Sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 và 'phiên bản lỗi' mang tên Indonesia

Trung Kiên 14/10/2019 13:56

(Baonghean.vn) – Cũng giống như ĐT Malaysia và Thái Lan, Indonesia xây dựng lối chơi dựa trên sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1. Đây là sơ đồ khá toàn diện và hiện đại, tuy nhiên từng cá nhân của đội tuyển Indonesia dường như không thể phát huy được ưu điểm của sơ đồ chiến thuật này mang lại.

Cơ bản về sơ đồ 4-2-3-1

Bóng đá hiện đại ngày càng thực dụng, cầu toàn và các đội bóng Đông Nam Á hiện nay đang áp dụng sơ đồ 4-2-3-1 một cách khá phổ biến. Đặc điểm của sơ đồ này là 2 tiền vệ trụ án ngữ trước hệ thống phòng ngự 4 người, gồm 2 trung vệ và 2 hậu vệ biên. Với 1 tiền đạo cắm và 1 hộ công sau lưng, sơ đồ này tạo nên một trục dọc, xương sống lý tưởng cho những đội bóng có khả năng tấn công trung lộ tốt.

Sơ đồ này có 5 cầu thủ ở tuyến giữa khi phòng ngự (4-5-1) giúp đảm bảo được quân số cần thiết. Khi tấn công, 4 cầu thủ luôn hoạt động gần vạch 16m50, kết hợp với 2 vệ biên khi dâng cao có thể giúp hình thành nên nhiều tam giác phối hợp ở trên sân, tạo ra nhiều sự lựa chọn.

Nhiều đội bóng đẳng cấp trên thế giới đang áp dụng sơ đồ 4-2-3-1. Ảnh: Goal

Với 2 tiền vệ trụ, thông thường sẽ là 1 tiền vệ có xu hướng tập trung phòng ngự và 1 tiền vệ công thủ toàn diện. Hai cầu thủ này không chỉ có nhiệm vụ đưa bóng lên tuyến trên mà còn phải thường xuyên bám biên, hỗ trợ bọc lót cho các hậu vệ cánh đang dâng cao. Do đó, khi tấn công, 4-2-3-1 vẫn tạo được cảm giác yên tâm.

Nhìn chung, sơ đồ 4-2-3-1 phân bố các cầu thủ trên toàn mặt sân, từ đó phục vụ hai nhiệm vụ kiểm soát bóng và “pressing”, tức là giữ được bóng lâu nhất có thể và đoạt lại bóng một cách nhanh nhất. Những đội bóng áp dụng sơ đồ này có rất nhiều phương án trong tấn công, từ đánh trung lộ, từ biên trái, biên phải, chọc khe, chuyền bổng, đánh đầu, sút xa...

Tuy nhiên, điểm yếu của sơ đồ này là vị trí của 2 hậu vệ biên. Do đó, vai trò hỗ trợ của cặp tiền vệ trung tâm và các tiền vệ biên cũng trở nên nặng nề hơn. Mặt khác, đối thủ thường xuyên khai thác vào khoảng trống giữa cặp trung vệ hoặc giữa trung vệ và hậu vệ biên để tung ra những quả chọc khe chạy chỗ.

Trận gặp Thái Lan, Indonesia vẫn chưa triển khai 4-2-3-1, thay vào đó là 4-3-2-1 với 1 tiền vệ đánh chặn, hai tiền vệ trung tâm có xu hướng chơi tấn công. Ảnh: PSSI
Trận gặp Thái Lan, Indonesia vẫn chưa triển khai 4-2-3-1, thay vào đó là 4-3-2-1 với 1 tiền vệ đánh chặn, 2 tiền vệ trung tâm có xu hướng chơi tấn công là Stefano (10) và Evan Dimas (8). Ảnh: PSSI

Khác với những sơ đồ có 2 tiền đạo cắm, trong tình thế khó khăn, các tiền vệ tấn công hầu hết phải lùi về lấy bóng và hỗ trợ phòng ngự thì tiền đạo cắm có nguy cơ trở nên lạc lõng ở phía trên. Vị trí này vốn dành cho những cầu thủ to cao, khả năng tì đè, làm tường và độc lập tác chiến tốt.

Với ĐT Indonesia, sơ đồ này không cho thấy sự đa dạng và nguy hiểm như nó vốn có. Không những tấn công một cách lúng túng, Indonesia còn phá sản hoàn toàn trong khâu phòng ngự khi gặp phải Thái Lan (thua 0-3), Malaysia (thua 2-3) và UAE (0-5).

Indonesia thua trắng trước Thái Lan. Video: AFC

Có hai nguyên nhân dẫn đến những kết quả tệ hại của Indonesia. Thứ nhất, HLV McMenemy chỉ vừa dẫn dắt ĐT Indonesia và cách xây dựng lối chơi còn nhiều bất cập. Thứ hai, cầu thủ Indonesia không đạt 100% phong độ và thể lực. Một phần bởi các học trò của HLV McMenemy gặp bất lợi vì lịch thi đấu của giải trong nước.

Box: ĐT Indonesia vừa triệu tập trung vệ nhập tịch Otavio Dutra chuẩn bị cho trận gặp Việt Nam. Cầu thủ gốc Brazil có chiều cao 1,90m gốc Brazil. Hiện tại Otavio Dutra đang khoác áo CLB Persebaya Surabaya và anh chưa một lần ra sân cho đội tuyển Indonesia trước đó.

Loạn hệ thống phòng ngự lẫn tấn công

Dù phải thay gấp thủ môn Andritany bằng Wawan thì tại vòng loại World Cup 2022, Indonesia đã phải nhận tổng cộng 11 bàn thua. Trong số này, có 2 tình huống phạt penalty do phạm lỗi và để bóng chạm tay trong vòng cấm.

Ở trận thua Thái Lan 0-3, 2 tiền vệ phòng ngự lẫn 2 trung vệ của Indonesia đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi để cho Supachok có được khoảng trống và dứt điểm từ xa. Ở bàn thua thứ 3, sự mất tập trung đã khiến cho Thái Lan tận dụng tốt khoảng trống phía sau lưng hậu vệ cánh phải.

Đội hình của Indonesia trận Malaysia và UAE đã hình thành 4-2-3-1 với 2 tiền vệ trụ. Ảnh: PSSI
Đội hình của Indonesia trận Malaysia và UAE đã hình thành 4-2-3-1 với 2 tiền vệ trụ. Ảnh: Bola

Tương tự, ở bàn gỡ hòa 1-1 của Malaysia, hậu vệ cánh phải của Indonesia cũng bỏ vị trí và hệ thống phòng ngự của đội bóng này sập xuống một cách thiếu kỷ luật, tạo điều kiện cho Sumareh thoát xuống một cách thoải mái.

Bàn thua thứ 2 trong trận đấu đó, thủ môn Indonesia có phong độ quá tệ hại và cặp trung vệ thiếu đi sự tập trung cần thiết để cho Syafig băng vào đánh đầu cắt mặt. Một lần nữa, điểm yếu ở biên của Indonesia bị Malaysia tận dụng trong bàn thua thứ 3. Đó là pha bóng mà quả tạt tầm thấp của Matthew Davies đánh bại hoàn toàn hàng thủ Indonesia.

Trong trận thua 0-5 trước một đội bóng sở hữu tốc độ và tấn công đa dạng như UAE, hàng phòng ngự Indonesia quá lúng túng và tự thua trong bàn thua đầu tiên khi thủ môn Wawan mắc sai lầm. Một đường chuyền về bất cẩn của tiền vệ trung tâm Zulfiandi (số 4) khiến Indonesia nhận bàn thua thứ 2.

Nếu như bàn thua thứ 3, trung vệ đội trưởng Indonesa cố tình dùng tay chơi bóng thì ở bàn thua thứ 4, bẫy việt vị của đội bóng này một lần nữa gây tai họa khi Gavin (11) đứng quá thấp so với đồng đội, tạo điều kiện cho số 7 bên phía UAE dễ dàng thoát xuống đối mặt thủ môn. Bàn thua thứ 5 đến từ một pha đẩy bóng thiếu dứt khoát thủ môn Indonseia.

Những bàn thua của Indonesia đến một cách khá dễ dàng. Video: AFC

Trong 3 trận đấu, HLV McMenemy cũng cho thấy sự bất lực trong vấn đề nhân sự khi ông liên tục có những xáo trộn trong đội hình, đặc biệt là ở vị trí thủ môn, hậu vệ cánh phải và tiền vệ phòng ngự. Những vị trí yếu nhất trong đội hình Indonesia.

Nếu như ở trận gặp Thái Lan là thủ môn Andritany, cặp trung vệ Hansamu Yama (23) – Rudolof Basna (5), hậu phải Yustinus Pae (3) và hậu vệ trái Ruben Sanadi (14) thì ở trận gặp Malaysia, HLV trưởng Indonesia đã cất trung vệ Rudolof Basna và hậu vệ trái Ruben Sanadi lên ghế dự bị.

Bộ ba tiền vệ trung tâm là Stefano Lilpaly (10), Manahati Hanif (16) và Evan Dimas (8) có xu hướng tấn công thì trận gặp Malaysia và UAE, chỉ còn lại Zulfiandi và Hanif, tiền vệ chạy cánh Irfan Bachdim (17) bó vào trung lộ để hỗ trợ ngay phía sau lão tướng Beto Goncalves (9).

HLV Simon McMenemy chưa có nhiều thời gian với ĐT Indonesia. Ảnh: PSSI
HLV Simon McMenemy chưa có nhiều thời gian với ĐT Indonesia. Ảnh: PSSI

Khác với trận gặp Thái Lan, 2 hậu vệ biên của Indonseia khi gặp Malaysia và UAE cũng xáo trộn khi có mặt Ricky Fajrin (15) bên cánh trái và Gavin Kwan (11) bên cánh phải. Tóm lại, từng cá nhân trong đội hình Indonesia không làm tròn nhiệm vụ và tính ổn định trong hệ thống phòng ngự của đối thủ này cũng không có.

Nhìn chung, điểm yếu nhất của Indonesia chính là khả năng hỗ trợ phòng ngự của cặp tiền vệ đánh chặn vốn rất được kỳ vọng, 2 hậu vệ biên không thể quán xuyến được vị trí của mình và khả năng bẫy việt vị của các hậu vệ Indonesia cực kém.

Malaysia và UAE đã khai thác rất tốt điểm yếu này để xé toang hàng phòng ngự. Với ĐT Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào tốc độ của 3 cầu thủ phía trên là Văn Toàn, Quang Hải và Công Phượng, từ đó tận dụng những đường chuyền bổng có điểm rơi của Hùng Dũng hoặc Quế Ngọc Hải như trận gặp Malaysia vừa rồi.

Hàng phòng ngự Indonesia rối loạn trước UAE. Video: Daily Match

Với sự vắng mặt của Tuấn Anh, nhiều khả năng Đức Huy sẽ là cái tên đá cặp cùng với Hùng Dũng để tăng cường chất thép. Indonesia là đội bóng có thể lực, không ngại va chạm và rất nhiều mánh khóe để tạo lợi thế trên sân.

Nhiều khả năng Đức Huy sẽ đá thay Tuấn Anh đang gặp chấn thương. Ảnh: Hải Hoàng

Cách tấn công của Indonesia vẫn được đánh giá khá cao với trung phong Beto Goncalves (9) phía trên. Dù đã 38 tuổi nhưng tiền đạo gốc Brazil có kinh nghiệm trận mạc, sự tinh quái và khả năng sút xa cực tốt. Trong trận đấu gặp Malaysia, cầu thủ này đã 1 lần thành công từ một cú sút sát vạch 16m50.

Khách quan mà nói, ở trận gặp Malaysia, sơ đồ 4-2-3-1 đã được Indonesia áp dụng và tấn công khá hiệu quả với 2 bàn thắng. Tuy nhiên, hệ thống phòng ngự rối rắm và lơi lỏng của họ đã khiến đội nhà thua trận vào những phút cuối.

Trong quá khứ, ĐT Việt Nam có thành tích đối đầu không tốt trước Indonesia. Cụ thể, hai đội đã từng gặp nhau 23 lần trong quá khứ ở tất cả các giải đấu lớn nhỏ. ĐT Indonesia đang chiếm lợi thế khi là đội sở hữu nhiều trận thắng hơn với 9 lần. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ 5 lần đánh bại đối thủ.

Trong 5 trận gần nhất, Việt Nam chỉ thắng Indonesia đúng 1 lần và trong những năm trở lại đây, thành tích đối đầu giữa hai đội đang rất cân bằng. Dẫu vậy, quá khứ chỉ còn là dĩ vãng, ĐT Việt Nam đến với VL World Cup 2022 với tâm thế của một nhà vô địch AFF Cup 2018 và đẳng cấp cũng nhỉnh hơn Indonesia.

Với lối chơi phòng ngự chắc chắn mà 3-4-3 của HLV Park Hang-seo mang lại, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin đối phó với Indonesia tại Bali. Tuy nhiên, trong bối cảnh Anh Đức vừa trở lại sau chấn thương, sự vắng mặt của Phan Văn Đức cũng đã phần nào khiến ĐT Việt Nam có ít hơn những sự lựa chọn trong tấn công.

Khả năng giành chiến thắng của ĐT Việt Nam trước Indonesia trong trận đấu tại Kapten I Wayan Dipta vào ngày mai (15/10) là rất cao, nhưng với tính thực dụng của sơ đồ 5 hậu vệ và phong độ chưa phải là tốt nhất của Công Phượng, ĐT Việt Nam được dự đoán sẽ khó tạo nên một chiến thắng cách biệt.

'ĐT Việt Nam đã tìm hiểu những điểm mạnh, yếu của Indonesia'

'ĐT Việt Nam đã tìm hiểu những điểm mạnh, yếu của Indonesia'

(Baonghean.vn) - Chiều 13/10, ĐT Việt Nam có buổi tập thứ hai trên đất Bali (Indonesia) trước thềm vòng loại World Cup 2022 gặp đội chủ nhà. Trong buổi tập này, tiền đạo Nguyễn Công Phượng tiết lộ ĐT Việt Nam đã tìm hiểu kỹ lối chơi của đội chủ nhà và chia sẻ về phong độ của bản thân.

Trung Kiên