Baghdadi chết, IS liệu có hồi sinh?

Thanh Huyền 29/10/2019 06:38

(Baonghean) - Nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump có thể tự hào sau khi tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố IS Baghdadi, nhưng cũng giống như khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiêu diệt trùm al-Qaeda Osama bin Laden, sự kiện này không đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến chống khủng bố.

NGƯỜI KHEN, KẺ CHÊ

“Thủ lĩnh khủng bố số 1 thế giới đã chết”, thông báo bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được phát trực tiếp từ Nhà Trắng sáng 27/10 (theo giờ địa phương) khiến không ít nghị sĩ Mỹ bị bất ngờ.

Đây là chiến dịch bí mật do đích thân ông Trump chỉ đạo, thậm chí ông còn không thông báo cuộc công kích cho Quốc hội. “Hắn chạy tới cuối đường hầm, khi chó của chúng tôi rượt đuổi hắn. Hắn kích nổ chiếc áo, tự sát cùng 3 con. Thi thể của hắn nổ tung thành nhiều mảnh”.

Cận cảnh hang ổ nơi thủ lĩnh IS Baghdadi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt

Cách ông Trump mô tả một cách chi tiết về chiến dịch tấn công sào huyệt IS và cái chết của al-Baghdadi cho thấy ông đặt sự quan tâm đặc biệt với chiến dịch quân sự này. Ông Trump ca ngợi đây là một thành tựu lớn hơn rất nhiều so với chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Al Queda Osama bin Laden của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Trump ngồi cùng các quan chức chính quyền và quân sự trong Phòng Tình huống để theo dõi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS. Ảnh: Nhà Trắng
Tổng thống Trump ngồi cùng các quan chức chính quyền và quân sự trong Phòng Tình huống để theo dõi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS. Ảnh: Nhà Trắng

Cái chết của Al-Baghdadi mang ý nghĩa biểu tượng lớn, một đòn quyết định vào nhóm khủng bố vốn đang suy yếu.

Al-Baghdadi ít xuất đầu lộ diện kể từ sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng hồi năm 2014, thế nhưng cái tên này đã trở thành nỗi ám ảnh cho người dân các nước Trung Đông và cả thế giới với những tội ác ghê rợn của chúng.

Tên này là “bộ não” chỉ huy những vụ tấn công tàn độc khét tiếng biến nhóm trở thành tổ chức cực đoan với quyền lực và lãnh thổ kiểm soát ở quy mô chưa từng có tiền lệ. Sự xuất hiện của IS đã gây ra cuộc di cư lớn nhất sau Thế chiến thứ hai và một cuộc chiến ồn ào nhằm ngăn chặn chúng.

Hàng ngàn người đã bị chết, rất nhiều vụ tấn công táo bạo trên khắp thế giới mang hình dáng IS đã xảy ra. Vì thế, cái chết của Al-Baghdadi mang ý nghĩa biểu tượng lớn, một đòn quyết định vào nhóm khủng bố vốn đang suy yếu.

Với nước Mỹ, việc tiêu diệt al-Baghdadi có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội nước này sau khi phát động chiến dịch ở Syria và Iraq.

Cái chết của al-Baghdadi đến vào thời điểm không thể tốt hơn cho Tổng thống Donald Trump: tạo lợi thế cho ông trong cuộc đua tái tranh cử Tổng thống vào năm sau, đồng thời “làm giảm sự tập trung” vào những cáo buộc luận tội ông cũng như những chỉ trích về quyết định rút quân khỏi Syria, bỏ mặc người Kurd của ông chủ Nhà Trắng.

Hình ảnh Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trên một đoạn videp của IS ngày 29/4/2019. Ảnh: AFP
Hình ảnh Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trên một đoạn video của IS ngày 29/4/2019. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, thông tin này dường như không mang lại tác động chính trị như nhiều người dự đoán. Trong khi Tổng thống Donald Trump hết lời ca ngợi về chiến dịch, hầu hết các nghị sĩ Đảng Dân chủ lại tỏ ra khó chịu trước hành động “lẳng lặng tấn công” của Nhà Trắng.

Các ý kiến cho rằng Tổng thống Trump đã phá vỡ truyền thống khi không báo cáo sơ lược về cuộc đột kích đến các nhà lãnh đạo cao nhất của Quốc hội Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trong một tuyên bố ca ngợi lực lượng vũ trang kèm theo nhận xét không mấy hài lòng: “Hạ viện phải được thông báo về cuộc đột kích này, về cách thức quản lý và chiến lược tổng thể của khu vực, chứ không phải là người Nga”.

Một số ý kiến khác cũng không đánh giá cao khi thủ lĩnh IS bị tiêu diệt và cho rằng đây chỉ là màn “lập công hình thức” còn thực tế, ông Trump không có chiến lược mới nào cho khu vực Trung Đông.

Khu vực được cho là nơi thủ lĩnh IS bị tiêu diệt. Ảnh AFP
Khu vực được cho là nơi thủ lĩnh IS bị tiêu diệt. Ảnh AFP

MỐI LO CÒN ĐÓ

Trên thế giới, thông tin về việc trùm IS bị tiêu diệt đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nước, nhưng kèm theo đó là nỗi lo lắng về sự hồi sinh của lực lượng thánh chiến này.

Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở bởi Baghdadi bị tiêu diệt không khiến IS lâm vào tình cảnh “rắn mất đầu”. IS ngay lập tức chỉ định Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari kế nhiệm al-Baghdadi làm thủ lĩnh mới.

IS chỉ định Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari làm thủ lĩnh mới. Ảnh: Newsweek

Điều đó cho thấy, nội bộ lực lượng này đã có sự chuẩn bị từ trước. Tờ Newsweek dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết, trước khi chết, vai trò lãnh đạo tổ chức IS của Baghdadi chỉ còn mang tính biểu tượng. “Tất cả những gì Baghdadi làm chỉ là nói ‘Có’ hoặc ‘Không’ chứ không liên quan tới việc lập kế hoạch”.

Cái chết của thủ lĩnh IS có thể sẽ kích động những hành động trả thù ở khu vực cũng như các nước châu Âu, hay Mỹ.

Không ai, cả chính quyền Mỹ lẫn các nhà phê bình, tin rằng cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã bị xóa sổ chỉ vì al-Baghdadi đã chết. Thậm chí đã có những cảnh báo rằng, cái chết của thủ lĩnh IS có thể sẽ kích động những hành động trả thù ở khu vực cũng như các nước châu Âu, hay Mỹ.

Gần đây, IS không còn phô trương thanh thế bằng các vụ tấn công gây chấn động, thay vào đó chúng chuyển sang chiến thuật du kích với các vụ tấn công nhỏ lẻ ở Iraq, Syria, Afghanistan. Chúng hoàn toàn có thể sử dụng “chiêu” này để tấn công trả đũa Mỹ và các nước trong liên minh chống IS.

Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn. Những tay súng nước ngoài trà trộn vào dòng người tị nạn và trở về các quốc gia châu Âu, trở thành những “con sói đơn độc” vô cùng nguy hiểm.

Nhiều thanh niên trẻ bị cực đoan hóa tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Đông Nam Á, cũng sẵn sàng “ tiếp sức” cho các “phần tử thánh chiến” theo lời kêu gọi của IS.

Các tay súng IS tại tỉnh Anbar, Iraq, ngày 17/3/2014. (Ảnh: AFP/TTXVN
Các tay súng IS tại tỉnh Anbar, Iraq, ngày 17/3/2014. Ảnh: AFP/TTXVN

Cái chết của thủ lĩnh Al-Queda Bin-laden năm 2011 và sự xuất hiện của IS năm 2014 cho thấy rõ, các lực lượng cực đoan dễ dàng “biến tướng” và trỗi dậy một khi có cơ hội. Nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi vẫn luôn trong tình trạng bất ổn và nghèo đói, là cơ hội tốt cho IS hồi sinh.

Ngoài ra, việc Mỹ rút quân khỏi Syria trên thực tế cũng làm suy yếu những nỗ lực chống IS trên thực địa. 18.000 tay súng IS vẫn đang hoạt động ở Syria và Iraq (theo số liệu của Bộ quốc phòng Mỹ) vẫn có thể trở thành mối đe dọa lớn đối an ninh ở khu vực dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh mới Al-Afari.

Những điều này cho thấy, “bóng ma” IS và các lực lượng khủng bố khác vẫn còn là ám ảnh dù các vùng đất do IS nắm giữ đã được giải phóng và thủ lĩnh của IS bị tiêu diệt.

Nói như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cái chết của al-Baghdadi là một đòn nặng nề đối với IS, nhưng cũng chỉ là một phần trong cuộc chiến chống khủng bố và quốc tế cần tiếp tục phối hợp để đánh bại đến cùng lực lượng cực đoan này.

Thanh Huyền