Cuốn hút màn đàn bát của ông giáo về hưu ở Nghệ An

Huy Thư 30/09/2019 12:47

(Baonghean.vn) - Chỉ với những chiếc bát sứ và đôi đũa, màn biểu diễn đàn bát tuyệt vời của ông Nguyễn Thanh Phúc ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khiến nhiều người thích thú, khâm phục.

.

Màn biểu diễn đàn bát hấp dẫn của ông Nguyễn Thanh Phúc. Clip: Dịu Dàng

Trong hội thi văn nghệ nhân kỷ niệm 28 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi ở thị trấn Dùng (Thanh Chương), ông Nguyễn Thanh Phúc ở khối 7 đã biểu diễn một tiết mục văn nghệ đặc sắc, đó là màn đàn bát độc đáo.

Trên chiếc bàn gỗ đặt một dãy bát với đủ các kích cỡ, ông Phúc trong trang phục dân tộc, dùng đôi đũa tự tin chơi bản “trống cơm” một cách điêu luyện. Những âm thanh phát ra từ những chiếc bát do ông Phúc thể hiện thật sự lôi cuốn, khiến người nghe, người xem phải thốt lên tấm tắc. Tiết mục văn nghệ này được đánh giá là “tuyệt chiêu” của hội thi.

Ông Phúc cho hay, bộ đàn bát này là tập hợp những chiếc bát có âm thanh “sắc sảo”, do ông sưu tầm trong một quãng thời gian dài hàng chục năm. Để có được những chiếc bát này, ông đã chịu khó đến nhiều nhà thờ họ, các quán hàng, chợ, nhà dân khắp các vùng quê để tìm kiếm.

Sau khi tập hợp được một số bát có âm thanh đạt chuẩn, xác định được âm sắc của từng chiếc bát, ông đã ghép thành chiếc đàn bát với đủ các cung bậc âm thanh từ thấp đến cao. Bộ đàn này được bổ sung theo thời gian. Mặt đàn là một tấm gỗ gắn xốp có khoét lỗ để cố định những chiếc bát.

Ông Nguyễn Thanh Phúc bên bộ đàn bát độc đáo của mình.

Ông Phúc kể, lúc đầu bộ đàn này chỉ có 7 chiếc bát, sau một quá trình sưu tầm, lựa chọn, nay bộ đàn đã có 16 chiếc. Xem qua thì những chiếc bát này trông cũng giống như nhiều chiếc bát quen thuộc khác, nhưng khi gõ vào thì phát ra âm thanh rất vang.

Theo ông Phúc, chơi đàn bát nó lỉnh kỉnh vì phải mang theo nhiều thứ, bàn, bát, nước. Trong bát phải có nước, nhờ nước mà âm thanh được cộng hưởng tạo nên sự trầm ấm, êm ái, không bị thô. Mỗi chiếc bát đã được định lượng mức nước phù hợp để tạo nên âm thanh mong muốn.

“Mức nước trong bát ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh, do đó phải đổ nước đúng tỷ lệ để tạo nên âm thanh chuẩn. Những chiếc bát trong bộ đàn này đã được đánh dấu mức nước, khi chơi chỉ việc đổ nước vào và sắp xếp theo thứ tự” – ông Phúc cho biết.

Cũng như nhiều loại nhạc cụ khác, để đánh được đàn bát hay, đòi hỏi người chơi phải có sự say mê cả trong sưu tầm nhạc cụ lẫn luyện tập. Tính đến nay, ông Phúc đã có hơn 40 năm gắn bó với đàn bát. Quan điểm của ông về chơi đàn bát là phải chịu khó học tập, học mọi lúc, mọi nơi, từ các nghệ sĩ, bạn bè, thông qua truyền hình, mày mò tìm hiểu thực tiễn…

Qua thời gian tập luyện lâu dài, với bộ đàn bát độc đáo của mình, ông Phúc có thể chơi được nhiều bản nhạc vui tươi, sống động, như “Chiếc khăn piêu”, “Nổi lửa lên em”, “tiếng đàn Ta Lư”…

Bộ đàn bát này là tập hợp những chiếc bát có âm thanh hay, lạ, được cố định trên 1 mặt bàn gắn xốp.

Ông Phúc chia sẻ, với tiết mục đàn bát độc đáo này đã đem về cho ông nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn lớn, trong đó tiêu biểu nhất là giải A hội diễn văn nghệ cấp tỉnh, Huy chương Bạc hội diễn nghệ thuật toàn quốc…

Được biết, ông Phúc là giáo viên dạy thể dục về hưu và là một người đam mê nhạc cụ dân tộc nổi tiếng ở Thanh Chương. Qua hàng chục năm tìm kiếm sưu tầm, chế tác, hiện trong nhà ông đã có trên dưới 60 sản phẩm nhạc cụ, gồm đủ các bộ: hơi (sáo, tiêu, khèn, tù và, đàn môi…), dây (đàn bầu, thập lục huyền cầm, nhị, đàn đáy), da (trống cơm, trống tầm vông), gõ (Tơ rưng, đàn đá, đàn bát). Riêng sáo có hàng chục chiếc với đủ loại: sáo ngang, sáo độc tấu, sáo đệm dân ca, sao pha trầm, sáo mini, sáo mẹo kép, sáo bầu…

Trong ngôi nhà cũ, ông dành hẳn gian ngoài làm không gian riêng cho bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc. Ngoài nhạc cụ dân tộc, ông còn sưu tầm một số nhạc cụ phương Tây như clarinet, violon….

Trong số nhạc cụ này, 2/3 là do ông sưu tầm, còn 1/3 là do ông chế tác, ông tự tìm kiếm nguyên vật liệu, rồi mày mò nghiên cứu, tự đục đẽo, cắt gọt trên nhiều chất liệu khác nhau (đá, gỗ, sừng) để tạo nên sản phẩm mới. Có những chiếc đàn phải làm mất cả năm trời, thậm chí 7 – 8 năm mới hoàn thiện, chẳng hạn như chiếc đàn đá 5 tầng.

Chỉ với đôi đũa và những chiếc bát thông thường ông Phúc đã chơi được nhiều bản nhạc.

Gần đây, nhân dịp Quốc khánh 2/9/2019, ông đã chế tác thành công chiếc đàn bầu đá nặng 100kg. Mặt đàn có hình bản đồ Thanh Chương được trang trí nhiều hoa văn như mặt trống đồng, cờ tổ quốc. Cần đàn làm từ sừng 1 con sơn dương già. Bầu đàn là 1 chiếc vuốt chân của con trâu nước do 1 cụ ông ở huyện Kỳ Sơn tặng.

Không chỉ ham thích sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân tộc mà ông còn có thể chơi được các loại nhạc cụ mà ông có, đặc biệt là chơi thành thục các loại sáo trúc, sáo mẹo kép, sáo bầu, đàn bầu, đàn bát, đàn đá…

Hiện ông Phúc là Chủ nhiệm CLB nhạc cụ dân tộc Thanh Chương. CLB sinh hoạt đều đặn hàng tháng, nhằm tạo ra sân chơi để những người yêu nhạc cụ dân tộc trong huyện gắn kết với nhau, tăng cường sự giao lưu, học hỏi. Chương trình của CLB đã được đưa vào phục vụ các lễ hội (đền Bạch Mã, đền Bà Chúa, đền Bổn Sơn, lễ đón bằng văn hóa, bằng di tích lịch sử ở các địa phương…).

Ông Phúc là nghệ nhân sưu tầm và chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

“Tôi yêu nhạc cụ dân tộc bởi nó gần gũi, dễ sắm, dễ làm, âm thanh của nó cất lên là những giai điệu tự nhiên thân thiết, với tôi nhạc cụ dân tộc là một phần của cuộc sống” – ông Phúc chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà nỗ lực khám phá, tìm hiểu, sưu tầm nhạc cụ dân tộc của ông chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Không chỉ là chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú có nhiều thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, “nhà sáng chế” đồ dùng trực quan dạy học nổi tiếng, “nhà ảo thuật” với hơn 100 tiết mục được viết thành tuyển tập, ông Phúc còn là một nghệ nhân đam mê nhạc cụ dân tộc có tiếng ở xứ nhút.

Chị Trần Thị Ngọc Dịu – Cán bộ văn hóa thị trấn Dùng cho biết: Thầy Phúc là một người đa tài, nhiệt huyết, có niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc. Mặc dù cao tuổi nhưng thầy không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để làm nên những tác phẩm mới, hay lạ, độc đáo. Với năng khiếu và lòng nhiệt tình vốn có, thầy Phúc đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống và phong trào văn nghệ của địa phương.

Huy Thư