Không có thời gian 'ngủ đông', vựa hồng lớn nhất Nghệ An mất mùa

Thanh Phúc 05/10/2019 06:44

(Baonghean.vn) - Thời tiết nắng nóng kéo dài, cây hồng không có thời gian ngủ đông nên năm nay, 100% vườn hồng ở 2 xã Nam Anh, Nam Xuân (huyện Nam Đàn) gần như mất trắng.

Hồng là cây chủ lực ở Nam Anh với diện tích trên 100ha, 300 hộ trồng. Ảnh: Huy Thư
Hồng là cây chủ lực ở xã Nam Anh với diện tích trên 100 ha, 300 hộ trồng. Ảnh: Huy Thư

Mất trắng mùa hồng, nông dân thất thu tiền tỷ

Năm ngoái, thời điểm này đang rộ vụ thu hoạch hồng cậy, hồng gáo. Khắp các vườn đồi các xóm 5,6,7,8,9 và vùng đồi Khe Mai, Đầm Nứa người dân tất bật thu hoạch, thương lái đánh ô tô tải vào tận vườn thu mua và nhộn nhịp các đoàn khách đến vườn tham quan, trải nghiệm. Năm nay, hồng mất mùa thê thảm, cả đồi hồng bạt ngàn chỉ có ít cây có quả lơ thơ, người dân thu hoạch "mót".

Ông Hồ Viết Chuyên, chủ vườn hồng hơn 100 gốc thở dài: “Năm ni, coi như mất trắng mùa hồng. Hơn 100 gốc hồng chỉ có 10 cây cho quả lơ thơ còn lại toàn lá là lá, không có quả nào”.

Năm được mùa, mỗi gốc hồng cho thu hoạch khoảng 1,2-1,5 tạ quả, cả vườn hồng khoảng 15 tấn quả, thu về khoảng 130 - 150 triệu đồng. Hồng mất mùa nên gia đình ông Chuyên mất đi nguồn thu đáng kể.

Năm nay, hồng mất mùa thê thảm, sản lượng quả chỉ bằng 5-10% so với năm ngoái. Ảnh: Huy Thư
Năm nay, hồng mất mùa thê thảm, sản lượng quả chỉ bằng 5-10% so với năm ngoái. Ảnh: Huy Thư

Không riêng gì gia đình ông Chuyên, hơn 100 ha hồng ở Nam Anh năm nay mất mùa nặng, lượng cây có quả chỉ chiếm khoảng 5-10%, 300 hộ trồng hồng ở xã thất thu hàng tỷ đồng. Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Hồng là cây trồng chủ lực, cây hàng hóa đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở xã Nam Anh. Hồng mất mùa khiến người dân thất thu lớn, ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng”.

Hồng mất mùa kéo theo nhiều dịch vụ “ăn theo” như: Hái, thu mua, vận chuyển hồng cũng thất thu. Anh Nguyễn Kim Lợi, một lao động chuyên hái hồng thuê cho biết: “Trung bình mỗi mùa hồng, đi hái thuê cho các hộ dân trong xã cũng có thu nhập 25 - 30 triệu đồng. Năm nay mất mùa nên cũng thất nghiệp”.

Chị Nguyễn Thị Hồng, đại lý thu mua hồng quả tại xóm 6, xã Nam Anh cho biết: “Những mùa trước, mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua cả tấn hồng, phải thuê 6 nhân công vừa đi hái hồng, vừa thu mua, vừa ngâm, vớt hồng với tiền công 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Năm nay, hồng mất mùa, mỗi ngày lùng khắp xã cũng chỉ mua được vài yến đến 1 tạ nên hai vợ chồng tự túc, không thuê người”.

Do lượng hồng thu mua năm nay chỉ đủ để bán cho khách lẻ, các đơn hàng lớn ngoại tỉnh đành khất sang mùa sau nên theo chị cũng rất dễ “mất mối” làm ăn do không đảm bảo nguồn cung ổn định…

Năm nay, 50 ha hồng ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) cũng chung hoàn cảnh mất mùa như Nam Anh. Ông Nguyễn Hữu Thuận, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: “Trên địa bàn xã Nam Xuân có 100 hộ trồng hồng, chỉ một vài hộ trồng rải rác trong vườn thì có quả còn lại trên đồi mất trắng, sản lượng chỉ đạt khoảng 5% so với năm ngoái”.

Vì sao hồng Nam Đàn mất trắng?

Theo các hộ trồng hồng có kinh nghiệm thì có 3 nguyên nhân dẫn đến hồng mất mùa thê thảm. Thứ nhất, do nắng hạn kéo dài, độ ẩm trong đất không còn, nước khe, suối ở các vườn đồi cạn kiệt, không có nước tưới nên cây hồng cằn, không ra hoa, đậu quả.

Để khắc phục thời tiết khô hạn, các hộ dân đầu tư 3-5 triệu đồng dẫn nước tưới tận gốc nhưng do hạn hán khiến khe suối đều cạn kiệt, không có nước tưới nên cây hồng cằn, không cho quả. Ảnh: Thanh Phúc
Mặc dù các hộ dân đã đầu tư 3 - 5 triệu đồng lắp đường ống dẫn nước nhưng do hạn hán khiến khe, suối đều cạn kiệt, không có nước tưới nên cây hồng cằn, không đậu quả. Ảnh: Thanh Phúc

Thứ hai, năm 2018, được mùa hồng, quả sai trĩu nhưng lại rớt giá, khó tiêu thụ, người dân để mặc hồng chín nẫu trên cây không thu hái. Do đó, cây phải vắt kiệt sức nuôi quả trong thời gian dài khiến năm nay cây không đủ sức sinh trưởng.

Thứ ba, mùa Đông năm 2018 ấm hơn, nhiệt độ cao hơn, thời gian lạnh rất ít, do đó, từ trong năm (tháng Chạp) hồng đã đâm chồi nảy lộc, không có thời gian “ngủ đông” (bình thường, đến tháng 2 âm lịch hồng mới ra lá non) trong khi thời gian nuôi cành, lá kéo dài nên cây hồng không cho quả.

Không có thời gian
Năm 2018, do không tiêu thụ được, người dân để hồng chín nẫu trên cây, thời gian nuôi quả kéo dài khiến hồng không được "ngủ đông", cây sinh trưởng kém, không ra hoa, đậu quả. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Rút kinh nghiệm từ việc mất trắng mùa hồng năm nay, xã khuyến cáo bà con không kéo dài thời gian thu hoạch, ảnh hưởng đến vấn đề sinh trưởng của cây trong các mùa sau.

Xã cố gắng tìm đầu ra ổn định cho hồng quả, không để hồng tồn đọng. Theo đó, bên cạnh đề án phát triển du lịch cộng đồng từ các vườn hồng Nam Anh thì việc chọn hồng làm sản phẩm chủ lực tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ, chế biến sâu các sản phẩm từ hồng quả: hồng ép dẻo, hồng sấy giòn, mứt hồng,…, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết được vấn đề đầu ra ổn định cho cây hồng Nam Anh

Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh

Thanh Phúc