Hắt hiu ở bản tái định cư vắng người trẻ

Công Kiên 24/10/2019 10:33

(Baonghean.vn) - So với 10 năm trước, khi mới chuyển về khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), bản Kim Hồng đã có những đồi keo xanh mướt và nhiều ngôi nhà xây mới. Nhưng ở bản bây giờ đa phần là người già và trẻ nhỏ, không ít em nhỏ đang sống trong cảnh thiếu vắng tình yêu thương của các bậc sinh thành.

Ông 80 tuổi nuôi cháu khuyết tật

Sau trận mưa lớn kéo dài, vườn ngô sau nhà bị gãy đổ, ông Lô Văn Phong (SN 1940) ở bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) nhẫn nại ra dựng lại từng cây một. Cây ngô đã trổ bắp, dáng gầy teo, chỉ cần hơi mạnh tay là gãy lìa, mỗi lần như thế ông Phong đau đớn như đứt từng khúc ruột. “Chừng này ngô tuy không nhiều nhưng 3 ông cháu có thể ăn được cả tuần, giờ gãy cây nào là tiếc cây đó, vì mất công chăm sóc cả mấy tháng trời” - ông Phong nói.

Theo sau ông Phong là cậu bé thân hình đen nhẻm, thấy người lạ là la hét rồi chạy trốn. Ông Phong cho biết: “Nó là cháu nội, tên là Đông, bố mẹ giờ mỗi người một nơi, nó và chị gái ở với tôi. Đông không biết nói, chỉ ú ớ và la hét nên năm nay lên 6 tuổi vẫn không thể đi học, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên ông”.

Vợ của ông Lô Văn Phong đã mất từ lâu, 4 người con của ông cũng đã lấy chồng, lấy vợ. Con trai út là Lô Văn Tuyến khá long đong, lấy vợ có 3 con nhưng cuộc sống không tâm đầu ý hợp đành chịu cảnh mỗi người một ngả. Vợ anh Tuyến nhận nuôi con gái đầu là Lô Tiểu Ly, hiện đang gửi nhờ ông bà ngoại. Còn anh Tuyến nhận nuôi con gái thứ hai là Lô Thị Khạt và con trai út Lô Duy Đông. Đất sản xuất quá ít, không có việc làm, anh Tuyến đành gửi 2 con nhỏ cho ông nội trông giữ để vào miền Nam làm công nhân.

Ông Phong nay đã cận kề tuổi 80, đi lại đã khó khăn chứ chưa nói đến làm lụng, hàng tháng 3 ông cháu chỉ biết nhìn vào số tiền vài triệu đồng anh Tuyến gửi về để trang trải cho việc ăn uống, thuốc thang và học hành. Ông Phong chia sẻ: “Già rồi, ăn thế nào cũng được, chỉ thương 2 đứa nhỏ, nhất là thằng Đông phải chịu thiệt thòi đủ đường. Đêm nào tôi cũng ôm nó vào lòng, có khi nó tỉnh dậy rồi òa khóc khiến tôi cũng không thể cầm lòng”.

Vừa cắm xong nồi cơm bữa trưa, ông Lô Văn Phong lại tiếp tục ra vườn dựng lại những cây ngô bị đổ. Thân hình gầy gò, dáng đi khập khiễng, lưng còng xuống vì gánh nặng thời gian, nét mặt chất chứa bao nỗi ưu phiền. Ra ngoài đường chúng tôi vẫn nghe ông buông một tiếng thở dài não nuột.

Khi ông bà làm... bảo mẫu

Anh Quang Văn Phăn - Trưởng bản Kim Hồng cho hay, ở đây trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà nội, ngoại trông giữ không phải là hiếm. Như để chứng minh, anh dẫn chúng tôi rẽ vào ngôi nhà nằm bên mép đồi, có một người phụ nữ khoảng 60 tuổi đang cuốc đất sau vườn.

Bà là Kha Thị Bình, hiện vợ chồng bà đang nuôi 3 cháu nhỏ ăn học, vì bố mẹ các cháu đang làm ăn ở tít tận Đồng Nai. Ba cháu nội của bà Bình, đứa lớn nhất vừa lên lớp 2, đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi, chưa qua thời kỳ quấy khóc, đã thế lại đau ốm thường xuyên.

Con trai và con dâu của bà Bình thi thoảng mới gửi về được vài ba triệu đồng, chừng ấy không thể đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu của cả nhà. Vì thế, đã có tuổi nhưng ông bà vẫn phải thay nhau lên đồi đào hố trồng keo, ra ruộng cấy lúa để các cháu có thêm bát cơm, miếng thịt.

Bà chia sẻ: “Bố mẹ chúng nó bảo trong đó cũng khó kiếm tiền, tiết kiệm lắm mới có vài ba triệu gửi về nên phải ăn uống, chi tiêu dè sẻn. Không đành ngồi nhìn các cháu bị đói ăn, thiếu mặc, vợ chồng tôi hàng ngày vẫn nai lưng làm cỏ, nuôi thêm gà, lợn”. Cũng theo bà Bình, thương nhất là lúc cháu nhỏ lên cơn sốt, miệng khát sữa, tay run lẩy bẩy, đưa mắt nhìn quanh nhà như muốn tìm hình bóng của bố, mẹ...

Vợ chồng ông Vi Văn Nhàn hiện đang chăm sóc 2 cháu nội.

Vợ chồng ông Vi Văn Nhàn hiện cũng đang chăm sóc 2 cháu nội là Vi Hoàng Nam (SN 2011) và Vi Hoàng Báo (SN 2013). Bố mẹ của 2 cháu là Vi Văn Cảnh và Lương Thị May vào miền Nam kiếm sống từ mấy năm trước, khi con trai thứ hai mới chập chững tập đi. Cũng từ đó, 2 cậu bé được ông bà nội nuôi nấng, lo từng bữa ăn, giấc ngủ và chăm bẵm những lúc ốm đau hay trái gió trở trời.

“Trẻ con không thể tránh khỏi đau ốm, quấy khóc, có những lúc thằng Báo khóc và gọi mẹ cả đêm, dỗ cách nào cũng không chịu nín. Có lần giữa đêm, Báo sốt cao, người mệt lả, vợ chồng tôi phải để anh nó ở nhà một mình để chở Báo đến trạm y tế” - ông Nhàn chia sẻ.

Nghe nói công việc, thu nhập của con trai và con dâu cũng phập phù nên mỗi tháng chỉ gửi về khoảng 2 triệu đồng để lo cho các cháu ăn học. Hàng ngày, vừa trông cháu và đưa, đón cháu đến lớp, bà còn phải lo làm ruộng, vườn; còn ông Nhàn đi khai thác keo thuê để có thu nhập và chi tiêu cho cả 4 người.

Bà Quang Thị Duyên (vợ ông Vi Văn Nhàn)

Tương tự, gia đình ông Vi Văn Sướng có con gái và con rể đang làm ăn ở vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), 2 cháu Lô Thanh Thuận (SN 2015) và Lô Thanh Thịnh (SN 2017) gửi ông bà ngoại chăm sóc. Thi thoảng bố mẹ chúng mới về thăm và đưa một ít tiền, còn lại phó mặc cho ông bà lo liệu. Nuôi và chăm sóc những đứa trẻ mới vài ba tuổi không bao giờ là việc dễ dàng, nhưng vì thương con, thương cháu, vợ chồng ông Sướng chẳng quản ngại điều gì, cho dù có những lúc vô cùng vất vả.

Bản Kim Hồng có 109 hộ đồng bào dân tộc Thái, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người đi xa tìm kế sinh nhai, gửi con cho ông bà chăm sóc. Trưởng bản Quang Văn Phăn nhẩm tính hiện có khoảng 15 cặp vợ chồng đi làm ăn xa, chưa kể những hộ có bố hoặc mẹ vắng nhà và những người đi, về một cách thất thường. Do vậy, nhiều hộ ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ, có lúc bản làng vắng vẻ, đìu hiu.

“Thiếu đất sản xuất, thu nhập không ổn định nên nhiều người ở bản Kim Hồng phải gửi con cho ông bà để đi làm ăn xa. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo thêm nhiều việc làm, giúp bà con ổn định cuộc sống để những đứa trẻ bớt thiệt thòi vì không phải xa cả bố và mẹ”.

Ông Lương Duy Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm


Công Kiên