Nắm bắt 'nhanh, trúng, đủ' tâm tư nguyện vọng của người dân

Mỹ Nga 14/09/2019 22:19

(Baonghean) - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được huyện Tân Kỳ triển khai với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, thiết thực, tạo sự đoàn kết giữa hệ thống chính trị và nhân dân.

KẾT NỐI LÒNG DÂN

Tự nguyện hiến đất, hiến cây cho dự án làm đường giao thông mà không đòi hỏi tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã trở thành phong trào nổi bật ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ.

Đồng chí Nguyễn Tiến Long - Bí thư Chi bộ khối 1 thị trấn Tân Kỳ dường như vẫn còn giữ nguyên cảm xúc trăn trở khi chia sẻ với chúng tôi về những ngày làm công tác vận động người dân hiến đất, hiến cây, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Quốc lộ 15A đi vào đập Mộ Dạ. Dự án này dài 2,5 km, sẽ được mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 7m, có 25 hộ dân thuộc đối tượng bị ảnh hưởng bởi công trình khi triển khai. Quan niệm “tấc đất, tấc vàng” khiến cho việc xây dựng hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Không lạ việc người dân thấy “tiếc của” vì đất đai nằm sát quốc lộ, có giá trị lớn.

Dự án Quốc lộ 15A đi vào đập Mộ Dạ đã hoàn thành xong giải phóng mặt bằng. Ảnh Mỹ Nga
Dự án Quốc lộ 15A đi vào đập Mộ Dạ đã hoàn thành xong giải phóng mặt bằng. Ảnh Mỹ Nga

Để người dân đồng thuận, Chi bộ, Ban cán sự, Ban công tác Mặt trận khối 1 đã tập trung tuyên truyền, giải thích, tác động tư tưởng người dân để bà con tích cực tham gia. “Nhà nước có chủ trương xây dựng đường giao thông thì tại sao mình lại không hợp tác. Hơn thế, đường được mở rộng là để phục vụ cuộc sống người dân thuận tiện hơn, bộ mặt quê hương nhờ đó cũng đẹp đẽ, khang trang hơn” - Bí thư Chi bộ khối 1 Nguyễn Tiến Long chia sẻ.

"Các hộ dân ai ai cũng đoàn kết, sẵn sàng hiến đất để có con đường đi”

Ông Hoàng Trọng Tài - Khối 1, thị trấn Tân Kỳ

Nhờ kiên trì giải thích, dần dần bà con nhân dân đã tìm thấy tiếng nói chung, đồng thuận và tự nguyện hiến đất, hiến cây làm đường. Trong vận động, Chi bộ, Ban cán sự khối 1 xác định phải kiên trì, đi lại nhiều lần không kể mưa hay nắng, để người dân thấy được sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ với công việc chung mà tích cực hợp tác. Chỉ chưa đầy một tháng, người dân khối 1 đã giao mặt bằng đúng tiến độ. Nhiều hộ gia đình hiến hàng nghìn mét vuông đất như hộ ông Hoàng Trọng Tài hiến 4.000 m2 đất, 800 cây có giá trị. “Nếu không có chủ trương xây đường của Nhà nước thì người dân chúng tôi cũng không thể tự làm được. Do đó, các hộ dân ai ai cũng đoàn kết, sẵn sàng hiến đất để có con đường đi” - ông Tài bộc bạch.

Ông Hoàng Trọng Tài, khối 1 (ảnh nhỏ) ghi chép nhật ký về việc người dân hiến đất, hiến cây làm đường. Ảnh: Mỹ Nga
Ông Hoàng Trọng Tài, khối 1 (ảnh nhỏ) ghi chép nhật ký về việc người dân hiến đất, hiến cây làm đường. Ảnh: Mỹ Nga

Đồng chí Phan Huy Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Tân Kỳ cho biết, cách làm khi triển khai các dự án đường giao thông là thống nhất tư tưởng toàn hệ thống chính trị, tổ chức họp các hộ dân có tuyến đường đi qua để thông báo chủ trương, công khai minh bạch, giải thích rõ cơ chế xây dựng như Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, và người dân tham gia như thế nào. Đồng thời cùng các hộ dân xây dựng phương án thi công cụ thể, từ đó, mỗi người đều nắm rõ các thông tin, rõ lợi ích của mình khi tham gia và biết rõ mình cần làm việc gì. Chi ủy, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể đến từng nhà tiếp tục giải thích, vận động, làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân hiểu ý nghĩa, mục đích của công trình, cùng nhau chung tay, góp sức.

Với phương châm chia sẻ gần gũi, đồng hành với người dân đó, nhiều dự án đường giao thông trên địa bàn đã được triển khai như Dự án mở rộng đường Quốc lộ 15A từ 6m lên 9m; Dự án mở rộng Quốc lộ 15A đi Hồ Nấp từ 3,5m lên 7m, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Điều đáng ghi nhận hơn là những con đường đi qua đã kết nối ý Đảng lòng dân và gắn kết tình nghĩa xóm làng. Những hộ dân bị tác động của dự án đã đoàn kết, giúp đỡ nhau trong giải phóng mặt bằng.

Nhờ được sự đồng thuận của người dân, đoạn Quốc lộ 15A chạy qua thị trấn Tân Kỳ được mở rộng thuận lợi, khang trang. Ảnh: Mỹ Nga

CHỌN NƠI TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO

Đồng Văn là xã có đồng bào theo đạo công giáo, nằm vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện 25 km, với diện tích tự nhiên và dân số lớn nhất huyện, được huyện chọn làm đơn vị điểm để tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Đồng chí Phạm Viết Duy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Văn cho biết, trên địa bàn có 15 chi bộ thôn xóm, bình quân mỗi năm Đảng bộ xã kết nạp được 12 đảng viên, luôn đạt và vượt chỉ tiêu chung. Tuy vậy, vẫn có một số chi bộ gặp khó khăn trong công tác phát triển đảng viên như các chi bộ các xóm Thung Mòn, Tiến Đồng, Đồng Mỹ. Mỗi chi bộ này chỉ có 3-4 đảng viên với độ tuổi trung bình 40-50 tuổi. Bí thư Chi bộ xóm Đồng Mỹ Nguyễn Hữu Sơn cho hay, Chi bộ gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên, nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới; giai đoạn 2013-2015, Chi bộ chỉ có 4 đảng viên vì không có nguồn.

Nhân dân xã Đồng Văn (Tân Kỳ) tập trung đưa cây có múi dần trở thành cây công nghiệp ngắn ngày. Ảnh: Mỹ Nga
Nhân dân xã Đồng Văn (Tân Kỳ) tập trung đưa cây có múi dần trở thành cây công nghiệp ngắn ngày. Ảnh: Mỹ Nga

Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Đồng Văn đã tăng cường cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ có số lượng đảng viên mỏng, chất lượng sinh hoạt yếu. Đảng ủy xã đã linh hoạt tìm nguồn, trước hết tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng các thành viên trong ban cán sự xóm, chi đoàn, chi hội. Đồng thời rà soát đối tượng là học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại địa phương để tập trung bồi dưỡng, tạo nguồn. Nhờ vậy đến nay Đảng bộ xã kết nạp được thêm 6 đảng viên mới tại 3 chi bộ. Năm 2019, các chi bộ đều giới thiệu được quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng, đây là điều rất đáng ghi nhận. Cũng nhờ yếu tố này, chất lượng sinh hoạt chi bộ được cải thiện, vai trò hạt nhân chính trị, sức chiến đấu của chi bộ đảng được nâng cao…

“Khi cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên tích cực thì mọi phong trào đều được hưởng ứng, tạo hiệu quả cao và người dân cũng rất đồng tình”.

Đồng chí Vũ Thị Thanh Hương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Kỳ

Đồng chí Vũ Thị Thanh Hương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Kỳ cho rằng: Công tác vận động quần chúng là một bước đi quan trọng, không chỉ trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động ở một số đơn vị chưa linh hoạt, thiếu đồng bộ. Chính vì thế, giải pháp nhanh nhất cho bài toán này chính là phối hợp với cấp ủy chi bộ, ban cán sự, người uy tín tại cơ sở; làm tốt công tác tiếp xúc, lắng nghe bà con nhân dân. Từ đó nắm bắt “nhanh, trúng, đủ” tâm tư nguyện vọng của người dân. “Khi cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên tích cực thì mọi phong trào đều được hưởng ứng, tạo hiệu quả cao và người dân cũng rất đồng tình”, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết.

Nông thôn huyện Tân Kỳ. Ảnh tư liệu

Với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ”, tại huyện Tân Kỳ, phong trào vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng diễn ra sôi nổi và đạt hiệu quả rõ nét, gắn với phong trào xây dựng chính quyền vững mạnh, nông thôn mới, phát triển kinh tế. Huyện dự kiến tuyên dương 85 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 8 cá nhân.

Mỹ Nga