Từ hồi ức sân Vinh đến Hàng Đẫy: Bài học đau đớn từ pháo sáng
(Baonghean.vn) - Cách đây 11 năm, trên sân Vinh, “kinh hoàng” và bất kỳ những từ ngữ nào mạnh nhất là thứ để nói về bạo loạn trận đấu giữa SLNA và Hải Phòng. Ngày 11/9 vừa qua, tại Hàng Đẫy cũng có thể xem là một ngày đen tối của bóng đá Việt. Điểm chung của mọi nguồn cơn bắt đầu từ pháo sáng.
Những cái đầu nóng lên vì “pháo sáng”
Pháo sáng, pháo dù vốn là sản phẩm dùng để cứu hộ trên biển, khi đốt cháy có nhiệt độ lên đến 2.000 đến 3.000 độ C. Đây không phải là vật cấm lưu hành và còn được mua bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là ở đất cảng Hải Phòng. Không chỉ tại Việt Nam, pháo sáng bị FIFA cấm sử dụng trên các sân bóng khắp thế giới.
Năm 2008, trong trận đấu giữa SLNA và Hải Phòng, bạo loạn đã xảy ra, cổ động viên đánh nhau, vô số người thương tích, 1 CĐV của Nghệ An đã thiệt mạng vì bị xe chở CĐV Hải Phòng cán phải.
Những cảnh tượng kinh hoàng nhất xảy đến, tồi tệ hơn cả trận đấu gặp Thể Công trước đó, sân Vinh bị treo đến hết mùa 2008 (3 trận), bị phạt 50 triệu đồng và SLNA bị trừ 3 điểm vì để xảy ra bạo loạn.
Đó là những ngày tháng khó quên với các CĐV Hải Phòng cũng như CĐV SLNA chân chính. Và nguồn cơn của những gì xảy ra ngày hôm đó chính là pháo sáng. CĐV Hải Phòng đã đốt lên sau khi đội có bàn gỡ hòa cuối trận, châm ngòi cho vụ ẩu đả kinh hoàng.
Bạo loạn sân Vinh năm 2008 bắt nguồn từ pháo sáng. Ảnh tư liệu |
Rất may là sau nhiều năm câu chuyện này lắng xuống, CĐV Hải Phòng và CĐV SLNA chính thức bắt tay nhau từ năm 2012, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cùng nhau xây dựng mối quan hệ tốt đẹp vì đội bóng và vì bóng đá Việt Nam.
Nhận thức rõ, pháo sáng chính là mối nguy của bạo loạn, để lại hình ảnh xấu, kể từ đó CĐV Hải Phòng không còn đốt pháo trên sân Vinh. Tất nhiên, BTC sân Vinh đến giờ cũng có quá nhiều kinh nghiệm để kiểm soát những vấn đề như thế này. Ngược lại, CĐV SLNA đến Hải Phòng dù ít nhưng vô cùng thiện chí.
Ở những gì diễn ra tại Hàng Đẫy ngày 11/9 vừa qua, khi Nam Định có bàn gỡ hòa, những quả pháo sáng được đốt lên trong sự phấn khích quá trớn của những CĐV và khiến cho những cái đầu trên khán đài bị kích động. Đặc biệt là khi Nam Định thua 1-6, từ buồn bã, bực tức biến thành phẫn nộ và CĐV Nam Định lại dùng pháo sáng để trút giận.
Tại các sân bóng nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, camera an ninh được lắp đặt hàng loạt tại các khán đài để kiểm soát cổ động viên. SVĐ Bukit Zalil với sức chứa gần 90.000 chỗ ngồi, một CĐV bị phát hiện hút thuốc cũng sẽ bị an ninh phát hiện. Tại Hà Lan, cổ động viên sẽ bị cấm vào sân 10 năm nếu lực lượng an ninh phát hiện họ mang pháo sáng vào sân.
Vai trò của Hội cổ động viên
Hệ quả tồi tệ xảy đến là 1 nữ CĐV ngồi ở khán đài A bị bỏng nặng và 1 đồng chí CSCĐ bị CĐV đánh hội đồng, gãy tay.
Rõ ràng, để cho bạo loạn xảy ra bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm và chủ quan của CLB Hà Nội và BTC sân Hàng Đẫy. Nhưng nên nhớ rằng, trước đó Hàng Đẫy được thoát án treo sân vì lỗi tương tự, nguyên nhân đến từ Ban Kỷ luật VFF.
BTC sân không hoàn thành nhiệm vụ, không kiểm soát được những thành phần “hooligan”, quá khích nhưng mọi vụ ẩu đả, pháo sáng được thắp trên khán đài xuất phát từ chính cách tổ chức trận đấu của Hội cổ động viên và người đứng đầu tổ chức này.
Người viết vẫn còn nhớ, từ sau vụ bạo loạn năm 2008, những người đứng đầu các Hội CĐV Nam Định, Thanh Hóa, Thể Công, SLNA… ngồi lại với nhau. Ông Nguyễn Hồng Phong - Chủ tịch Hội CĐV SLNA là người đề xuất một phần giao lưu ngắn, CĐV 2 đội tặng hoa cho nhau trước mỗi trận và thống nhất nhiều vấn đề để hướng đến bóng đá đích thực. Một hành động nhỏ nhưng đầy nhân văn và ý nghĩa.
Hội CĐV SLNA và Hải Phòng thời gian gần đây thường chung tay hướng đến một trận đấu đẹp. Ảnh: SLNA FC |
Năm 2013, các Hội CĐV Hải Phòng, SLNA, Quảng Ninh, Thanh Hóa và khu vực phía Bắc cũng ngồi lại với nhau, có cả CĐV Nam Định trong một dịp Gala cuối mùa V.League 2013. Đáng tiếc thành phần tham dự không có đại diện Hội CĐV Hà Nội. Sự thân mật và liên kết đó đã không còn được duy trì đến nay.
Bây giờ, người ta đặt ra một câu hỏi, tại sao Hà Nội và sân Hàng Đẫy lại là điểm đến ưa thích để đốt pháo sáng và gây rối của những thành phần quá khích. Lực lượng an ninh ở đâu khi không sàng lọc được đối tượng khán giả mang những "vật dụng cấm" vào sân?. Tuy nhiên, nếu đại diện CĐV Hà Nội và CĐV Nam Định ngồi lại với nhau trước trận, chắc chắn mọi chuyện đã không trở nên tồi tệ như vậy.
Những cổ động viên chân chính của Nam Định đã mất nhiều công sức để xây dựng hình ảnh đẹp của bóng đá Thành Nam và cho bóng đá Việt Nam. Nhưng rồi chỉ một trận đấu đã phá hỏng tất cả.
Không chỉ VFF, VPF và BTC sân Hàng Đẫy phải cảnh giác mà đã đến lúc các Hội CĐV tại V.League cần phải hành động, cùng ngồi lại với nhau vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Sân bóng vốn là khán đài của các cổ động viên, và không có an ninh hay BTC nào giám sát CĐV tốt hơn những thành viên cốt cán của Hội.
Rút ra những bài học từ quá khứ, ngày 15/9 tới đây, khi SLNA làm khách B. Bình Dương, Hội CĐV SLNA đã lấy chủ trương “không pháo sáng” trên mọi mặt trận. Đây là lời kêu gọi rất được tán thành và ủng hộ. Bài học từ quá khứ là rất đắt giá, hy vọng các Hội CĐV sẽ đoàn kết lại để tránh khỏi những sự cố đáng tiếc như vừa rồi.
Bên cạnh đó, các đội bóng tại Việt Nam cũng cần phải thực tâm, quan tâm đến các hội, nhóm cổ động viên hơn nữa thay vì chỉ phân phát cho họ hàng trăm tấm vé và phó mặc cho BTC sân và an ninh.
Những án phạt nặng dành cho các CLB, BTC sân chỉ giải quyết được phần ngọn mà không giải quyết được phần cốt lõi, tận gốc vấn đề. Muốn CĐV chuyên nghiệp, từ BTC giải, các đội bóng, chính các cầu thủ và trọng tài cũng phải tiên phong hành xử một cách chuyên nghiệp và Fairplay./.
(Baonghean.vn) - Ngoại binh Michael Olaha tỏa sáng, SLNA giành chiến thắng thuyết phục, Phan Văn Đức giao lưu cùng những cổ động viên đặc biệt sau trận thắng Quảng Nam là những hình ảnh đẹp của sân Vinh ngày khai mạc V.League 2019.Hình ảnh đẹp của Phan Văn Đức và SLNA ngày khai mạc V.League 2019