Nghệ An: Vào rừng nhặt hạt dẻ, người dân thu gần nửa triệu mỗi ngày
(Baonghean.vn) - Tháng 11, khi thời tiết chớm se lạnh là dịp người dân xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) vào rừng nhặt hạt dẻ. Bởi thời điểm này, hạt dẻ rụng nhiều nhất, mỗi người có thể thu về gần 500 ngàn đồng từ việc nhặt hạt dẻ.
Thiên nhiên đã ban cho xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) một cánh rừng dẻ mọc tự nhiên giữa bạt ngàn núi non trùng trùng, lớp lớp. Nếu ai từng đi rừng nhiều, nhưng chưa đặt chân đến cánh rừng dẻ, sẽ dễ cảm nhận ngay một bầu không khí dễ chịu đến lạ. Mùi hương của rừng dẻ thoang thoảng thơm mát…
Hiện nay, xã Giang Sơn Đông có diện tích rừng 1.150 ha, trong đó có 35 ha rừng dẻ tập trung chủ yếu tại các xóm Yên Tân, Mỹ Hòa, Yên Lương. Xóm Yên Tân là xóm có diện tích rừng nhiều nhất, toàn xóm có 22,5 ha. Số diện tích rừng này được 31 hộ gia đình khoanh nuôi bảo vệ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giang Sơn Đông cho biết: Cây dẻ sinh trưởng rất chậm, thân cây dẻ này có tuổi thọ gần trăm năm. Ảnh: Ngọc Phương |
Từ tháng 8 đến tháng 11 là mùa bà con thu hoạch hạt dẻ. Riêng tháng 11, hạt dẻ rụng nhiều nhất. Bình quân mỗi sào dẻ bà con thu hoạch được 1,5 tạ hạt. Giá bán lẻ 40 ngàn đồng/kg, bán sỷ 35 ngàn đồng/kg.
Chị Trần Thị Thúy ở xóm Yên Tân, xã Giang Sơn Đông cho biết, mỗi buổi chị nhặt được khoảng 6 kg hạt dẻ, nếu chịu khó nhặt cả ngày sẽ được 12 kg, bán lẻ cho khách thu được gần 500 ngàn đồng/ngày.
Thu hoạch hạt dẻ rừng. Ảnh: Ngọc Phương |
Cùng nhặt hạt dẻ với chị Thúy, chị Nguyễn Thị Hương cho biết thêm: “Gia đình tôi thu hoạch mỗi năm 7 đến 8 tạ hạt dẻ, nhờ vậy mà có tiền trang trải trong gia đình, nuôi được các con ăn học đầy đủ”.
Nhờ có dự án, những con đường phân cách giữa các lô đã được mở rộng thông thoáng hơn. Công tác bảo vệ tại khu rừng này được bà con luôn chú trọng, mỗi xóm có rừng đều có tổ đội bảo vệ rừng nghiêm ngặt.
Hạt dẻ rụng nhiều nhất vào tháng 11; nhân hạt dẻ rừng Giang Sơn Đông chắc và trắng tinh. Ảnh: Ngọc Phương |
Trong khi diện tích rừng ở một số nơi đang bị xâm hại, thì việc khoanh nuôi, bảo vệ và thu lợi từ rừng dẻ tại xã miền núi Giang Sơn Đông là một mô hình tốt bởi chính lợi ích của cây dẻ mang lại.
Hơn nữa, khác với cây rừng lấy gỗ, muốn kiếm lợi phải đốn hạ, trong khi cây dẻ người ta chỉ lấy hạt dưới đất. Do vậy, rừng luôn phát triển tự nhiên từ hàng trăm năm nay. Ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Rừng dẻ này xã chúng tôi không thu lệ phí thu hoạch của bà con.