Chưa lũ, học trò bán trú đã phải 'bỏ trường'
(Baonghean) - Mặc dù có khu KTX đầy đủ, học sinh thuộc diện bán trú của trường các năm trước từng ở bình thường. Tuy nhiên, thời gian vừa qua chính quyền địa phương và ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh (Tương Dương) đã phải đưa 160 học sinh thuộc diện bán trú của trường ra thuê trọ bên ngoài để đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ.
Có Ký túc xá nhưng không được ở
Ngôi trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh nơi có 160 em học sinh bán trú đang phải ra ngoài trọ học. Ảnh: Hồ Phương |
“Việc thuê trọ bên ngoài khiến cho em bị mất tập trung vào những lúc cần học bài, việc đi học xa cũng đang gây nhiều khó khăn cho em. Tuy nhiên, em vẫn thích ở ngoài hơn, vì ở ngoài không còn phải lo sợ bị lũ cuốn nữa”
Yên Tĩnh là một trong những xã khó khăn của huyện miền núi Tương Dương, nơi đây có hơn 2.000 nhân khẩu của người đồng bào Thái, Kinh, Khơ Mú thường xuyên phải chứng kiến cảnh chết người, nhà cửa, cây cối, đường sá bị lũ cuốn trôi. Vì thế, trong tâm trí của các em nhỏ nơi đây luôn nơm nớp nỗi lo về những trận lũ vào mùa mưa.
Trường Phổ thông DTBT THCS Yên Tĩnh hiện có 253 học sinh, trong đó có 160 học sinh thuộc diện được ở bán trú (theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Trong những năm học trước, những học sinh bán trú của trường này vẫn ở KTX bình thường. Mọi hoạt động khác như ăn uống, tắm giặt… đều được thực hiện trong khu KTX.
Hệ thống khu KTX khá kiên cố và khang trang nhưng không thể cho học sinh ở. Ảnh: Hồ Phương |
Tuy nhiên, từ đầu năm học 2019 - 2020, tại cuộc họp giữa đại diện UBND huyện Tương Dương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, UBND xã Yên Tĩnh, Trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh và nhiều phụ huynh học sinh nằm trong diện bán trú đã “chấp nhận” đưa học sinh ra ngoài thuê trọ.
Hằng năm vào mùa mưa, trường thường xuyên bị ngập lụt và lũ cuốn vì dòng Chà Hạ dâng cao và nhanh. Có những năm nước lũ cuốn trôi nhiều thiết bị quan trọng của trường học, đồ dùng học tập, áo quần của các em học sinh, hồ sơ của cán bộ, giáo viên cũng bị ngập ướt và hư hỏng. Đặc biệt, lũ thường về trong đêm nên việc di chuyển các em học sinh và trang thiết bị gặp rất nhiều khó khăn, vất vả”.
Tiết học của học sinh trường PTDTBT THCS Yên Tĩnh. Ảnh: Hồ Phương |
Và những hệ lụy
Việc cho các em học sinh THCS, đặc biệt là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ra ngoài thuê trọ đang nảy sinh nhiều hệ lụy, bất cập.
Ban đầu, khi mới có chủ trương đưa các em học sinh của bản ra ngoài thuê trọ thì nhiều bậc phụ huynh của bản cũng tỏ ra băn khoăn về vấn đề ăn uống, an ninh và quản lý con em học tập. Vì việc này, đã có phụ huynh định yêu cầu con em mình nghỉ học. Tuy nhiên, đến nay phía nhà trường và ban quản lý bản đã phân tích, thuyết phục gia đình tiếp tục đưa con em đến trường bình thường”.
Học sinh đang lau lại những vết bẩn từ bùn đất do những trận lũ lớn để lại. Ảnh: Hồ Phương |
Đối với các cháu học sinh ra ở trong dân cũng có nhiều lo lắng, sợ chất lượng quản lý, chất lượng học các cháu học sinh cũng khó khăn vì ở trong dân không đảm bảo cho lắm, vì nhiều gia đình cũng có hoàn cảnh khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các cháu
Việc ra ngoài thuê trọ đối với các em học sinh lâu nay quen ở khu KTX tạo ra nhiều bỡ ngỡ cho chính các em. Tuy nhiên, được hỏi về vấn đề này, nhiều em vẫn chọn việc ra ngoài thuê trọ. Lý do chung của các em học sinh này đưa ra đó là “không sợ bị lũ cuốn nữa”.
Còn em Lương Thị Mây Nhi, bản Na Cáng, học sinh lớp 6B cho biết, lần đầu tiên đi học xa, chưa ở KTX nên em không thể biết được ở ngoài hay ở trong thuận lợi và khó khăn như thế nào. Thế nhưng, “em nghĩ việc ở trong KTX sẽ giúp cho em có môi trường học tập tốt hơn. Thay bằng việc học một mình thì em sẽ được học cùng các bạn, có thầy cô ở gần hướng dẫn chúng em khi gặp những bài toán khó”, Nhi cho hay.
Các em học sinh bản Huồi Pai đang học tại nhà người dân bản Cặp Chạng. Ảnh: Hồ Phương |
Về công trình di dời ngôi trường này lên nơi an toàn, phía huyện đã cố gắng hết mức, huy động các nguồn vốn để công trình được thực hiện. Đến nay, giai đoạn một là san mặt bằng và xây kè đã hoàn thành. Để hoàn thành công trình, đảm bảo việc dạy và học an toàn lâu dài đòi hỏi sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, nhà trường, phụ huynh và học sinh.