Tập trung các giải pháp cho nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An hội nhập và phát triển
(Baonghean) - Với chủ đề “Nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ III - năm 2019 có thể xem là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Thanh Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
P.V: Xin đồng chí cho biết một số nét khái quát về đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An?
Đồng chí Lương Thanh Hải: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản (trong đó có 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã khu vực II và 46 xã khu vực I; 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn).
Dân số cả tỉnh Nghệ An hiện có trên 3,3 triệu người, trong đó dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh), đồng bào dân tộc thiểu số là 491.295 người chiếm 14.7% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi với 39 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm số đông chủ yếu là: Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ đu.
Thị trấn Mường Xén (huyện biên giới Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |
Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái; có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản và phát triển thương mại, du lịch của tỉnh.
Đồng bào các dân tộc thiểu số có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.
P.V: Đồng chí cho biết thêm về một số kết quả nổi bật của 5 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Lương Thanh Hải: Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thì một yếu tố hết sức quan trọng đó là cộng đồng các dân tộc thiểu số của tỉnh Nghệ An luôn phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau trong lao động sản xuất, cuộc sống; đã thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014 đề ra.
Tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt, có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, kinh tế chuyển dịch đúng hướng và có sự tăng trưởng khá; thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số 2018 đạt 29,09 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh được đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết khó khăn về giao thông đi lại, sản xuất lưu thông hàng hóa, nước sinh hoạt, điện thắp sáng; nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; tạo điều kiện cho đồng bào thâm canh lúa nước, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ ba, chất lượng và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên; hàng năm có trên 30 em học sinh người dân tộc thiểu số thi THPT Quốc gia đạt từ 24 điểm trở lên; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, các giá trị và bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn, phát huy.
Thứ tư, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh; quốc phòng - an ninh cùng được củng cố và giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.
Quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ bé, tính liên kết còn thấp, hiệu quả chưa cao; ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được xử lý triệt để; tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn ở mức cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp.
Trong 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường đến năm 2020 nêu trong Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014, có 20 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt, 7 chỉ tiêu khó đạt.
Phụ nữ dân tộc Thái ở nhiều địa phương bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống. Ảnh: Sách Nguyễn |
P.V:Với các tính chất đặc thù về địa hình, địa bàn và các đặc điểm riêng của cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, có những khó khăn, hạn chế cơ bản gì khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Thanh Hải: Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, người dân không tạo được thu nhập ổn định hay sinh kế bền vững trên quê hương của chính mình. Đồng bào sống gần rừng nhưng không có được thu nhập ổn định từ rừng. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đến nay, trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn 9 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; còn hơn 300 thôn, bản ở các xã thuộc huyện vùng miền núi chưa có điện lưới quốc gia; nhiều thôn bản chưa có sóng điện thoại di động…
Y tế, giáo dục đã có bước phát triển, nhưng chất lượng còn hạn chế. Nguy cơ mất bản sắc văn hóa và đồng hóa về văn hóa đang hiện hữu đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với đó là những phức tạp nảy sinh vùng biên giới...
Đồng bào Mông Nghệ An trong ngày hội. Ảnh: Sách Nguyễn |
P.V: Theo đồng chí, cần có giải pháp nào để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc và chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An nói riêng?
Đồng chí Lương Thanh Hải: Quán triệt thực hiện tốt Kết luận số 57/KL-TW ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị khóa X về thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc và các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số; phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực tự cường, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành bằng nhiều hình thức thích hợp để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng bào dân tộc Thái thu hoạch lúa ở Môn Sơn, Con Cuông. Ảnh tư liệu: Hồ Phương |
Thể chế hóa đầy đủ và có hiệu lực các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tập trung triển khai đồng bộ và bố trí đầy đủ các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi lõi nghèo của tỉnh, quốc gia. Chủ động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, lựa chọn các loại giống, cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, có giá trị kinh tế và có cơ chế đầu ra cho sản phẩm; khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo, chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung nguồn lực cho xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tặng quà cho các gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh tư liệu: Thái Hiền |
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội. Theo đó thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp, các ngành; chú trọng công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chế độ bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Tạo môi trường thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và giảm nghèo bền vững; vốn FDI; vốn đầu tư từ ngoài tỉnh; tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá các sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm nông sản.
Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh; xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Câu treo vượt sông Giăng. Ảnh tư liệu: Hữu Vi |