Bộ Chính trị yêu cầu giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức quyền
Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, chống chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp Bộ Chính trị. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh
Thông báo nhắc lại phiên họp ngày 16/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận về việc hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới, đạt được kết quả nổi bật, quan trọng.
Cụ thể, nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên.
Hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Những năm gần đây, nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm, dư luận bức xúc được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng cao, tạo dấu ấn và sự lan tỏa trong xã hội. Kết quả nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng lưu ý, so với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
Có nơi, có thời điểm lãnh đạo công tác kiểm tra chưa chủ động, thường xuyên, ráo riết, thiếu quyết liệt; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh. Kết quả kiểm tra chưa đều, có chuyển biến rõ ở cấp Trung ương, các cấp khác chưa thật rõ nét.
Công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, tổ chức Đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Cụ thể là tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở đẩy mạnh quyết tâm hành động. Người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình, trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Tăng cường công tác truyền thông, biểu dương những nhân tố mới, cách làm hay, điển hình tốt, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức Đảng, đảng viên. Công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm.
Gắn công tác kiểm tra, giám sát với thực hiện các nghị quyết của Trung ương; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, chống chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”.
Bộ Chính trị lưu ý, công tác kiểm tra, giám sát phải chủ động, tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, khách quan, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính.
Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đột xuất theo chuyên đề; đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, tự soi, tự uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm; chú ý những khâu, lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực. Kiện toàn bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc.
Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận, hàng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.