Chàng trai cụt hai tay truyền cảm hứng cho tuổi trẻ Nghệ An

Mỹ Nga 04/10/2019 16:27

(Baonghean.vn) - Sau tai nạn điện giật, anh Tuấn bị cụt hai tay. Nhưng không đầu hàng trước số phận, anh vẫn vươn lên, tạo dựng cuộc sống độc lập, tham gia đóng góp cho xã hội.

Anh Lê Văn Tuấn là một trong 250 đại biểu chính thức của Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An lần thứ VI. Ảnh: Mỹ Nga
Anh Lê Văn Tuấn là 1 trong 250 đại biểu chính thức của Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An lần thứ VI. Ảnh: Mỹ Nga

Những điều nhỏ nhặt làm nên kỳ tích

Là một cựu quân nhân, sau 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương với quân hàm thượng sỹ, anh Lê Văn Tuấn (quê ở Tào Sơn, Anh Sơn) bắt đầu tham gia lớp học nghề ở Vinh để tạo lập tương lai.

Thế nhưng, cuộc đời anh đã rẽ sang ngã khác khi gặp một tai nạn. Trong một lần sửa điện cho gia đình chú dịp giáp Tết, anh Tuấn đã bị điện giật. Sau tai nạn, anh vĩnh viễn mất đi đôi tay, hai chân cũng bị có nguy cơ phải cắt bỏ.

"Đối với tôi và gia đình lúc đó, bị suy sụp nặng về cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi nghĩ rằng từ bây giờ mình chỉ là người vô dụng, cuộc đời mình đã đi vào ngõ cụt. Lúc đó tôi đã xin gia đình cho tôi được làm thủ tục hiến tạng, nhưng gia đình tôi không đồng ý và cố gắng tìm mọi cách điều trị cho tôi" - anh Lê Văn Tuấn bộc bạch.

Kể thêm về khó khăn và sự suy sụp lúc đó, anh Tuấn cho biết, nhiều lần anh mất hết niềm tin về cuộc sống, tương lai và bao ước mơ khi còn là một người bình thường. "Từ một người khỏe mạnh, trụ cột cho cha mẹ, thì nay tôi lại trở thành một người tàn phế, kinh phí điều trị thì quá lớn" - anh Tuấn kể.

Anh Lê Văn Tuấn thể hiện ca khúc "Nơi ấy con tìm về" tại đại hội đại biểu Hội liên hiệp thanh niên Nghệ An sáng 4/10.

Chia sẻ tại đại hội về ước mơ, hạnh phúc của một con người, anh Tuấn thổ lộ: Với anh và nhiều người bị khuyết tật khác thì ước mơ, khát khao lớn nhất chỉ là có một cơ thể hoàn chỉnh như mọi người bình thường để có thể tự chăm sóc cho bản thân, để được tự tin, thoải mái làm những gì mình thích.

Tuy nhiên, anh Tuấn hiểu rằng cuộc sống này sinh ra không phải ai cũng may mắn như nhau, có người sinh ra lành lặn, có người sinh ra đã bị dị tật, khuyết tật, có người sinh ra lành lặn nhưng do các tai nạn, thương tích đã làm cho họ bị khuyết tật,...

Nhìn cha mẹ suy sụp, anh Tuấn tự nhủ với trách nhiệm của một người con mình phải cố gắng, vượt lên số phận, phải sống lạc quan cho cha mẹ yên tâm.

"Tôi nhận ra rằng cuộc sống không nên là một cuốn sách đẹp mà nên là một quyển sách hay. Tôi đã cố gắng tạo cho mình cuộc sống tự lập" - anh Tuấn chia sẻ. Kể từ đó, như một đứa trẻ lên ba, anh bắt đầu tự lập lại từ những điều nhỏ nhất như sinh hoạt cá nhân, để bớt đi những vất vả, nhọc nhằn cho người thân. "Đối với người bình thường, đó là những việc rất nhỏ nhặt, nhưng với tôi, đó là cả một kỳ tích" - anh Tuấn xúc động kể.

Vươn lên làm chủ cuộc sống

Sau khi tập làm được sinh hoạt cá nhân, anh Tuấn bắt đầu nghĩ đến tìm một công việc phù hợp để phụ giúp kinh tế cho gia đình, hỗ trợ phần nào cho cha mẹ. Anh lựa chọn nghề công nghệ thông tin, cài đặt phần mềm, buôn bán linh kiện thiết bị máy vi tính, điện thoại, và mở cửa hàng nhỏ để sửa chữa điện thoại, cung cấp các dịch vụ internet, ... phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Sau 3 năm, anh Tuấn đã tạo dựng cho mình một cửa hàng cung cấp các dịch vụ như phòng nét, điện thoại, sim thẻ...cho người dân trong vùng.

Ngoài ra, anh Tuấn còn đào tạo thêm một số nhân viên máy tính để hỗ trợ mình trong quá trình làm việc. Nhờ đó, là người khuyết tật nhưng anh đã vươn lên tự lo cho cuộc sống của mình, không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Anh Lê Văn Tuấn hát tặng Đại hội một ca khúc khiến cả hội trường xúc động. Ảnh: Mỹ Nga
Anh Lê Văn Tuấn hát tặng Đại hội một ca khúc khiến cả hội trường xúc động. Ảnh: Mỹ Nga

Tàn nhưng không phế, bản thân anh Tuấn vẫn luôn yêu quý vào cuộc sống này hy vọng ngày mai luôn tươi sáng, vẫn ngày ngày nỗ lực vượt lên chính mình để chứng minh với mọi người và xã hội. Anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội do đoàn xã tổ chức, các buổi sinh hoạt đoàn, hội. Dù không làm được gì nhiều nhưng với trách nhiệm của một thanh niên, anh luôn đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng phong trào đoàn, hội ngày càng hoạt động có hiệu quả hơn.

"Bản thân tôi cảm thấy vui hơn khi được hoạt động Đoàn, hội và góp phần đưa phong trào đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia" - anh Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, anh còn đi nhiều nơi tham gia hoạt động các chương trình thiện nguyện với nhóm “Ngọc trong tim”, là cầu nối để những người khuyết tật với nhau cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Gửi tới Đại hội những kỳ vọng, anh Lê Văn Tuấn mong muốn các cấp Hội có nhiều hơn những chương trình, hoạt động hỗ trợ những người tàn tật, để họ có thể vươn lên tự nuôi sống bản thân, có đóng góp dù nhỏ cho gia đình, xã hội.

Hội Liên hiệp thanh niên các cấp sẽ là cầu nối để thanh niên khuyết tật có được cơ hội giao lưu, học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật như: Thành lập CLB thanh niên khuyết tật cấp tỉnh; kết nối và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm do thanh niên khuyết tật tự làm; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà cho thanh niên khuyết tật...

Mỹ Nga