Nghệ An: Nhiều dự án di dời dân cấp bách nhưng tiến độ ì ạch

Thành Duy 30/10/2019 17:55

(Baonghean.vn) - Qua giám sát của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Nghệ An cho thấy, nhiều dự án di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở triển khai trên địa bàn tỉnh kéo dài trong nhiều năm.

Chiều 30/10, Ban Dân tộc, HĐND tỉnh làm việc với Sở NN&PTNT và Ban Dân tộc tỉnh theo chương trình giám sát việc quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung trong thực hiện chính sách đầu tư phát triển bền vững dân tộc thiểu số tỉnh (DTTS) Nghệ An từ năm 2016 đến nay. Đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Thiếu hơn 480 tỷ đồng

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ - TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 7468/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tổng thể bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Một trong những quan điểm phát triển theo Quyết định số 7468 là quy hoạch bố trí dân cư theo hướng ưu tiên cho các vùng có nguy cơ cao về thiên tai (như vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...); vùng biên giới Việt Nam - Lào, vùng đặc biệt khó khăn dễ xảy ra di cư tự do; các hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng…

Theo Sở NN&PTNT đến nay toàn tỉnh có 21 dự án đã được phê duyệt chưa hoàn thành, trong đó có 17 dự án đang triển khai thực hiện, 4 dự án chưa được bố trí vốn để triển khai.

Trong 21 dự án được phê duyệt, vùng DTTS có 13 dự án, trong đó 9 dự án đang triển khai và 4 dự án chưa được bố trí vốn, gồm các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Tổng số vốn đã được phê duyệt cho 13 dự án vùng DTTS là 711 tỷ 549 triệu đồng, tuy nhiên nguồn vốn bố trí đến nay 224 tỷ 837 triệu đồng, tức còn thiếu hơn 487 tỷ đồng.

Thực trạng bố trí nguồn vốn trên dẫn đến mới chỉ có 3 dự án cơ bản hoàn thành, 6 dự án dở dang và 4 dự án chưa thực hiện được. Vì vậy, giai đoạn 2016 - 2019 chỉ bố trí được 458 hộ vùng DTTS/547 hộ cả tỉnh.

Khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp
Khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu Nhật Lân

Qua giám sát thực tiễn tại một số dự án, nhiều thành viên đoàn giám sát đã nêu lên thực trạng nhiều khu vực thi công dở dang, có nơi điện, nước sinh hoạt không có, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Có ý kiến cho rằng, với việc triển khai ì ạch như hiện nay, tính cấp bách của các dự án đang mất đi ý nghĩa.

Rà soát, đánh giá lại hiệu quả thực chất các dự án

Tại cuộc làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập cho rằng, nguyên nhân là do trước đây phê duyệt dự án nhưng không thẩm định nguồn vốn. Từ thực tiễn trên, ông đề nghị đoàn giám sát có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các dự án để phân loại, lên danh mục dự án ưu tiên, tạm dừng... để tập trung bố trí nguồn vốn xử lý dứt điểm…

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân ghi nhận hiệu quả của các dự án tại những điểm đã hoàn thành. Tuy nhiên, do thiếu vốn nhiều dự án vẫn còn dở dang, do đó đề nghị Sở NN&PTNT rà soát, đánh giá thực chất các dự án đã được phê duyệt, đồng thời rà soát nhu cầu thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư giai đoạn hiện nay và giai đoạn mới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập đề nghị rà soát lại danh mục các dự án để có thứ tự ưu tiên. Ảnh: Thành Duy

Sở NN&PTNT cũng cần hướng dẫn các huyện đưa vào danh mục đầu tư công các dự án di dời dân cho giai đoạn tiếp theo. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần lập kế hoạch ưu tiên bố trí vốn để trả nợ các dự án đã hoàn thành.

Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu để bổ sung nguồn vốn thực hiện theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ;...

Thiếu vốn cũng là thực trạng tương tự khi thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, 9/9 dự án định canh định cư tập trung đang xây dựng dở dang do thiếu vốn, trong đó 15 hạng mục hoàn thành đưa vào sử dụng còn thiếu vốn thanh toán; 23 hạng mục đang xây dựng dở dang do chưa được cấp đủ vốn; 24 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư; theo đó mục tiêu của dự án chưa thực hiện được.

Từ năm 2016 đến nay, chính sách theo Quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt phương án “ Sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ Lào trở về nước” chưa được cấp vốn hỗ trợ.

Thành Duy