Xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng

Thu Huyền 08/09/2019 09:35

(Baonghean.vn) - Đó là nhấn mạnh của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai các nội dung thực hiện Thông báo số 55 của Bộ Chính trị để phát triển Thành phố Vinh, sáng 8/9.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG BÌNH QUÂN ĐẠT GẦN 9%

Mở đầu bài phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý thông tin một số nét chính trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 8,0%; Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 xếp thứ 19 cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 4 cả nước.

Người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của tỉnh, thành phố Vinh nổi lên với vai trò là động lực tăng trưởng, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lâm Tùng

Với lợi thế về vị trí địa lý, có lịch sử phát triển lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, Vinh luôn được xác định là một đô thị trung tâm không những đối với tỉnh Nghệ An, mà cả khu vực Bắc Trung Bộ và có tầm quốc gia trên một số lĩnh vực. Sau hơn 40 năm đổi mới, Thành phố Vinh đã trở thành đô thị loại 1 với quy mô dân số trên 500.000 người; tính năng động, đầu tàu phát triển của thành phố được khẳng định rõ nét.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 2468 của Thủ tướng Chính phủ, tốc độ tăng trưởng bình quân thành phố Vinh giai đoạn 2016-2018 đạt 8,54%; Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2016 đạt 68,4 triệu đồng, năm 2018 đạt 84,5 triệu đồng, cao gấp 2,23 lần mức bình quân của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng trưởng khá và tương đối ổn định, bình quân giai đoạn 2016-2018 là 2.338 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015; năm 2018, thu nội địa đạt 2.426 tỷ đồng.

Bộ mặt kiến trúc đô thị ngày càng khang trang, hiện đại với điểm nhấn là các công trình, dự án đã và đang hoàn thành của nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín như: Vingroup, T&T, BRG, FLC, TH, Mường Thanh, VSIP, VNPT...

Tầm nhìn và tương lai phát triển của thành phố Vinh được xác định đó là: cùng với thị xã Cửa Lò sẽ trở thành một trong những đô thị biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An; là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.

Tuy vậy, trong điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, thành phố Vinh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra; chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị lớn trong nước, nhất là khả năng kết nối vùng; hệ thống hạ tầng đô thị còn bất cập; thiếu các dự án lớn, trọng điểm tạo ra các yếu tố để xứng tầm với vai trò là trung tâm hội nhập và phát triển trên nhiều lĩnh vực của vùng Bắc Trung bộ.

Hội nghị hôm nay là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện Quyết định số 2468 ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Đồng thời, mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, những sáng kiến của quý vị đại biểu để giúp thành phố Vinh phát triển ngày càng hiện đại, năng động và văn minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý

ƯU TIÊN NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN TẠO ĐỘNG LỰC

Với quan điểm, thành phố Vinh phát triển để tỉnh Nghệ An phát triển, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh tỉnh sẽ dồn nguồn lực tương xứng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo và đồng hành cùng thành phố Vinh triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Vinh toàn diện, hiện đại, sớm trở thành đô thị thông minh, đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đối mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai các nội dung thực hiện Thông báo số 55 của Bộ Chính trị để phát triển Thành phố Vinh, sáng 8/9. Ảnh: Lâm Tùng

Ngoài ra, sẽ tiếp tục cải cách hành chính; rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù một cách rõ ràng, thiết thực để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Vinh. Phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế, lấy kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh tế đối ngoại làm nền tảng để phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị hiện đại, văn minh.

Tập trung triển khai xây dựng quy hoạch không gian đô thị theo tinh thần Quyết định số 52 và Quyết định số 2468 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành Vinh về đêm đẹp lung linh và hiện đại, đầy sức sống. Ảnh: Devi Nguyễn
Thành Vinh về đêm đẹp lung linh và hiện đại, đầy sức sống. Ảnh tư liệu Devi Nguyễn

"Tỉnh Nghệ An mong muốn Chính phủ sớm có những cơ chế đặc thù, ưu tiên các nguồn lực để phát triển thành phố Vinh sớm trở thành trung tâm vùng trên các lĩnh vực đã được xác định; quan tâm đầu tư, hỗ trợ các dự án động lực, tạo điểm nhấn cho thành phố Vinh phát triển xứng tầm. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; của các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng, để giúp thành phố Vinh - thành phố đỏ anh hùng trên quê hương Bác Hồ thực sự trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ" - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Thu Huyền