Thành tựu Nghệ An đạt được có sự đóng góp to lớn của hơn 49 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số

. 12/09/2019 18:14

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có những đánh giá, chỉ đạo sát sao.

Báo Nghệ An xin đăng tải nội dung bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh. Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh Nghệ An lần thứ III. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, khách quý và 249 đại biểu ưu tú đại diện cho trên 49 vạn đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh về dự Đại hội. Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Thành Cường

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa Đại hội!

Trong những ngày đầu cách mạng, dù phải chịu đựng muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số đã một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ; nỗ lực gây dựng những viên gạch đầu tiên của phong trào cách mạng, đoàn kết và góp sức mình vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kể từ khi giành chính quyền tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, có tổng cộng 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hệ thống chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhà nước tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chính sách định canh định cư; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tỉnh Nghệ An với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số anh em. Với đặc thù vùng miền núi dân tộc chiếm trên 83% diện tích của cả tỉnh, việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đồng bào các dân tộc thiểu số nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Đồng bào các dân tộc thiểu số nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều chính sách theo các Quyết định, chương trình của Chính phủ như Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Hỗ trợ bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; Chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn đặc biệt khó khăn; Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chính sách hỗ trợ di dân tái định cư... Các cơ chế, chính sách này đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 3 - 4%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Công tác xây dựng thôn, bản, xã nông thôn mới, nhất là tại 27 xã khu vực biên giới Việt - Lào đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, đã có 4 xã thuộc diện 30a đạt xã chuẩn nông thôn mới, đây là thành tích nổi bật, dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới tại các xã 30a.

Bí thư Tỉnh ủy trao đổi, động viên người dân có nhà thuộc diện nguy cơ sạt lở ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh năm 2018. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy trao đổi, động viên người dân có nhà thuộc diện nguy cơ sạt lở ở bản Minh Phương, xã Lượng Minh (Tương Dương) năm 2018. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được củng cố, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực, 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được khôi phục và từng bước phát huy giá trị.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số đã và đang giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín là người dân tộc thiểu số đã gương mẫu đi đầu, trở thành trung tâm đoàn kết trong thực hiện và vận động nhân dân tham gia các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Điểm nổi bật nhất là an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được tăng cường và củng cố. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, những thành tựu mà Nghệ An đạt được hôm nay có sự đóng góp vô cùng to lớn của hơn 49 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nhà. Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Na Loi và người dân xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) tham gia bảo vệ biên giới. Ảnh tư liệu: Hoài Thu
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Loi và người dân xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) tham gia bảo vệ biên giới. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Kính thưa Đại hội!

Vui mừng với những thành tích đã đạt được, nhưng chúng ta cũng rất trăn trở, băn khoăn về những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo chính trị của Đại hội. Tôi mong rằng, các đại biểu và Đại hội tập trung phân tích kỹ nguyên nhân để tìm ra các giải pháp hiệu quả, khắc phục những hạn chế này trong thời gian tới.

Kính thưa Đại hội!

Trong bối cảnh hiện nay, công tác dân tộc đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với mặt bằng chung của cả tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp; phát triển kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém và tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Bên cạnh đó, các chính sách căn bản để giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội như chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phát triển hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tạo sinh kế bền vững cho người dân các dân tộc thiểu số và vùng miền núi chưa được ban hành hoặc còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Quốc lộ 7A cắt qua trung tâm hành chính huyện Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Quốc lộ 7A cắt qua trung tâm hành chính huyện Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Thứ nhất, chúng ta phải thống nhất quan điểm chung là phải làm sao để cho miền núi không tụt hậu xa so với miền xuôi. Đặc điểm chung của đồng bào dân tộc thiểu số là thường sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và rất khó khăn về hạ tầng, nhưng các suất đầu tư lại rất lớn. Đối với tỉnh Nghệ An chúng ta thì cần tiếp tục tập trung thực hiện các Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An; tiếp tục bố trí chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020...

Chúng ta cũng thấy rằng, khu vực miền Tây được đầu tư 2 tuyến đường lớn, đó là tuyến đường 7 và tuyến đường 48, giữa 2 tuyến đường lớn này đã có sự kết nối và chúng ta tiếp tục xây dựng hệ thống kết nối để để tạo liên kết vùng tốt hơn. Nhờ có hệ thống giao thông này mà khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An đã có nhiều khởi sắc và đến nay thì tình hình đời sống của bà con đã được cải thiện rất nhiều.

Cục dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh cấp phát gạo cho đồng bào nghèo tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh cấp phát gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu

Thứ hai, đặc điểm khu vực miền núi là quỹ đất ở, đất sinh hoạt rất khó khăn. Ở đây, chúng ta cần phải chú ý vấn đề này, cần chăm lo thiết thực đến đời sống nhân dân. Những hạ tầng căn bản nhất như điện, nước hợp vệ sinh, y tế, trường học… đều cần phải có những sự đầu tư thỏa đáng hơn.

Chúng ta cũng cần phải có hệ thống chính sách để bố trí lại đất rừng. Một là giao bà con bảo quản rừng, cần có chính sách để phát triển các loại trồng trọt dưới tán rừng, đặc biệt là dược liệu và những loại cây có giá trị cao. Hai là đất rừng sản xuất cũng phải tìm cách bố trí, phân phối hợp lý cho bà con nhân dân. Điều này có rất nhiều khó khăn do đặc điểm vùng, riêng kinh phí đo đạc để giao đất cho bà con cũng đã là rất lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh tế miền núi. Thực tiễn cho thấy, miền Tây Nghệ An hiện nay kinh tế rừng, một số nơi có lợi thế đất đai thì tập trung phát triển các vùng nguyên liệu, trồng cây ăn quả… đã giúp cho bà con cải thiện cuộc sống rất nhiều. Ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với những nét đặc sắc văn hóa, bước đầu cũng đã xây dựng được những mô hình du lịch cộng đồng, tạo ra thôn, bản nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế.

Trẻ em bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vui đến trường. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Trẻ em bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vui đến trường. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Thứ ba, chúng ta cần phải coi việc học tập là con đường thoát nghèo nhanh nhất và bền vững nhất. Với quan điểm này, chúng tôi đề nghị các hộ gia đình đồng bào các dân tộc nói chung, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất để con em được đến trường. Con em được học tập đến nơi, đến chốn thì cơ hội thoát nghèo là rõ ràng nhất.

Đồng thời, chúng ta cũng phải quan tâm đến việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, từ văn hóa ăn, văn hóa ở, văn hóa mặc, tiếng nói, chữ viết, văn hóa tín ngưỡng gắn với xây dựng nếp sống mới.

Thứ tư, phải xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo sự đồng thuận để đồng bào tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, tôi mong muốn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hãy thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, không cam chịu đói nghèo; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng nhau vun đắp thêm truyền thống đoàn kết tốt đẹp, quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An nói riêng.

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa Đại hội!

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số hôm nay là biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc và là dịp để biểu dương, tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một sự kiện chính trị hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhà.

Tôi tin tưởng, sau Đại hội này, công tác dân tộc và việc tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ có bước phát triển mới và thu được nhiều kết quả cao hơn nữa, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần đưa Nghệ An sớm trở thành một tỉnh khá ở khu vực phía Bắc như Bác Hồ hằng mong muốn.

Một lần nữa, xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các vị đại biểu, khách quý, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

.