Cuộc 'tấn công quyến rũ' từ nước Nga

Lâm Vy 26/10/2019 06:34

(Baonghean.vn) - Sẽ không quá lời chút nào khi cho rằng, chỉ trong 1 tuần qua, nước Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin trở thành “ngôi sao” sáng trên sân khấu chính trị quốc tế.

Từ “bàn cờ” chính trị Syria đến những thỏa thuận kinh tế, quân sự giá trị với châu Phi, ở đâu Nga cũng chứng tỏ tầm ảnh hưởng theo cách riêng, mà báo chí quốc tế gọi là một “cuộc tấn công quyến rũ”.

Đúng nơi, đúng thời điểm

Không phải ngẫu nhiên, hàng loạt sự kiện ngoại giao gần đây của Nga đều liên quan đến Trung Đông, châu Phi. Sau khi thăm Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hồi tuần trước, tuần này Tổng thống Nha V.Putin tiếp đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về tình hình Syria, cùng Tổng thống Ai Cập tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần đầu tiên bên bờ Biển Đen.

Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan (trái) bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận về Syria. Ảnh: Reuters.

Những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh vai trò địa chính trị của các cường quốc ở Trung Đông đang có sự thay đổi hết sức nhanh chóng. Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và “làm căng” với Tehran một hồi, Mỹ dường như không còn mấy bận tâm đến những nỗi lo của đồng minh Vùng Vịnh.

Tổng thống Donald Trump đang bận rộn với chiến dịch tái tranh cử và cuộc đối đầu với Trung Quốc - điều ông cho là ưu tiên hơn cả - khiến các vấn đề ở Trung Đông dường như bị bỏ ngỏ.

Việc Mỹ chính thức “rút chân” ra khỏi cuộc chiến ở Syria trong một tình huống gây tranh cãi ở chính nội bộ nước này cũng như những đồng minh của Washington phần nào cho thấy chính sách đối ngoại của ông Trump thời điểm này.

Sự rút lui của Mỹ đồng nghĩa với việc các quốc gia khác trong liên minh “chống IS” hiện diện tại Syria cũng sẽ nhanh chóng rời đi. Không ai biết trước chính sách của nước Mỹ với Trung Đông sau cuộc bầu cử năm tới sẽ ra sao, chỉ biết rằng, một khi Mỹ rút khỏi Syria, “cuộc chơi” ở đây vốn đang đi đến hồi kết, sẽ tạo cơ hội cho Nga cầm trịch.

Tất nhiên, Moscow sẽ không thể bỏ qua thời cơ hiếm có như vậy để sắp xếp lại cục diện Syria, tạo dựng một vị thế của một nhà trung gian hòa giải có uy tín ở khu vực này.

Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến dịch tấn công người Kurd của Ankara tại miền Bắc Syria rõ ràng đã hiện thực hóa ý định này. Thỏa thuận đó giúp Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lùi người Kurd ở biên giới, tạo “vùng đệm an toàn” như nước này mong muốn; giúp chính quyền Syria có cơ hội hiện diện ở phần còn lại của biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà người Kurd trước kia đã ra sức ngăn cản.

Người Kurd, tất nhiên, cũng không bị lãng quên. Theo thỏa thuận, chừng nào người Kurd còn cùng tồn tại với chính quyền của Tổng thống Assad, Nga sẽ không giúp ông Assad gây áp lực với họ, không để Thổ Nhĩ Kỳ “o ép” bằng các cuộc tấn công mới.

Rõ ràng thỏa thuận “cùng có lợi” này đã xây dựng hình ảnh nước Nga là một nhà trung gian hòa giải có uy tín và tiếng nói. Nói cách khác, Nga muốn các quốc gia khác công nhận vị thế của mình là một cường quốc và tin rằng việc thể hiện vai trò ngoại giao Trung Đông có thể giúp nước này đạt được điều đó.

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi tại Sochi (Nga) ngày 23-24/10. Ảnh Reuters . Ảnh: Newsweek.

Đồng thời với việc tạo dựng vị thế ở Trung Đông, Tổng thống Vladimir Putin cũng hướng sự chú ý tới châu Phi nhằm nâng cao hồ sơ của Moscow trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng địa chính trị.

Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần đầu tiên được tổ chức tại Nga là minh chứng rõ nét cho sự trở lại của “Gấu Nga” tại “lục địa đen” - khu vực đang là đích đến cạnh tranh chiến lược của nhiều cường quốc thế giới.

Một sự kiện mang tính biểu tượng cao bởi con số hơn 40 nguyên thủ quốc gia dự thượng đỉnh vượt xa số những vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga tại Bắc Phi và Tây Phi.

Nghệ thuật tạo ảnh hưởng của Putin

Qua thỏa thuận Nga - Thổ về Syria hay thượng đỉnh với các nước châu Phi, phải khẳng định rằng Nga đã thành công ngoài mong đợi trong việc xây dựng vị thế và tầm ảnh hưởng bằng một cái giá “rẻ” nhất nhưng sẽ bền vững nhất.

Nói như vậy là bởi nước Nga không cần tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD như Mỹ đã làm ở Iraq và Afghanistan nhưng nay vẫn có một sự hiện diện vững chắc ở Syria.

Chỉ cần nhìn vào bản thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy những nguyên tắc riêng mà Tổng thống Putin muốn cả thế giới biết đến Nga với vai trò quốc tế.

Thứ nhất, không tìm cách thay đổi chế độ của một quốc gia từ bên ngoài.

Thứ hai, có thể làm trung gian một cách hoàn hảo khi đưa ra những quyền lợi làm hài lòng tất cả các bên.

Thứ ba, không đẩy một bên nào vào “bước đường cùng” để đạt được lợi ích của riêng mình...

Chính những điều này đang củng cố uy tín của Nga ở khu vực, không chỉ với Syria, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả với các đồng minh của Mỹ ở Vùng Vịnh.

Về mặt khách quan, những diễn biến ở Syria vừa qua chẳng có mối liên quan gì với việc Nga tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với các nước châu Phi nhưng thực tế lại có một sự “kết nối” không thể bỏ qua.

Cách ông Putin hành động ở Syria dường như là thông điệp ông muốn truyền tải với các nhà lãnh đạo của “lục địa đen” về nguyên tắc hợp tác của nước Nga. Chính vì “đi sau” Mỹ và Trung Quốc, nên những nguyên tắc này càng có ý nghĩa quan trọng để Nga cạnh tranh với các đối thủ khi trở lại châu Phi.

Như tờ Newsweek của Mỹ phân tích, điện Kremlin đang tìm cách xây dựng hình ảnh Nga như một đối tác gần gũi và thấu hiểu hơn đối với các quốc gia châu Phi so với Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc đua địa chiến lược tại châu Phi giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga ngày càng nóng bỏng. Ảnh: allafrica.com
Tờ Newsweek của Mỹ phân tích, điện Kremlin đang tìm cách xây dựng hình ảnh Nga như một đối tác gần gũi và thấu hiểu hơn đối với các quốc gia châu Phi so với Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: allafrica.com

“Không biết Nga có thể chi bao nhiêu tiền, nhưng chắc chắn sẽ kèm với ít điều kiện hơn. Đây là cách tiếp cận bền vững.” Bản thân Nga cũng không giấu diếm ý định “cạnh tranh” tại châu Phi nhưng theo Moscow đó là “cạnh tranh văn minh”, theo đó phản đối cách tiếp cận của “một số nước phương Tây” với chính sách cai trị thực dân, khai thác thuộc địa, tống tiền, đe dọa các quốc gia châu Phi có chủ quyền.

Trước mắt, các hợp đồng hợp tác của Nga với châu Phi chủ yếu trong lĩnh vực thương mại quốc phòng, hợp tác tình báo và an ninh trên cơ sở “cùng có lợi”.

Trong bối cảnh, các mối quan hệ quốc tế hiện nay dường như ở tình trạng thiếu niềm tin, thừa nghi ngại, cách tiếp cận khéo léo và linh hoạt của Tổng thống Putin với các nước châu Phi được cho là đang đi đúng hướng, giúp Nga xây dựng uy tín và niềm tin trên trường quốc tế./.

Lâm Vy