Tây Sơn thương nhớ...

Thanh Sơn - Thành Cường 08/11/2019 09:58

(Baonghean) - Tây Sơn đẹp không chỉ vì cảnh sắc mà còn giàu các giá trị văn hóa của tộc người được trao truyền và ngày càng phát triển. Tây Sơn để lại nhiều thương nhớ cho những ai đã từng một lần đến...

Xã Tây Sơn nằm ở phía Tây Nam huyện miền núi Kỳ Sơn, có độ cao lớn so với mặt nước biển. Thời tiết nơi đây luôn se lạnh, được ví von như một Đà Lạt, Sa Pa của xứ Nghệ. Trên nền địa chất, khí hậu phù hợp, Tây Sơn luôn xanh tươi cây cối. Đến với xã vùng cao này, bất cứ mùa nào trong năm cũng thấy cơ man nào các loại hoa. Hoa dại từ con đường đèo 12 km quanh co từ Mường Xén vào; hoa bên vệ đường, trường học và trước hiên nhà của người Mông. Nơi đây, hoa đào nở 3 - 4 lần/năm.


Bản Huồi Giảng 3 là địa đầu của xã Tây Sơn. Đến với bản, rất dễ ngửi thấy một mùi thơm nhẹ nhàng thanh thoát, thoang thoảng trong không khí. Đó là mùi thơm của rừng. Mùi thơm tỏa ra từ rừng cây sa-mu dầu, pơ-mu được trồng cạnh bản. Rừng cây sa-mu, pơ-mu rất đẹp, thân gỗ to, xếp hàng thẳng tắp như có bàn tay con người thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc. Người Mông Tây Sơn luôn tự hào về rừng cây được trồng này và bảo rằng cánh rừng đẹp nhất xứ Nghệ này là của quý truyền lại cho muôn đời cháu con về sau có thể làm du lịch... Và không riêng gì Huồi Giảng 3 mà các bản tiếp theo như Huồi Giảng 1, 2 đều có những cánh rừng như thế.

Theo người dân Mông xã Tây Sơn, người có công đầu trong việc tạo nên những cánh rừng này là ông Vừ Pà Rê - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn.

“Năm 1996, bố tôi mới gọi 6 người con trai trong nhà lại và bảo rằng ông trời trồng cây trong rừng, bây giờ đời bố đã khai thác hết rồi. Bây giờ, bố con chúng ta phải có trách nhiệm trồng rừng cho cháu con sau này. Sau đó, bố tôi đã vào rừng tìm cây con sa-mu, pơ-mu đem về ươm vào bầu để trồng. Bố tôi còn vận động người dân các bản Huồi Giảng 1, 2, 3 cùng tham gia. Ai muốn trồng cây bố đều cấp bầu cây giống”.

Ông Vừ Rá Tênh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn, con trai cụ Vừ Pà Rê

Phong trào trồng cây gây rừng do ông Vừ Pà Rê phát động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong xã. Những cánh rừng sa-mu, pơ-mu bắt đầu được trồng lên. Năm 1997, từ việc lấy cây con đem về trồng, ông Rê và bà còn đã vào rừng nhặt hạt để ươm.

Từ phong trào của xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cũng đã nhanh chóng xây dựng dự án hỗ trợ và nhân rộng toàn xã, thực hiện hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Và cũng từ phong trào trồng cây gây rừng này, người dân xã Tây Sơn đã có ý thức bảo vệ rừng. Ngoài các quy định của pháp luật, bản xã đã có thêm những hương ước quy định riêng về trách nhiệm bảo vệ rừng cũng như các hình thức xử phạt nếu ai đó chặt cây làm nhà hay phát rẫy làm nương không xin phép, không đúng nơi quy định.

Sau hơn 20 năm, những cây sa-mu, pơ-mu đã lớn lắm rồi hoàn toàn có thể làm cột nhà hay nhiều vật dụng khác song tuyệt nhiên người dân Tây Sơn không hề đả động đến. Họ vẫn không ngừng chăm bẵm, phát triển và đến nay Tây Sơn đã có một khu rừng tuyệt đẹp rộng trên 50 ha. Từ sa-mu và pơ-mu, Tây Sơn đã trồng thêm nhiều loại cây khác như hồng, táo mèo ...

Cây táo mèo là một giống cây bản địa của Tây Sơn. Song trước đó, táo mèo mọc hoang dã trong tự nhiên và không ai chăm sóc, đến mùa thì dân bản vào rừng nhặt, hái lượm rồi mang ra thị trấn Mường Xén bán. Biết đất Tây Sơn có loại cây này, năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã tìm về khảo sát và đưa giống táo mèo từ phía Bắc về trồng thử tại đây. Không phải ai khác chính ông Vừ Xái Chù và ông Vừ Rá Tênh (2 người con trai của cụ Vừ Pà Rê) là người đã xung phong đầu tiên ở xã nhận trồng. Năm 2016, hai anh em Vừ Xái Chù và Vừ Rá Tênh đã trồng thử khoảng 700 cây giống táo mèo.

Đây là một trong những loại cây có thể đa dạng hóa mô hình sản xuất của địa phương, giúp bà con thoát nghèo. Mình là cán bộ, đảng viên phải đi đầu để bà con noi theo”.

Ông Vừ Rá Tênh - xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.

Không chỉ trồng giống táo mèo phía Bắc, ông Vừ Rá Tênh còn vào rừng kiếm hạt cây táo mèo bản địa để nhân giống thử về trồng. Cả 2 loại táo mèo đều phát triển rất tốt. Năm 2017, ông Tênh và ông Chù đã vận động thêm một số hộ cùng tham gia trồng và đến nay Tây Sơn đã có 7 ha táo mèo được ươm trồng. Năm 2019 này, những cây táo mèo giống phía Bắc đã cao 4-5m, đường kính trên 10 cm, đã bắt đầu bói lứa quả đầu tiên. Số lượng quả chưa nhiều nhưng đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho người dân Tây Sơn kiên định với mục tiêu, cách làm của mình. Cũng năm 2019 này, ông Vừ Rá Tênh đã nhờ anh em, họ hàng ở bên Lào đưa về hạt giống cây gỗ trắc để bắt đầu trồng thử.

Người Mông Tây Sơn đã có tư duy tiến bộ khi không còn phá rừng mà tích cực trồng và bảo vệ rừng. Càng tiến bộ hơn khi họ đã thấm nhuần tư tưởng “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho hay: Đời sống đã có rất nhiều tiến bộ nhưng Tây Sơn vẫn đang là xã nghèo. Xã có hơn 300 hộ với 1.700 nhân khẩu, trong đó khoảng 1/4 số hộ là hộ nghèo.

Để thoát nghèo, xã Tây Sơn xác định ngoài việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thì việc xây dựng những con người mới là rất quan trọng. Xã đã đẩy mạnh công tác khuyến học, vận động tất cả các hộ gắng sức cho con ăn học thành tài. Từ việc học, có kiến thức, xã đã có nhiều thanh niên làm ăn giỏi như Vừ Bá Cu, Vừ Pà Xồng, Mùa Bá Là, Mùa Bá Lầu, Mùa Bá Vừ, Mùa Bá Phềnh... Những thanh niên này đã xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc, nuôi lợn, gà đen, vịt, dê và trồng các loại hoa màu khác như gừng, mận, dưa chuột, hồng, bo bo dưới tán rừng. Mỗi mô hình đó trị giá từ 500 - 700 triệu đồng. Hiện nay, đàn trâu ở xã có trên 500 con, bò gần 1.000 con.

Theo bước phát triển chung nhưng người Mông Tây Sơn vẫn cố gắng giữ gìn những giá trị đặc sắc về văn hóa của dân tộc mình. Đến Tây Sơn, trên núi đồi lồng lộng bao la vẫn nghe đâu đó âm thanh của tiếng sáo 3 lỗ, nhị, khèn, đàn môi. Những âm thanh đó là của những nghệ nhân, cụ già đang biểu diễn, dạy lại cho cháu con. Ở xã Tây Sơn, từ năm 2003, đã xuất hiện mô hình câu lạc bộ bảo tồn bản sắc người Mông do các cụ cao tuổi đứng ra tổ chức sinh hoạt.

Mỗi tháng 3 lần, câu lạc bộ hoạt động tại nhà văn hóa cộng đồng của bản. Ở đó, các cụ cao tuổi lại kể cho cháu con về nguồn gốc dân tộc mình, đâu là những nét đặp văn hóa cần giữ. Đặc biệt, các cụ đã trao truyền lại những lễ tục, ngón đàn hay cách chơi nhạc cụ. Ở những dịp lễ, Tết, câu lạc bộ lại đứng ra tổ chức biểu diễn”.

Ông Vừ Xái Chù - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.

Những cụ khai sáng câu lạc bộ bây giờ đã khuất núi nhưng những lớp sau đã kịp kế thừa. Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc người Mông của xã Tây Sơn bây giờ không những tồn tại mà còn phát triển mạnh hơn trước.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng cho hay: Tính riêng bản Huồi Giảng 1 đã có 10 cụ tham gia câu lạc bộ, thực hiện công việc dạy nhạc cụ và các giá trị văn hóa cho thanh niên trong xã. Ngoài những giai điệu cũ, các cụ còn sáng tác thêm những bài hát, điệu múa và giai điệu mới... Vũ điệu khèn, giai điệu âm nhạc của người Mông không đơn thuần là những bài ca lao động mà là lịch sử, tâm hồn của tộc người. Đó là cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc trên đỉnh núi cao. Ngày xưa ông nội đã dạy cho bố ông, rồi bố ông truyền cho ông và bây giờ trách nhiệm của ông là trao truyền cho lớp trẻ.

Tây Sơn không chỉ có hoa, có rừng, có nhạc. Tây Sơn có một tấm lòng hiếu khách đến lạ kỳ. Ai đã từng đến với Tây Sơn chắc cũng đã từng “ấm mềm môi” bởi những chén rượu nồng mà người dân Mông kính gửi. Người Mông Tây Sơn là vậy, khách đến nhà là khách quý, bao nhiêu của ngon, vật lạ trong nhà đều được đem ra đãi, tiếp mời... Tây Sơn thời tiết tuy lạnh nhưng tình người ấm nồng, nét đẹp của tinh thần và các giá trị truyền đời vẫn như một ngọn lửa sáng soi.

Thanh Sơn - Thành Cường