Nghệ An: Nhiều đơn vị đưa người đi du học nhưng thực chất là xuất khẩu lao động
(Baonghean.vn) - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa, cho biết, qua thanh tra, kiểm tra của ngành có một số đơn vị chưa công khai các khoản phí dịch vụ và ký hợp đồng chưa đúng quy định; có đơn vị đưa người đi du học nhưng thực chất là đi xuất khẩu lao động...
Sáng 11/10, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH và Sở Giáo dục và Đào tạo theo chương trình giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
690 lưu học sinh bị bắt giữ
Tại cuộc làm việc, nêu vấn đề cử tri và nhân dân bức xúc trong quản lý việc đưa người đi du học và xuất khẩu lao động; Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan nêu thực tế hoạt động của các công ty, trung tâm dịch vụ xuất khẩu lao động kèm theo tư vấn du học và làm tư vấn du học kèm theo xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, việc giới thiệu, tư vấn điều kiện lao động, học tập và thu nhập của người đi lao động, du học ở các nước sai với thực tế, gây khó khăn cho người lao động.
Việc định hướng, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ở nước sở tại cho người lao động trước khi đi xuất khẩu chưa được quan tâm.
Mặc dù có quy định rõ các đơn vị tư vấn du học phải có trách nhiệm quản lý và định kỳ báo cáo tình hình du học sinh tại nước sở tại cho ngành chức năng, nhưng thực tế sau khi đưa đi xong là không quan tâm.
Đào tạo nghề gắn với định hướng xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cung cấp thêm, năm 2018, trong thư gửi Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn, ông Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã cung cấp thông tin: Năm 2017, số lượng các vụ người nước ngoài tại Nhật Bản bị bắt giữ do phạm tội hình sự tính theo quốc gia thì Việt Nam đứng thứ nhất với 3.591 vụ; trong đó, số vụ bị bắt giữ có tư cách lưu trú là lưu học sinh là nhiều nhất, với 690 vụ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do người lao động, du học sinh bị một số công ty của Nhật Bản và Việt Nam lừa gạt, họ phải gánh trên vai món nợ lớn dẫn đến rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi sang Nhật Bản.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Khoa thừa nhận những bất cập, hạn chế trong quản lý các đơn vị tư vấn du học. Ảnh: Mai Hoa |
Thừa nhận công tác quản lý các công ty, trung tâm tư vấn du học của ngành thời gian qua chưa hiệu quả; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa, cho biết, qua thanh tra, kiểm tra của ngành có một số đơn vị chưa công khai các khoản phí dịch vụ và ký hợp đồng chưa đúng quy định; có đơn vị tư vấn du học không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn làm; có đơn vị đưa người đi du học nhưng thực chất là đi xuất khẩu lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ giải trình một số băn khoăn, đề xuất của đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Hơn 13.000 lao động bất hợp pháp ở các nước
Thông qua cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã ghi nhận sự nghiêm túc tiếp thu, quan tâm giải quyết các kiến nghị cử tri của Sở LĐ-TB&XH trên cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, văn bản thuộc lĩnh vực ngành.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội có 70 ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong đó tập trung về chế độ, chính sách cho người có công; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Thường trực HĐND tỉnh cũng kiến nghị Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, di cư lao động tự do tại các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào...; gắn với quan tâm đào tạo, định hướng, tuyên truyền pháp luật cho người lao động.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần quan tâm khảo sát nhu cầu người học, tránh tình trạng "rải mành mành" như hiện nay; tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tốt các chính sách cho người có công…
Hiện toàn tỉnh có hơn 13.000 lao động không theo hợp đồng ở các nước; tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với lao động như bắt cóc, tống tiền, buôn người, mắc các tệ nạn xã hội.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự vào cuộc của 2 Sở trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực quản lý; đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập, góp phần giảm bớt bức xúc, phản ảnh của cử tri và hiện tại các ý kiến của cử tri chủ yếu tập trung vào nhóm đề xuất mong muốn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng kiến nghị 2 Sở tiếp tục rà soát, tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; gắn với quan tâm đeo bám, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các huyện giải quyết các kiến nghị được cử tri nhiều lần thuộc cấp huyện nêu; chú trọng chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động, tư vấn du học và đặc biệt nâng cao đạo đức đối với các đơn vị, tránh tuyên tuyền, giới thiệu với người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động, du học không đúng với thực tiễn.