Đưa cuộc sống vào nghị quyết
(Baonghean) - Trong quá trình lãnh đạo, Đảng, Nhà nước các cấp ban hành nhiều chủ trương, nhiều loại văn bản, trong đó “Nghị quyết là hình thức văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc, thông qua bằng biểu quyết theo đa số, biểu thị ý kiến hay ý định của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định”.
Lâu nay, chúng ta thường nói và viết cụm từ “Đưa nghị quyết vào cuộc sống”. Đó là một quá trình khi có chủ trương, nghị quyết, phải xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phân công chỉ đạo thực hiện, theo dõi, kiểm tra - giám sát, tổng kết việc thực hiện nghị quyết,... Nếu thiếu đi một khâu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả thực hiện.
Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy Vinh với bí thư đảng ủy phường, xã và bí thư chi bộ khối, xóm. Ảnh tư liệu: Thu Giang |
Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều công việc trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, Đảng, Nhà nước phải có rất nhiều nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo. Có rất nhiều nghị quyết sáng suốt, đúng đắn, kịp thời, xuất phát từ thực tế cuộc sống, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Những nghị quyết đã đi vào cuộc sống rất sinh động, thiết thực, hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng có những nghị quyết được ban hành nhưng kết quả không như mong muốn. Đó không chỉ vì quá trình nhận thức, triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền,… không đạt yêu cầu mà còn do nghị quyết (hoặc chủ trương) chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Khi cán bộ, đảng viên, nhân dân thiếu mặn mà, học tập chiếu lệ, kế hoạch “đối phó”, kiểm tra - giám sát chung chung, kiểu “xuân thu nhị kỳ”,… thì không thể đạt mục đích, yêu cầu như mong đợi.
Vì vậy, muốn “đưa nghị quyết vào cuộc sống” thì phải “đưa cuộc sống vào nghị quyết”.
Cán bộ xã Tân Hương, Tân Kỳ vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu: Thanh Lê |
Ngày nay, trình độ cán bộ, trình độ dân trí đã được nâng lên nhiều so với trước. Nên chắt lọc những nội dung cần ban hành nghị quyết. Những nội dung khác cần đưa vào các loại văn bản khác như hướng dẫn, công văn,… Việc thực hiện các văn bản này sẽ được giao cho những tổ chức, cá nhân cụ thể, bớt đi một quy trình học tập, quán triệt,…Như vậy, các cấp sẽ tiết kiệm được thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những nội dung trọng tâm, cơ bản, thiết thực, bức xúc với cuộc sống.
Nội dung các nghị quyết cũng cần ngắn, gọn, rõ ràng, bớt đi những lý luận, chung chung. Bởi vì suy cho cùng, đề ra một chủ trương, ban hành một văn bản cũng xuất phát từ “cho ai?”, “làm gì?”, “như thế nào?” như Bác Hồ đã dạy.