Vì sao mùa giải V.League 2019 SLNA ít bàn thắng?
(Baonghean.vn) - Khá nhiều người ngạc nhiên khi mùa giải V.League 2019 này các cầu thủ SLNA chỉ ghi được 32 bàn thắng, chỉ hơn đội rớt hạng S.Khánh Hòa đúng 1 bàn. Ít hơn so với mùa giải V.League 2018 là 6 bàn, ít hơn V.League 2017 là 4 bốn bàn.
Những người am hiểu SLNA đều thấy, điểm mạnh của đội bóng xứ Nghệ vẫn là hàng phòng thủ. Khắc phục được khả năng chống bóng bổng thì khung thành của Nguyên Mạnh coi như bị bịt kín. Rồi nữa, sau Văn Quyến, SLNA không xuất hiện ngôi sao đáng kể nào… Rất nhiều cầu thủ chỉ nổi lên ở giải U21 Quốc gia rồi bị chìm nghỉm. Khá nhiều cầu thủ trẻ không trụ được ở sân Vinh đành bôn ba như Quang Nam, Đình Bảo.
"Vắng vẻ" ngôi sao hàng công
Ngay như Hồ Tuấn Tài, cầu thủ SLNA ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội bóng xứ Nghệ (8 bàn) thì cũng mất 4 năm mới có được thành tích đó. Mùa giải 2018, Tuấn Tài được ra sân 11 trận nhưng chỉ có 7 trận đá đủ 90 phút, nên cũng chỉ có 2 bàn thắng. Phải đến năm nay, Tuấn Tài mới có điều kiện tỏa sáng trước khi bị chấn thương cuối mùa giải.
Hai ngoại binh SLNA trên hàng tiền đạo, nếu như Olaha có sở trường kiến tạo hơn là ghi bàn, thì Vinicius khá kén bóng, phong độ ghi bàn không ổn định. Ngoài trừ hat-trick trên sân Gò Đậu (B.Bình Dương), ngoại binh này gần như mất hút. Việc cả Olaha và Vinicius chỉ có mỗi người 5 bàn, khó thể gọi là ổn so với các ngoại binh khác đang thi đấu tại sân cỏ Việt Nam.
Các đồng đội chia vui với Hồ Tuấn Tài, cầu thủ của SLNA đã có 8 bàn thắng tại V.League 2019. Ảnh: Đức Anh |
Khá nhiều mùa giải gần đây thời HLV Đức Thắng, SLNA đều chơi lối đá sở trường phòng ngự phản công, nhường thế trận cho đối phương. Có lẽ một phần xuất phát từ những cầu thủ mà SLNA hiện có, phần còn lại bắt đầu từ tư duy chiến thuật của các nhà cầm quân xứ Nghệ.
Trong 26 trận đấu mùa giải này, chỉ có 7 trận đấu SLNA có thời gian cầm bóng hơn đối phương. Trong đó có khá nhiều trận đấu thời gian cầm bóng của đội bóng xứ Nghệ chỉ xấp xỉ 40%, cho thấy hàng tiền vệ SLNA đang có khá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đơn điệu lối đá
Do không thể cầm bóng, tổ chức triển khai tấn công từ phần sân nhà, nên phần lớn các bàn thắng chỉ được thực hiện từ các pha phản công (14/32 bàn thắng). Chỉ có 10/32 bàn thắng được thực hiện bằng các pha dàn xếp tấn công từ phần sân nhà, 7/32 bàn thắng từ các pha tấn công cố định.
Các cầu thủ SLNA cùng nhau ăn mừng bàn thắng. Ảnh tư liệu |
Đội hình thấp, số lượng cầu thủ tấn công thường ít hơn đối phương nên SLNA gặp khó khăn trong khâu ghi bàn. Ngay cả các bàn thắng Tuấn Tài có được phần lớn là do sự nhạy cảm chọn vị trí đón bóng hơn là dàn xếp đập-nhả trước khung thành đối phương.
Khả năng tận dụng thời cơ thấp
Việc tận dụng cơ hội trong từng trận đấu của các chân sút SLNA cũng đang có vấn đề. Phân tích trận hòa 0-0 với đội khách S.Khánh Hòa, đội chủ sân Vinh cầm bóng 63%, tung 10 cú sút nhưng chỉ trúng đích 3 và rốt cuộc không ghi được bàn thắng nào. Con số chỉ được hưởng 2 pha phạt góc cũng nói lên áp lực tấn công không lớn, dù cầm bóng gần gấp đôi đội khách.
Lượt đi, với một lực lượng hùng mạnh, Hà Nội đã đánh bại SLNA với tỷ số chóng vánh 4-0. Ảnh tư liệu HNFC |
Thầy trò HLV Đức Thắng vẫn có những trận đấu mẫu mực về lối đá phòng ngự phản công, điển hình như trận thắng B.Bình Dương 5-1 trên sân Gò Đậu. Trận đấu này tuy chỉ kiểm soát bóng 47%, tung 8 cú sút, nhưng trúng đích 6 và đưa về 5 bàn thắng.