Nghệ An dành 32,8 tỷ đồng để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Bài: Nguyễn Hải - KT: Lâm Tùng 30/10/2019 07:11

(Baonghean) - Tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo đó sẽ dành 32,8 tỷ đồng để kết nối, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Hình thành các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Đến nay, Nghệ An đã thu hút được một số dự án có ý nghĩa tạo điểm nhấn về công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trên lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử, năm 2014, có Nhà máy điện tử Hitech BSE Việt Nam chuyên sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông và các thiết bị ứng dụng trong điện thoại di động, vi mạch bán dẫn công nghệ cao đầu tư vào Khu C, KCN Nam Cấm với trị giá 30 triệu USD tạo việc làm cho 3.000 người.

Giữa năm 2019, Nhà máy Em-Tech Vinh được xây dựng tại KCN VSIP Hưng Nguyên quy mô gần 100 triệu sản phẩm/năm tạo việc làm cho 2.000 người đi vào hoạt động.

Và một nhà máy thiết bị điện khác chuyên sản xuất sản phẩm hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện... đã có mặt tại KCN Bắc Vinh.

Ngoài 3 cơ sở trên, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện, điện tử và 163 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong đó 5 doanh nghiệp công nghiệp cơ khí, 23 cơ sở gia công một số thiết bị máy móc và 6 cơ sở sản xuất thiết bị đóng tàu thuyền và ngư lưới cụ…

Tương tự, trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất bao bì, in ấn và tem nhãn, tỉnh có một số nhà máy sản xuất bao bì quy mô lớn ở khu công nghiệp Bắc Vinh; 5 cơ sở sản xuất hạt phụ gia cung cấp cho ngành sản xuất bao bì tại TP Vinh, Diễn Châu, Nghĩa Đàn. Tổng cộng, toàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ kiện bao bì.

Đối với lĩnh vực dệt may, Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan cung cấp nguyên liệu phụ trợ cho 65 cơ sở, nhà máy may mặc trên địa bàn. Ngoài ra, mặc dù chưa có Tập đoàn sản xuất lắp ráp ô tô xe máy nhưng trên địa bàn có 3 doanh nghiệp và một số cơ sở nhỏ lẻ sản xuất các phụ tùng linh kiện như sản xuất, lắp ráp thùng xe ô tô và các trang bị phụ trợ phục vụ sửa chữa và gia công cơ khí…

Để phát triển công nghiệp dệt may cần có nhiều nhà máy dệt phụ trợ. Ảnh: Nguyễn Hải
Để phát triển công nghiệp dệt may cần có nhiều nhà máy dệt phụ trợ. Ảnh: Nguyễn Hải

Với nỗ lực lớn, Nghệ An đã hình thành nhóm ngành CNHT với khoảng 90 doanh nghiệp, chiếm 7,6% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương

Thiếu các dự án công nghiệp hỗ trợ vệ tinh

Mặc dù có những chuyển biến tích cực trên nhưng CNHT của Nghệ An còn không ít hạn chế. Trước hết là về nguồn lực đầu tư, mặc dù tỉnh rất nỗ lực nhưng đến nay đầu tư vào lĩnh vực này ở tỉnh vẫn thấp. Cụ thể, từ năm 2012 lại đây, có khoảng 50 triệu USD và 9.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương cho hay: Trong khi chỉ số công nghiệp đang tăng nhanh thì CNHT, dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng giá trị sản xuất chỉ đạt trên 7.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỉnh còn thiếu các dự án đầu tàu, tạo động lực để thu hút, dự án CNHT vệ tinh.

Chú thích?
Nghệ An thiếu dự án CNHT vệ tinh và ngược lại. Ảnh: Khu Công nghiệp VSIP thu hút được một số nhà máy đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất.

Ngoài nguyên nhân trên, CNHT ở Nghệ An còn khá lạc hậu, yếu kém về công nghệ nên khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, theo phân công lao động quốc tế, mỗi tỉnh, địa phương có thể sản xuất một sản phẩm trong chuỗi nhưng các cơ sở của tỉnh quy mô nhỏ và lạc hậu nên không thể kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thấp nên sản phẩm sản xuất ra chi phí, giá thành cao nên rất khó cạnh tranh.

Đại diện một công ty sản xuất bao bì cho hay: Nghệ An hiện có 5 nhà máy bao bì nên cạnh tranh trên lĩnh vực này khá gay gắt. Mặc dù tỉnh có nguyên liệu là bột đá trắng nhưng do phần lớn công nghệ và nguyên liệu phải nhập ngoại nên phải tăng cường liên kết thì mới phát triển được. Hiện nay, do quy mô nhỏ nên một số nhà máy ở Nghệ An chủ yếu sản xuất nguyên liệu thô đưa đi các tỉnh sản xuất bao bì nên lãng phí mà giá trị gia tăng tạo ra không cao...

Đóng gói nguyên liệu sản xuất bao bì từ đá trắng tại một Nhà máy trong Cụm CN Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong khi đó, đại diện một công ty sản xuất vật liệu xây dựng thì nêu khó khăn: quá trình sản xuất, các trang thiết bị, phụ tùng thường xuyên hỏng hóc phải tu sửa và thay thế. Mỗi lần như thế, doanh nghiệp phải ra Nam Định để mua; ngược lại, khi dùng bìa carton đóng gói gạch, thay vì đặt mua ở Nghệ An thì Công ty đặt mua từ Hà Nội về vì giá rẻ hơn. Vì lý do này nên nhiều dự án khởi nghiệp CNHT ở Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn và để tồn tại là không hề dễ dàng.

Ưu tiên thu hút dự án CNHT công nghệ cao

Xuất phát từ thực trạng trên, tháng 4/2019, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An giai đoạn từ nay đến năm 2025, theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn chỉnh hệ thống sản xuất CNHT nhằm phát triển hiệu quả, vững chắc các ngành công nghiệp.

Cụ thể, Nghệ An phấn đấu giá trị sản xuất CNHT tăng bình quân 9-10%/năm để đến năm 2025 chiếm 10-12% giá trị toàn ngành công nghiệp, đến năm 2020, giá trị CNHT chiếm 20% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp; đào tạo lao động kỹ thuật cao tăng bình quân 5%/năm và chiếm 15% lao động ngành công nghiệp.

Các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Để thực hiện mục tiêu trên, dự kiến từ nay đến năm 2025, Nghệ An dành 32,8 tỷ đồng để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các ngành CNHT ưu tiên phát triển; hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng nguyên, vật liệu; hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp; hỗ trợ xúc tiến đầu tư các nhà cung cấp FDI các ngành, lĩnh vực CNHT ưu tiên.
Nghệ An cũng ưu tiên thu hút dự án CNHT công nghệ cao và các dự án lớn tạo động lực, thu hút vệ tinh phát triển CNHT, nhất là khu vực FDI để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNHT; phấn đấu giai đoạn 2018-2025 tăng bình quân 3% doanh nghiệp/năm và đến năm 2025 có từ 10-12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành có thể tham gia cung ứng vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.


Bài: Nguyễn Hải - KT: Lâm Tùng