Thủ tướng Ba Lan: 'Dòng chảy phương Bắc 2' là khoản thanh toán vũ khí cho Nga bằng tiền châu Âu

Mỹ Nga 11/11/2019 15:06

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Ba Lan Mateusz Maraveski chỉ trích các nước EU trong việc ủng hộ Nga xây dựng đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2", và cho rằng dự án là khoản thanh toán vũ khí và quốc phòng cho Nga bằng tiền của châu Âu.

Lắp đặt đường ống dẫn khí trong dự án
Lắp đặt đường ống dẫn khí trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Ảnh: Ria Novosti

"Dòng chảy phương Bắc 2" là khoản thanh toán cho vũ khí và an ninh quốc phòng Nga bằng chính tiền của chúng tôi (châu Âu)" - Thủ tướng Ba Lan trả lời phỏng vấn tờ Financial Times.

Chính trị gia Ba Lan bày tỏ sự đáng tiếc rằng, dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" của Nga lại được châu Âu ủng hộ.

Thủ tướng Mateusz Maraveski cũng lên tiếng phản đối, gọi lời tuyên bố của Tổng thống Emmanuel Macron là "điều không tưởng", khi nhà lãnh đạo Pháp công nhận vị trí của Nga - kẻ thù của NATO, trên trường quốc tế.

"Tổng thống Macron ở một vị trí khác, bởi ông ấy không cảm thấy được hơi thở nóng của "gấu Nga" nơi cổ" - Thủ tướng Ba Lan miêu tả về áp lực của Nga đối với các quốc gia láng giềng.

Thủ tướng Ba Lan cho biết thêm, ông đã từng hoan nghênh tổ chức cuộc đối thoại với Nga một cách dân chủ và hòa bình, tuy nhiên theo quan điểm của ông, giờ đây "Nga đã trở nên hung hăng và không thiện chí".

"Dòng chảy phương Bắc 2" là dự án đường ống dẫn khí đốt từ bờ biển của Nga qua bờ biển Baltic đến Đức, có trị giá 9,5 tỷ euro, với đường ống dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu.

Vào tuần trước, Đan Mạch cuối cùng đã cấp giấy phép cho việc đặt một đường óng dẫn khí đốt đi qua vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Như vậy, toàn bộ công trình sẽ sẵn sàng đi vào vận hành trước khi năm 2019 kết thúc.

Dự án này vấp phải sự phản đối tích cực từ Kiev, bởi phải đối diện với nguy cơ mất doanh thu từ việc vận chuyển quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine. Ở châu Âu, một số nước như Ba Lan, Latvia, Litva cũng bày tỏ quan điểm tiêu cực về dự án này.

Trong khi đó, một số nước như Đức lại nhấn mạnh coi trọng "Dòng chảy phương Bắc 2" như một dự án thương mại. Na Uy và Áo cũng tích cực hỗ trợ xây dựng đường ống, và xem đây là cơ hội để tăng cường an ninh năng lượng châu Âu.

Mỹ Nga