Giải Nobel Kinh tế 2019: Phần thưởng cho những 'chiến binh thực tế'
(Baonghean) - Giải Nobel Kinh tế năm nay đã thuộc về 3 nhà kinh tế học xứng đáng, đó là Abhijit Banerjee và Esther Duflo đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, cùng Michael Kremer đến từ Đại học Harvard.
Giải thưởng danh giá này đã được trao “cho cách tiếp cận mang tính thử nghiệm đối với việc giảm tình trạng đói nghèo trên toàn cầu”, bộc lộ một số hướng quan trọng mà nguyên tắc kinh tế học đang dần thay đổi.
Esther Duflo, Michael Kreme, Abhijit Banerjee - Bộ 3 đạt giải Nobel kinh tế 2019. Ảnh: Getty |
Phá bỏ định kiến
Theo trang tin Bloomberg, có một quan niệm phổ biến về các nhà kinh tế học, rằng họ là những người hết sức tôn thờ thị trường tự do, xem nhẹ vai trò của chính phủ và không quan tâm nhiều đến nhu cầu của tầng lớp nghèo nhất trong xã hội. Vô vàn nhà kinh tế phản đối “định kiến” này, và đã dành trọn sự nghiệp để nghiên cứu cách làm thế nào để nâng đỡ những công dân nghèo khổ nhất trong thế giới đang phát triển thông qua hành động của chính quyền. Banerjee, Duflo và Kremer là những cái tên thuộc nhóm này.
Lấy ví dụ, cả 3 giáo sư kinh tế này đều nghiên cứu về những lợi ích của giáo dục. Những người đang sinh sống tại các quốc gia phát triển thường xem giáo dục công phổ cập là lẽ dĩ nhiên, cũng như của cải kinh tế mà một cộng đồng có học thức tạo ra. Các nước đang phát triển chẳng hạn như Kenya hay Ấn Độ lại không sở hữu được điều “xa xỉ” ấy. Năm 2003, Kremer đã xem xét một chuỗi thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng tại Kenya, nhận ra rằng việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục thực sự có tác dụng, nhưng bên cạnh đó những sự chăm sóc về sức khỏe, y tế chẳng hạn như tẩy giun cũng rất hữu ích trong việc giữ cho trẻ đến trường. Giáo sư Banerjee và cộng sự Duflo, cùng các đồng tác giả Shawn Cole và Leigh Linden, đã nghiên cứu một chương trình thuê gia sư cho những học sinh kém tại Ấn Đọ, cũng như một chương trình học có máy tính hỗ trợ, và kết luận rằng cả 2 cách đều có hiệu quả. Duflo cũng nhận thấy có sự gia tăng mạnh về thu nhập hàng tháng nhờ chi cho giáo dục công tại Ấn Độ, qua đó xác nhận vai trò trung tâm của trường học đối với tăng trưởng kinh tế.
Trong những năm qua, Banerjee, Duflo và Kremer đã nghiên cứu các chương trình khuyến khích nông dân ở các nước đang phát triển tăng sử dụng phân bón, cung cấp tín dụng vi mô cho cư dân khu ổ chuột, tạo “hạn ngạch” cho phụ nữ trong chính quyền địa phương, cung cấp biện pháp tẩy giun cho người nghèo, xóa bỏ căn bệnh sốt rét, cùng nhiều động thái can thiệp có mục tiêu khác của chính phủ. Trong một số trường hợp - như tài chính vi mô chẳng hạn - các chương trình này không đáp ứng được như hứa hẹn và kỳ vọng lúc đầu. Nhưng nhiều sáng kiến lại rất thành công trong việc tạo ra những lợi ích mang tính lâu bền.
Với một số cá nhân, họ có thể có quan điểm rằng, chi tiêu vào các chương trình chẳng hạn như kiểm soát ký sinh trùng hay gia sư có thể bị đánh giá là mới chỉ chạm tới những vấn đề nhỏ bên lề hay “phần ngọn”. Đúng là đầu tư và công nghiệp hóa là những thứ rốt cuộc sẽ biến đổi các nước nghèo thành các quốc gia giàu có. Nhưng như Trung Quốc và Ấn Độ đều đã cho thấy, sự tăng trưởng như vậy thường có khả năng khiến người nghèo bị bỏ lại phía sau suốt trong một thời gian dài. Và như Banerjee cùng Duflo đã nhấn mạnh, một bộ phận dân cư được ăn học đầy đủ, khỏe mạnh sẽ tác động đến tỷ suất hoàn vốn đầu tư, do đó đóng vai trò quan trọng để khởi động quá trình phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, tại các nước đến nay vẫn chưa bắt đầu công nghiệp hóa, thì điều tốt nhất có thể hy vọng đem lại trong ngắn hạn là giảm thiểu nỗi khổ sở của người dân. Vì thế, công trình Banerjee, Duflo và Kremer có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều mặt trận.
Đầu tư cho giáo dục là một trong những chìa khóa để thoát nghèo. Ảnh: AFP |
Đổi mới trong nghiên cứu
Điều đáng chú ý thứ hai về Giải thưởng Nobel kinh tế năm nay đó là hình thức nghiên cứu mà nó tôn vinh. Các nhà kinh tế học thường bị gắn liền với suy nghĩ là những nhà lý thuyết suông, ngồi vẽ đường cung - cầu trên bảng đen mà quên đi thực tế phức tạp của thế giới ngoài kia. Nhưng những thập niên gần đây, người ta đã chứng kiến một sự thay đổi lớn, theo hướng phân tích dữ liệu thực nghiệm, vấn đề nguyên nhân và kết quả trở thành trọng tâm của quá trình này.
Banerjee, Duflo và Kremer đã giúp đi tiên phong một trong những kỹ thuật thực nghiệm mới quan trọng nhất - đó là các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Thay vì nghiên cứu tác động mà các chương trình chính phủ đem lại, họ đi thực tế tới các nước nghèo đói và tạo ra các chương trình. Kiểu nghiên cứu này đang dần trở nên phổ biến; đầu những năm 2000, chỉ có vài công trình thực nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trong lĩnh vực kinh tế học được công bố mỗi năm, nhưng con số đó hiện đã lên đến hàng trăm.
Xu thế này đã vấp phải một số quan điểm chỉ trích, cho rằng nghiên cứu thực nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng có xu hướng chứa đựng khả năng thống kê thấp, mà nếu không có sự hiểu biết chắc chắn về việc tại sao các chương trình đang được nghiên cứu có những tác động như thế, sẽ rất khó để áp dụng các bài học rút ra ở những nơi khác.
Nhưng Banerjee, Duflo và Kremer nhận thức được những vấn đề này, và đã dành phần lớn nghiên cứu của họ để giải quyết chúng. Họ đã nghiên cứu cả việc cải thiện độ tin cậy của các đánh giá thống kê lẫn “đo đếm” các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để chúng vẫn đúng trong bối cảnh, quy mô rộng hơn.
Banerjee và Kremer cũng đã đưa ra các lý thuyết tại sao các chính phủ không thực thi được các chính sách tốt và tại sao các nước nghèo không phát triển được, giúp giải quyết câu hỏi vì sao một số chương trình có hiệu quả còn số khác lại không.
Esther Duflo cùng các nông dân trồng cà phê ở Rwanda. Ảnh: Newyorker |
Trong một bài phát biểu năm 2017, Duflo đã phản bác lại những người chỉ trích mình, thông qua việc định nghĩa lại toàn bộ suy nghĩ về những điều mà các nhà kinh tế học nên làm. Bà đã so sánh các nhà kinh tế phát triển với thợ sửa ống nước, giải quyết những vấn đề của thế giới thực trong các tình huống cụ thể thay vì tìm kiếm những cái nhìn phổ quát. Bà lập luận, vì những vấn đề đói nghèo ở những địa điểm khác nhau chứa đựng những khác biệt lớn, các nhà kinh tế học nên xắn tay áo vào công việc thực tiễn và tìm ra các giải pháp cụ thể cho mỗi trường hợp.
Đây sẽ là một sự thay đổi ngoạn mục đối với một lĩnh vực học thuật thường “ẩn dật”. Nhưng Duflo, nhà kinh tế học trẻ nhất trong số những người thắng giải Nobel khi mới 46 tuổi, có thể chứng minh được đâu là nơi nghề nghiệp này đang hướng tới - đó là kinh tế học khiêm tốn, thực tế, thực nghiệm và luôn gắn với những vấn đề thực sự của con người, nhất là những người nghèo nhất trong xã hội.