Đoạn kết sau 1 thập kỷ đi tìm con gái nuôi của người đàn ông nhân hậu ở rẻo cao Nghệ An
(Baonghean.vn) - Mẹ bỏ đi Trung Quốc, bố lâm bệnh rồi qua đời khiến bé L. bơ vơ giữa núi rừng. Thương đứa cháu tội nghiệp, anh Thường đưa về cưu mang. Nhưng một ngày, anh sửng sốt khi không thấy con gái nuôi 8 tuổi đâu cả. Hành trình 10 năm tìm con của anh bắt đầu từ đó.
Tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, em Lương Thị L. (SN 2000), có hoàn cảnh éo le từ nhỏ. Bố em đau ốm thường xuyên nên cuộc sống gia đình khổ cực, mẹ của em cũng dứt áo ra đi, vượt biên sang Trung Quốc. Cảm thương số phận của cháu bé, anh Cụt Văn Thường (SN 1970) đã nhận em L. về làm con nuôi.
Dù không máu mủ ruột rà nhưng anh luôn dành cho đứa con gái nhỏ tất cả tình thương. Cháu L. được vợ chồng anh Thường tạo điều kiện đến trường như con gái đẻ của mình. Cho đến một ngày cuối tháng 5/2009, sau khi đi làm rẫy về, anh không thấy con gái nuôi của mình đâu cả. Lo lắng, người đàn ông này vội vã tìm con. Hễ nghe tin báo ở đâu là anh vội bắt xe đến gặp. Anh còn in nhiều hình ảnh con gái để dán khắp bến xe, khu vực cửa khẩu nhưng đều vô vọng.
Chán nản, anh quay về nhà, nhưng không thôi dò la tin tức con gái và hễ ở đâu có thông tin về con gái anh lại sắp xếp công việc lên đường tìm con. Cho đến ngày 1/4/2019, anh bất ngờ khi được nhìn thấy cô con gái nuôi của mình trở về nhà bằng xương bằng thịt sau thời gian dài mất tích.
Được gặp lại đứa con đã thất lạc 10 năm khiến anh mừng rơi nước mắt. Lúc bị “mất tích”, con gái của anh chỉ là cô bé 8 tuổi đang học lớp 3, nhưng khi trở về, em đã trở thành thiếu nữ 18 tuổi. Chỉ có điều do phải lăn lội ngoài đời sớm, sống khổ cực nơi xứ người khiến em già hơn so với tuổi của mình.
Hai bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ |
Được đoàn tụ cùng gia đình bố nuôi, em đã kể lại toàn bộ quá trình bị bán và làm vợ xứ người từ lúc 8 tuổi của mình.
Theo lời kể của cô bé, cuối tháng 8/2009, trong một lần đến chơi nhà bạn học, em gặp bố của bạn tên là Moong Văn Long (SN 1973). Biết mẹ cháu L. sang Trung Quốc từ lâu nên Long hỏi “muốn sang Trung Quốc gặp mẹ không?”. Tin thật nên em đồng ý. Tối khuya cùng ngày, em được Long chở bằng xe máy đến cầu Khe Tang, thuộc xã Chiêu Lưu rồi giao cho một người phụ nữ (sau này mới xác định là Lin Thị Tuyên (SN 1977), trú xã Chiêu Lưu. Người đàn bà này sau đó đã đưa cháu bé sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tại xứ người, cô bé tiếp tục được giao cho một người đàn bà khác trước khi bị bán cho một người đàn ông bản địa lấy làm vợ.
Phải làm vợ lúc mới hơn 8 tuổi khiến em chịu nhiều khổ cực. Không những bị đánh đập, em còn bị bắt làm việc cực nhọc, bị gia đình chồng quản thúc chặt chẽ. Nhiều lần em muốn bỏ trốn nhưng vì không biết tiếng, tiền bạc lại không có nên đành chấp nhận ở lại. Dù vậy, cô bé luôn nuôi hy vọng sẽ trốn khỏi nơi này để đoàn tụ cùng gia đình. Mong ước của em sau đó đã được một số đồng hương giúp đỡ. Khi đã rõ đường đi, nước bước, cô bé quyết định trốn về Việt Nam, kết thúc những chuỗi ngày tủi nhục, khổ cực nơi xứ người.
Sau khi nghe con gái kể lại sự việc, anh Thường đã đến cơ quan công an trình báo. Lin Thị Tuyên và Moong Văn Long bị bắt ngay sau đó để điều tra về hành vi Mua bán trẻ em. Theo cơ quan điều tra, thời điểm bị bán sang xứ người, em Lương Thị L. mới 8 tuổi 9 tháng 24 ngày.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo Lin Thị Tuyên và Moong Văn Long về tội “Mua bán trẻ em” diễn ra tại TAND tỉnh Nghệ An vào một ngày cuối tháng 10. Tại phiên tòa, hai bị cáo thừa nhận mọi hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Cả hai khai vì hám lợi nên đã tìm cách bán cháu bé sang xứ người dù biết rõ cháu L. “còn ít tuổi”.
Ông Cụt Văn Thường kể lại hành trình 10 năm tìm con của mình. Ảnh: Trần Vũ |
Bị cáo Tuyên khai nhận, khi sang Trung Quốc đã liên hệ với người phụ nữ tên Ly. Người này đã trả cho Tuyên 25 triệu đồng và hứa khi nào bán người xong sẽ cho thêm 10 triệu đồng. Sau khi trở về Việt Nam, Tuyên đưa cho Long 20 triệu đồng, chi tiêu cá nhân hết 5 triệu đồng.
Tại phiên tòa, do Lương Thị L. đang đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương nên anh Thường là người đại diện hợp pháp cho bị hại. Người cha này đã kể lại hành trình tìm con trong cơ cực của mình. “Bị bán từ khi còn nhỏ tuổi nên ngày mới về con gái tôi bị khủng hoảng tinh thần. Gia đình phải động viên, an ủi để cháu quên đi nỗi đau, bắt đầu lại cuộc sống. Cũng may vì chưa có con với người đàn ông ở Trung Quốc nên cháu không bị ràng buộc gì”, anh cho biết.
Sau một thời gian sinh sống tại địa phương, con gái anh đã xin phép gia đình cho đi làm ăn, kiếm tiền. Dù thương con, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và muốn L. có đồng ra, đồng vào, vợ chồng anh Thường đành phải đồng ý. Hiện, cháu L. đang làm công nhân cho một công ty ở Hải Phòng. Hàng ngày, anh gọi điện, hỏi thăm, động viên con tránh xa lời dỗ ngon ngọt của những kẻ lừa đảo.
Về phần hai bị cáo với tội “Mua bán trẻ em”, Lin Thị Tuyên và Moong Văn Long bị tuyên phạt 11 năm tù. Ngoài ra, tòa buộc hai bị cáo phải bồi thường cho bị hại 80 triệu đồng.