Sau tai nạn nghiêm trọng ở Nghệ An, ngành Đường sắt đề nghị xóa gấp hơn 4.000 lối đi tự mở
(Baonghean.vn) - Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị các địa phương cảnh giới điểm đen và xóa bỏ hơn 4.000 lối đi tự mở sau vụ tai nạn đường sắt ở Nghệ An.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT sau vụ tai nạn nghiêm trọng tàu bị trật bánh, đổ toa xe do đâm phải ô tô tải vượt ẩu qua lối đi tự mở tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) vào sáng 25/9.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia còn tồn tại hơn 4.000 lối đi tự mở, đe dọa mất an toàn. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt 2017 và các văn bản pháp luật liên quan.
Đóng lối đi tự mở trên đường sắt, đoạn qua phường Lê Lợi (TP. Vinh). Ảnh tư liệu |
"Trong thời gian chờ xóa bỏ các lối đi tự mở, cần bố trí nhân lực cảnh giới ATGT tại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT. Ưu tiên kinh phí để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như: xây hàng rào, đường gom, bố trí cảnh giới, sửa chữa kết cấu mặt đường bộ vào đường ngang; Cương quyết không để phát sinh thêm lối đi tự mở", Cục Đường sắt VN yêu cầu.
Cùng đó, đơn vị này cũng đề nghị các tỉnh chủ trì và phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt VN thực hiện các biện pháp thu hẹp lối đi tự mở, tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; làm gồ giảm tốc phần đường bộ; bổ sung biển báo đường bộ tại các đường ngang; giải tỏa vị trí vi phạm tầm nhìn, hành lang ATGT đường sắt; triển khai việc kết nối tín hiệu giao thông đường bộ và đường sắt tại các đường ngang theo quy định.
"Các địa phương cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, phá dỡ hàng rào thu hẹp lối đi, lấn chiếm, sử dụng hành lang ATGT đường sắt", Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu.
Lối đi tự mở ở xã Diễn Yên (Diễn Châu). Ảnh tư liệu |
Tại Nghệ An, theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh này dài gần 100 km có 62 đường ngang hợp pháp và hơn 150 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, chủ yếu do người dân tự mở.
Thời gian qua, để hạn chế tai nạn đường sắt với các phương tiện đường bộ, ngành Đường sắt và chính quyền các địa phương Nghệ An đã đóng hơn 40 đường dân sinh trái phép, thu hẹp 63 lối đi dân sinh và cắm biển nguy hiểm, chú ý tàu hỏa tại tất cả các đường đi dân sinh và lắp đặt 6 điểm gác chắn tự động tại các đường ngang trọng điểm.
Đối với vị trí xảy ra vụ tai nạn ở Diễn Châu vào sáng 25/9, ngành Đường sắt xác định đây là lối đi tự mở, đã được cắm biển Chú ý tàu hỏa, cắm cột thu hẹp bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, dân địa phương đã phá, nhổ cột thu hẹp.
Lối đi tự mở xảy ra vụ tai nạn đường sắt vào ngày 25/9 tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu chưa có người cảnh giới 24/24h. Ảnh tư liệu |
Ban ATGT Nghệ An đã có văn bản yêu cầu địa phương bố trí người cảnh giới tại vị trí này. Tuy nhiên, địa phương đã không triển khai thực hiện.
Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt chiếm 78% số vụ.
Nghệ An là một trong những địa phương có số vụ tai nạn đường sắt nhiều với 8 vụ, chỉ đứng sau Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ).