Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phân tích vì sao Nghệ An xây dựng chỉ số DDCI
(Baonghean) - UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua Đề án “Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An - DDCI”. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi xung quanh đề án này với đồng chí Lê Ngọc Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết sự cần thiết phải ban hành Đề án Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Từ năm 2005, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đều đặn tiến hành hoạt động đánh giá và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Năm 2014, Thủ tướng đã đưa chỉ số PCI là một mục tiêu nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia trong Nghị quyết 19. Ngoài ra, tháng 1/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó đưa chỉ số PCI như là một thước đo về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đối với Nghệ An, trong 4 năm gần đây (2014 - 2018), PCI có những cải thiện rõ rệt, năm 2018 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành và lần đầu tiên lọt vào top 20, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Kết quả này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư.
Vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Nghệ An từ năm 2011 đến năm 2018. |
Một trong những sáng kiến để cải thiện PCI chính là xây dựng, áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành (DDCI). Từ năm 2013, nhiều tỉnh, thành đã tiến hành khảo sát, đánh giá sở, ban, ngành và địa phương cấp huyện bằng nhiều mô hình khác nhau. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 28 tỉnh, thành phố triển khai điều tra, đánh giá chỉ số DDCI. Ở Nghệ An, xây dựng và triển khai đánh giá DDCI chưa được thực hiện.
Năm 2018, UBND tỉnh giao Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn thí điểm khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của 17 sở, ban, ngành và 21 huyện, thị, thành.
Kết quả khảo sát đã đánh giá khá toàn diện, khách quan năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh các sở, ban, ngành và huyện, thị, thành. Tuy nhiên, bộ chỉ số chưa được hoàn thiện. Để việc đánh giá đầy đủ, toàn diện và đúng thực chất cần tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá DDCI và tổ chức đánh giá thường xuyên, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Do đó, UBND tỉnh xây dựng Đề án “Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An - DDCI”. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện năm cải cách hành chính của tỉnh.
Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê |
P.V: Vậy, Đề án đặt ra mục tiêu như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: DDCI là Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh. DDCI khảo sát trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp nâng cao PCI hàng năm; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát DDCI là thể hiện vai trò giám sát hệ thống chính quyền về thái độ, chất lượng dịch vụ hành chính công của các địa phương.
Đề án triển khai nhằm đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương và sở, ban, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Qua đó, tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt, đồng bộ; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Đồng thời tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành nhằm cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công và nâng cao chất lượng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Phạm vi nghiên cứu của Đề án là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đối tượng được đánh giá DDCI là các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Nghệ An. Trong đó, nhóm các sở, ban, ngành (23 đơn vị có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp) và nhóm UBND cấp huyện gồm 21 đơn vị huyện, thành, thị.
Đề án được triển khai thông qua điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp hiệu quả, bao gồm: Khảo sát trực tiếp (phương thức chính, chiếm 60%) do VCCI Nghệ An chủ trì. Khảo sát trực tiếp tiến hành tại doanh nghiệp và tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị, thành. Ngoài ta, tiến hành khảo sát qua thư (bưu điện và thư điện tử, chiếm 20%); khảo sát trực tuyến chiếm 20%.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Cán bộ Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Thanh Lê |
Sau khi nghiên cứu các chỉ tiêu của Bộ chỉ số PCI, rà soát các mô hình đánh giá DDCI của các tỉnh, qua kết quả khảo sát thí điểm và phối hợp với VCCI chi nhánh Nghệ An, Đề án xây dựng bộ chỉ số DDCI của tỉnh Nghệ An gồm có 8 chỉ số thành phần cho các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động của sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Vai trò người đứng đầu. Chỉ số DDCI được xác định thông qua tính toán 8 chỉ số thành phần và chuẩn hóa theo thang điểm 100. Điểm của các chỉ số đánh giá các đơn vị được chuẩn hóa về cùng một thang điểm để so sánh.