Đề xuất giảm một phó chủ tịch HĐND cấp huyện

Thanh Lê 10/09/2019 10:35

(Baonghean.vn) - Góp ý thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, ý kiến một số đại biểu ở Nghệ An đề xuất nên giảm một phó chủ tịch HĐND cấp huyện.

a

Sáng 10/9, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Thanh Lê

Góp ý Luật tổ chức chính quyền địa phương, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn đề nghị giảm số lượng đại biểu HĐND đối với những người đã giữ chức vụ trong cơ quan hành chính (giám đốc các sở, chủ tịch các huyện, thành, thị).

"Đề nghị tăng đại biểu HĐND chuyên trách ở HĐND cấp tỉnh, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp huyện từ 2 người xuống 1 người; nên giảm đại biểu HĐND cấp xã bởi kết quả thực tế cho thấy, vai trò, chức năng, giám sát, phản biện của HĐND cấp xã hiệu quả không rõ"- ông Trần Đình Toàn nói.

Phạm Thành Chung phát biểu góp ý về bổ sung về quy định phân cấp, phân quyền. Ảnh: Thanh Lê
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thành Chung phát biểu góp ý về bổ sung về quy định phân cấp, phân quyền. Ảnh: Thanh Lê

Còn Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn Nguyễn Thị Hiên nêu quan điểm: Qua thực tế tại địa phương thì cấp huyện nên bố trí 1 Phó chủ tịch UBND phụ trách mảng kinh tế để tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm và hiệu quả; thay vì như hiện nay đang bố trí 3 phó chủ tịch, trong đó có 2 phó chủ tịch phụ trách mảng kinh tế và 1 phó chủ tịch phụ trách mảng văn xã.

Đối với HĐND cấp huyện nên bố trí 1 Phó chủ tịch. Đi cùng đó các trưởng ban của HĐND cấp huyện phải là chuyên trách để thuận lợi, cũng như tăng hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện.

Liên quan đến quy định về phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hồ Cảnh - Cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Trong thực tế nhiều hành vi vi phạm nhằm lách luật và sự phân cấp như thẩm quyền phê duyệt, chỉ định thầu các công trình xây dựng cơ bản, tuyển sinh, tuyển dụng, sát hạch, xét tuyển, thi đua, khen thưởng, kỷ luật…đã và đang diễn ra khá phổ biến.

"Vì vậy Luật cần sửa đổi để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, trong đó chú trọng về phân cấp, phân quyền gắn với việc xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài xử phạt"- ông Cảnh nói.

Cộng tác viên pháp luật của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hồ Cảnh đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Cộng tác viên pháp luật của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hồ Cảnh đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội nghị, ý kiến các đại biểu cũng cho rằng, đề nghị giữ nguyên 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh chuyên trách (nếu Chủ tịch HĐND tỉnh là kiêm nhiệm); không giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách cấp tỉnh, huyện; quy định trưởng ban HĐND cấp huyện phải là chuyên trách; số lượng đại biểu nên căn cứ vào số dân; không nên dùng tên gọi kỳ họp "bất thường".

Ý kiến các đại biểu đề nghị cần đánh giá lại vai trò hoạt động của HĐND cấp xã. Nhiều đề xuất nên bỏ mô hình HĐND cấp xã vì trên thực tế HĐND cấp xã không có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách và hoạt động kém hiệu quả…

Liên quan đến việc nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, đa số ý kiến các đại biểu đề nghị nên nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh, còn Văn phòng UBND tỉnh nên để hoạt động độc lập, tránh chồng chéo.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này sau khi có các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy, đồng thời khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.

Đối với các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Thanh Lê