻ, gửi kịch bản cho tôi nhưng họ làm vội vàng, gần như sau đó phải làm lại tất cả.

Ai làm nghề cũng hiểu, viết được một kịch bản sân khấu, rất nhọc nhằn, vất vả mà kinh phí lại không có bao nhiêu. Thế nên, nếu đã muốn gắn bó với công việc này thì phải biết buông bỏ, sống thực với đam mê.

NSƯT An Ninh

Bản thân tôi, tôi nghĩ mình không thể lo được hết. Nhưng tôi mong, nếu đã muốn gắn bó với công việc này thì phải biết buông bỏ, sống thực với đam mê. Hiện, nhà nhà viết dân ca, trường trường viết dân ca nhưng không đọng lại nhiều. Nếu viết, thì hãy tư duy nhiều hơn và có chiều sâu, không nên dễ dãi. Đất Nghệ - Tĩnh là đất văn học, khán giả rất khắt khe, lời lẽ cần phải trau chuốt, sâu xa, “ý tại ngôn ngoại”.

Ngay cả nghệ sỹ cũng vậy, khi đã gắn bó với nghề thì hãy hiểu nghề và hiểu giá trị của dân ca và xem đó là sản phẩm để mình sống. Giá trị của dân ca ví, giặm là giá trị trường tồn và được trao truyền qua rất nhiều thế hệ, và nó thực sự là con người Nghệ. Khi mình hiểu hết giá trị của câu ví, giặm thì sẽ phát huy được thế mạnh của mình.

Cảm ơn NSƯT An Ninh về cuộc trao đổi này!

Mỹ Hà