Nhiều trường học đạt chuẩn nhưng chưa 'chuẩn'

Mai Hoa 22/10/2019 17:57

(Baonghean.vn) - Nhiều trường học ở huyện Quế Phong (Nghệ An), mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sơ sài, chưa đáp ứng quy định của trường chuẩn.

Ngày 22/10, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh có cuộc giám sát tại huyện Quế Phong theo chương trình giám sát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Ảnh: Mai Hoa
Ngày 22/10, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh có cuộc giám sát tại huyện Quế Phong theo chương trình giám sát công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn. Ảnh: Mai Hoa

Đạt chuẩn nhưng chưa “chuẩn”

Giám sát tại Trường Tiểu học Kim Sơn, đoàn công tác nhận thấy, trường có quy mô 585 học sinh, nhưng khu vực vệ sinh thiếu thốn và chưa đảm bảo an toàn vệ sinh.

Tại Trường Mầm non Kim Sơn, khảo sát một số phòng học, khu vực vệ sinh cũng không đảm bảo, hệ thống thoát nước thải cũng chưa đúng quy chuẩn

Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Kim Sơn, thời điểm được thẩm định công nhận lại mức độ I vào năm 2016 đang thiếu về diện tích, sân chơi bãi tập và hiện tại phòng học tiếng Anh, phòng học vi tính cũng chưa đạt chuẩn.

Cũng được thẩm định công nhận lại chuẩn mức độ II, nhưng Trường Mầm non Kim Sơn chưa có phòng ăn, phòng ngủ riêng mà còn chung với phòng sinh hoạt chung; khu bếp và nơi chia thức ăn cho trẻ chật hẹp…

Đoàn khảo sát phòng học vi tính tại Trường tiểu học Kim Sơn chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Mai Hoa
Phòng học vi tính tại Trường Tiểu học Kim Sơn chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Mai Hoa

Đối với Trường THCS Kim Sơn, trong báo cáo của UBND huyện Quế Phong, trường này đang nằm trong danh sách số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện. Dù trường đã được công nhận đạt chuẩn năm 2009 và theo quy định 5 năm phải tiến hành thẩm định để công nhận lại, nhưng vẫn chưa được thẩm định để công nhận lại.

Thực tiễn, hiện tại Trường THCS Kim Sơn mới chuyển sang cơ sở mới từ tiếp nhận cơ sở vật chất của Trung tâm dạy nghề của huyện, nên phòng thư viện, các phòng thí nghiệm Hóa, Lý, Sinh cũng chưa đảm bảo, phòng học tiếng Anh và phòng học vi tính chật hẹp.

Tại xã Đồng Văn, ở các Trường Tiểu học Đồng Văn I, Trường Tiểu học Đồng Văn II và Trường Mầm non Đồng Văn, mặc dù được công nhận đạt chuẩn nhưng so với tiêu chí về cơ sở vật chất thì đang còn thiếu và xuống cấp.

Môt giờ học vận động ngoài trời của các cháu Trường mầm non Kim Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Một giờ học vận động ngoài trời của các cháu Trường Mầm non Kim Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Cần giải pháp và lộ trình nâng chất lượng chuẩn

Giải trình của lãnh đạo các nhà trường và lãnh đạo UBND huyện Quế Phong với đoàn giám sát có nêu ra những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng trường chuẩn cũng như giữ chuẩn.

Nguyên nhân là nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường hạn hẹp, do có một số chương trình bị cắt giảm, trong khi đó nguồn lực của địa phương và xã hội hóa khó khăn.

Bên cạnh quan tâm đến chất lượng trường chuẩn, tại cuộc làm việc với UBND huyện vào buổi chiều, các thành viên đoàn giám sát cũng đặt ra băn khoăn, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời hạn công nhận trường chuẩn trong vòng 5 năm, kể từ ngày công nhận trường đạt chuẩn và quá thời hạn đó nếu không được thẩm định và công nhận lại thì mặc nhiên là hết chuẩn; tuy nhiên trong danh sách trường tổng số trường đạt chuẩn của huyện đang còn liệt kê các trường này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong
Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Trương Thị Tuyết Mai thừa nhận những bất cập, tồn tại trong xây dựng trường chuẩn ở địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Toàn huyện Quế Phong đã có 27/48 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 57,44%; trong đó có 9 trường đã quá thời hạn được công nhận trường chuẩn quốc gia.

Kết luận tại cuộc làm việc, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực trong công tác giáo dục nói chung và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói riêng của huyện nghèo 30a; Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường cũng nhấn mạnh, 2 vấn đề cốt lõi trong xây dựng trường chuẩn, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên để nâng cao để phục vụ dạy học.

Vì vậy, huyện cần chú trọng và tập trung cao hơn trong chỉ đạo để nâng cao chất lượng 2 nội dung này ở các trường học trên địa bàn, nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên trong các nhà trường; gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, hạn chế học sinh bỏ học.

Huyện cũng cần chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các trường học, đảm bảo dân chủ, minh bạch.

T
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị huyện cần có lộ trình nâng chuẩn, tránh trượt chuẩn ở các trường học. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn, huyện cũng cần quan tâm xem xét lại các trường đạt chuẩn hết thời hạn và có lộ trình nâng chất lượng các tiêu chuẩn, tránh trượt chuẩn khi thẩm định công nhận lại, nhất là trong điều kiện tiêu chuẩn ngày càng nâng cao.

Mai Hoa