Dịch tả lợn châu Phi bùng phát nhưng người dân vùng biên Kỳ Sơn lại lơ là, chủ quan

Hồ Phương - Xuân Hoàng 08/10/2019 16:14

(Baonghean.vn) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi lại tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Chỉ trong 1 tuần, dịch đã xuất hiện tại 5 xã trước đó đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch vẫn còn lơ là, chủ quan tại một số nơi.

Xã vùng biên xem nhẹ việc chống dịch

Cách đây 3 ngày, gia đình chị Lô Thị Duyên bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) phải mang 6 con lợn đi chôn lấp. Đó là tài sản không nhỏ đối với gia đình thuộc diện hộ nghèo như chị.

Người dân xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) mang lợn chết ra để bên QL 16. Ảnh: Hồ Phương
Người dân xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) mang lợn chết ra để bên QL 16. Ảnh: Hồ Phương

Chị Duyên kể, sáng ngày 2/10, chị phát hiện 2 con lợn bỏ ăn nằm lăn ra chết. Ngày hôm sau những con còn lại trong đàn lợn cũng bỏ ăn và chết. Chỉ trong 2 ngày, đàn lợn đen của gia đình chị (có những con nặng hơn 50kg) đã chết sạch. Dự định về một cái tết đầm ấm của gia đình đã đổ xuống sông xuống biển vì dịch tả lợn châu Phi.

Cách nhà chị Duyên không xa, ông Vi Văn Phong (bản Hòa Lý) cũng đang buồn rầu vì đàn lợn gần 200 kg của mình vừa phải mang đi chôn lấp không lâu.

Bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý một trong những địa phương đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Ảnh: Hồ Phương
Bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý một trong những địa phương đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Ảnh: Hồ Phương

Ông Lương Văn Biên, Phó Bí thư chi bộ bản Hòa Lý cho biết, trong những ngày qua đàn lợn của bản chết rất nhiều, có những gia đình lợn chết 5 đến 6 con. Chỉ trong vài ngày, riêng bản Hòa Lý có hơn 80 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Dịch tả lợn châu Phi “gõ cửa” nhà nào là đàn lợn của gia đình nhà đó chết hết, không sót một con nào.

Tìm hiểu được biết, hiện nay xã Mỹ Lý có 4 bản xảy ra dịch tả lợn châu phi: Hòa Lý, Xiềng Tắm, Yên Hòa, và bản Huồi Bún. Tổng số đàn lợn của xã Mỹ Lý đã tiêu hủy lên đến hơn 200 con.

Chớm trưa ngày 5/10, chúng tôi bắt gặp một con lợn chừng 70kg đang nằm vật bên vệ đường QL16, đoạn qua bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý. Ngay cạnh đó là chiếc chuồng lợn đã bị tháo một lỗ nhỏ. Người dân trong bản nghi con lợn này bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, bởi trong bản đã có nhiều con lợn chết do nhiễm dịch này. Một người dân cho biết, con lợn nói trên là của gia đình anh Lô Văn Hòa.

Mặc dù dịch bệnh đang hoành hành nhưng những điểm chốt chặn vắng bóng người, ảnh chụp ngày 5/10. Ảnh: Hồ Phương
Mặc dù dịch bệnh đang hoành hành nhưng những điểm chốt chặn vắng lực lượng chức năng, ảnh chụp ngày 5/10. Ảnh: Hồ Phương

Cũng trong ngày 5/10, chúng tôi đến các điểm chốt của xã, nhưng không thấy lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra hay phun hóa chất khử trùng đối với các phương tiện qua lại. Có nhiều điểm chốt chỉ còn lại những vệt vôi trắng nhỏ đã ngả màu và tấm biển báo “Cấm vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra ngoài vùng dịch”.

Dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra trên địa bàn hơn 1 tuần nay. Được sự chỉ đạo của xã, phía bản cũng đã làm 2 điểm chốt chặn để kiểm tra, rải vôi, phun hóa chất khử trùng tại 2 điểm đầu và cuối bản. Hôm nay (thứ 7) họ nghỉ, vôi và hóa chất cũng đã hết mấy hôm nay rồi, đang chờ thứ 2 phía huyện sẽ mang vào.

Ông Vi Văn Trọng - Trưởng bản Hòa Lý

Đề cập đến vấn đề các trạm chốt vắng bóng người, ông Lương Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: "Ngày 28/9 bắt đầu có dịch bệnh, đầu tiên ở bản Yên Hòa. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, xã đã lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi gồm 10 người. Xã cũng chỉ đạo quyết liệt rồi, nhưng bà con vẫn thả rông lợn, có lợn chết là họ làm thịt ăn. Xã hết cách rồi".

Dịch bùng phát ở nhiều xã

Ông Nguyễn Công Hiếu - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kỳ Sơn cho biết: Đến cuối tháng 9, trên địa bàn huyện chỉ còn 3 xã chưa hết dịch, nhưng từ ngày 29/9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát thêm 5 xã: Mỹ Lý, Bắc Lý, Tà Cạ, Chiêu Lưu và Mường Típ. Những xã này trước đây đã có dịch, nhưng đã công bố hết dịch. Đáng lo ngại, những ổ dịch mới này xảy ra ở những bản trước đây chưa có dịch.

Lợn đen là đặc sản của Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Lữ Phú
Lợn đen là đặc sản của Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Lữ Phú

Theo ông Hiếu, lo ngại nhất đối với Kỳ Sơn là giá lợn đen đang ở mức cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, trong khi giá hỗ trợ tiêu hủy lợn do nhiễm dịch 25.000 đồng/kg, nên sợ người dân dấu dịch để mổ thịt, khiến dịch lây lan rộng, ảnh hưởng đến đàn lợn đen đặc sản của địa phương.

Như vậy, hiện hay trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn đang có 8 xã chưa qua 30 ngày dịch. Trước đó, huyện Kỳ Sơn đã có 17 xã có dịch, số lợn buộc phải tiêu hủy 2.358 con, hơn 73 tấn lợn hơi.

Trạm Chăn Nuôi và Thú y đang trình UBND huyện trích ngân sách mua thêm 50 tấn vôi bột, đồng thời cấp thêm hóa chất cho các xã chủ động trong công tác phòng chống dịch; cùng đó đề xuất huyện tăng cường duy trì chốt kiểm soát dịch động vật trên Quốc lộ 7 A.

Ông Nguyễn Công Hiếu - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kỳ Sơn


Hồ Phương - Xuân Hoàng