Ukraine tuyên bố sẵn sàng chấm dứt hợp đồng vận chuyển khí đốt với Nga

Mỹ Nga 05/11/2019 16:41

(Baonghean.vn) - Trả lời phỏng vấn trên kênh ICTV, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine tuyên bố, nước này sẵn sàng chấm dứt hợp đồng vận chuyển khí đốt với Nga. Động thái này được xem đánh dấu bước ngoặt mới trong "cuộc chiến" khí đốt mới giữa Nga và Ukraine.

Các công nhân kiểm tra các đường ống dẫn khí đốt tại Ukraine. Ảnh: Ria Novosti
Các công nhân kiểm tra các đường ống dẫn khí đốt tại Ukraine. Ảnh: Ria Novosti

Theo ông Alexei Orzhel, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine, một lượng lớn kỷ lục nhiên liệu xanh đã được bơm dự trữ vào các cơ sở của Ukraine. Điều này cho phép Kiev đi qua mùa đông lạnh "mà không cần bất cứ phương tiện vận chuyển khác nào". Hiện, lượng khí đốt tại các khu lưu trữ của Ukraine đạt 21,7 tỷ mét khối.

"Nếu nói về khí đốt, tôi với tư cách là người trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán về việc ký kết các thỏa thuận vận chuyển quá cảnh, có thể khẳng định, chúng tôi sẵn sàng dừng vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine" - ông Orzhel nói.

Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng này cũng lưu ý rằng Ukraine không loại trừ việc ưu tiên ký kết những thỏa thuận quá cảnh khí đốt mới. Bởi, phí vận chuyển quá cảnh cũng là một nguồn thu quan trọng đối với Ukraine. Nhờ vào vận chuyển khí đốt này, Ukraine thu khoảng 3 triệu USD/năm.

Bộ trưởng Orzhel cho biết, Kiev đang tích cực làm việc với các đối tác châu Âu nhằm ký kết thỏa thuận "Gói năng lượng thứ ba", bắt buộc các nhà cung cấp cấp khí đốt phải cạnh tranh với nhau khi tiếp cận vào lãnh thổ Ukraine.

Hiện tại, các hợp đồng về vận chuyển quá cảnh khí đốt và cung cấp nhiên liệu giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2019. Moskva tuyên bố rằng, việc gia hạn thời gian quá cảnh chỉ diễn ra khi các "yêu sách" lẫn nhau về tranh chấp khí đốt cần phải được vô hiệu hóa.

Về phía mình, Nga đã đồng ý xem xét khả năng ký kết hợp đồng mới dựa trên các điều khoản của châu Âu, nếu chính quyền Ukraine thông qua các chính sách, cũng như luật pháp liên quan. Các cuộc tham vấn 3 bên đã được tổ chức, song đến nay không ghi nhận được kết quả tích cực.

Mỹ Nga