Ước mong cùng con chữ ở Phà Lõm

Thành Cường 16/11/2019 11:51

(Baonghean) - Ở khắp các bản, làng miền núi cao của Nghệ An, đội ngũ thầy giáo, cô giáo ngày đêm gắn bó cùng công tác giảng dạy. Họ không quản ngại vất vả, khó khăn, chỉ mong các em đọc thông, viết thạo, học lên để sau này thoát đói nghèo. Các thầy, cô giáo ở điểm trường Phà Lõm (Tương Dương) là những con người như vậy.

22 tuổi, cô giáo trẻ Vi Thị Lệ đã có 2 năm gắn bó với những học sinh người Mông. Năm đầu tiên sau khi ra trường, Lệ về công tác tại Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn).

Năm học 2019-2020 này, Lệ vào điểm trường Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) và trở thành giáo viên cắm bản trẻ nhất ở đây.


Phà Lõm nằm trong một thung lũng xanh tươi, còn điểm trường tiểu học nằm cạnh dòng suối Chà Lạp. Nhưng Phà Lõm cũng là 1 trong 5 bản đặc biệt khó khăn của xã rẻo cao vùng biên giới Tam Hợp, cách biên giới Việt Lào 14 km.

Để vào được điểm trường Phà Lõm của Trường Tiểu học Tam Hợp, trong thời tiết nắng ráo, từ trung tâm xã phải mất gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy cho quãng đường 10 km. Còn ngày mưa, con đường dốc độc đạo này thường xuyên bị đất đá vùi lấp, trơn trượt, thời gian đến điểm trường kéo dài chừng 1 buổi trời.

Cô giáo Vi Thị Lệ tâm tình: “Là cô giáo miền núi, lại còn sức trẻ nên em không ngại khó. Nhưng cuộc sống, công tác giảng dạy ở Phà Lõm có những gian nan, vất vả vượt ngoài sức tưởng tượng. So với Nậm Cắn, đường vào Phà Lõm khó khăn hơn. Những ngày mưa bản làng bị chia cắt, điểm trường như biệt lập. Phòng học, phòng ở đều đã xuống cấp; sinh hoạt thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt, việc dạy học cũng không hề đơn giản khi mà các em học sinh người Mông ở đây khó khăn trong việc nghe, nói, hiểu Tiếng Việt”.

Trên điểm cao Tam Hợp này, nắng vẫn như nẻ đầu, mưa thì như cắt thịt và lạnh lại thấu xương. Sương muối và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn như khiến Vi Thị Lệ “xuống sắc” đi ít nhiều. Mảnh đất này khắc nghiệt là vậy song không biết từ lúc nào, cô giáo Lệ đã thấy yêu và muốn gắn bó nơi này.

Cô giáo Lệ chia sẻ: “Phà Lõm gian nan nhưng rất ấm áp tình người. Ở điểm trường, các anh, chị đồng nghiệp công tác ở đây lâu năm đã nhiệt tình giúp đỡ em nhanh chóng thích nghi. Các em học trò thì rất ngoan. Người dân Phà Lõm còn nghèo lắm nhưng nhà có gạo mới, có măng, có trứng, có gà lại mang đến biếu, tặng các thầy, cô...”.

Từ việc mến yêu đất và người, cô giáo Lệ đã quyết tâm cống hiến cho sự học của Phà Lõm. Cô giáo trẻ đã khắc phục khó khăn “yếu Tiếng Việt” của học sinh bằng việc tìm tòi, mua sắm thêm các hình ảnh, giáo cụ trực quan, để giúp cho các em hiểu nhanh, đọc thông viết thạo và làm toán tốt; tích cực trao đổi, chuyện trò cùng các em ngoài những giờ lên lớp. Buổi chiều, cô trò vào rừng kiếm rau, xuống suối bắt cá. Buổi tối, cô giáo Lệ cùng với các đồng nghiệp của mình lại đến từng nhà học sinh xem xét, kiểm tra cũng như hướng dẫn các em học bài.

Từ chỗ xa lạ ban đầu, chẳng biết từ khi nào, cô giáo Lệ đã trở thành “Mẹ Lệ” trong mắt của học trò mình. Những hôm bố mẹ lên núi làm nương rẫy không về, các em học sinh lại lên trường chơi, ăn và ngủ lại cùng cô giáo. Nước mắt của cô giáo trẻ đã nhiều lần rơi vì thương quá học trò mình.

Cô Lệ kể: “Có hôm 2 chị em Xồng Y Thương học xong ở lại ăn cơm và ngủ cùng cô. Bố mẹ Xồng Y Thương đi làm công nhân ở miền Nam nên 2 em vẫn thường ở lại với các cô. Nửa đêm tỉnh dậy không thấy học trò đâu, các cô hốt hoảng đi tìm. Đến nhà 2 em tìm mới thấy 2 em trải áo bố mẹ làm chiếu, nằm ôm áo bố mẹ mà khóc...”.

Thương học trò của mình để rồi muốn gắn bó dài lâu – đó không phải là cảm xúc nhất thời, cũng không phải là tâm nguyện riêng gì của mỗi một mình cô giáo Lệ. Ở điểm trường Phà Lõm này, thầy giáo Vi Văn Thuyết cũng là một người như vậy. Thầy giáo Thuyết đã có mặt, công tác tại điểm trường Phà Lõm từ những năm của thập niên 90 thế kỷ trước. Đó là quãng thời gian mà vùng đất này phỉ vẫn hoạt động; lâm tặc tàn phá rừng; tệ nạn ma túy hoành hành...

Những ngày đầu ở đây, gian nan vất vả không kể hết. Không có đường, các giáo viên vẫn thường phải gùi gạo ngược dòng Chà Lạp cả ngày trời mới đến Phà Lõm. Đến trường rồi nhưng nghĩ đến đường ra mỗi tháng một lần lại nản. Thầy cô phải tự tăng gia. Ở lâu rồi thành yêu mến, thêm quyết tâm giúp đỡ các em học cao lên, dần thoát cảnh đói nghèo. Nếu mình không giúp đỡ các em thì ai sẽ giúp đỡ? - Từ suy nghĩ này, các thầy cô thêm quyết tâm bám trụ xây dựng trường, xây dựng bản. Bây giờ chỉ mong muốn có thêm sức khỏe để giảng dạy, đeo đuổi sự nghiệp trồng người”.

Thầy giáo Vi Văn Thuyết

Bản Phà Lõm hôm nay khác ngày xưa, có nhiều điều đã thay đổi. Bản đã có điện lưới quốc gia, ô tô vào tận nơi. Cuộc sống nơi thung lũng được vây bọc bởi những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn này dẫu còn nhiều khó khăn nhưng không còn cảnh bữa đói nhiều hơn bữa no. Và sự học cũng vậy.

Thầy giáo Nguyễn Đình Mận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hợp cho hay: Nhờ lòng yêu nghề, tinh thần bám trụ kiên cường, không ngại khó khăn kiên trì vận động mà đến nay, 100% trẻ trong độ tuổi ở Phà Lõm đều đến trường. Hiện nay, điểm trường Phà Lõm có gần 100 học sinh người Mông, chia làm 6 lớp, trong đó có 2 lớp 1. Điểm trường hiện có 6 giáo viên. Tất cả đều tâm huyết với giáo dục vùng cao.

Ông Xồng Vả Dềnh - Trưởng bản Phà Lõm so sánh sự học hôm nay với thời quá vãng: “Trước đây, người dân Phà Lõm quan niệm con gái thì không nên đi học. Số trẻ đến trường ít, bỏ học nhiều. Sau này, nhờ sự kiên trì vận động của các thầy cô, của các anh biên phòng mà nhà nhà ý thức tầm quan trọng của việc học, đều cho trẻ đến trường. Sự học ngày càng đi lên, ở bản giờ đã có cháu học xong đại học, cao đẳng...

Sự học bây giờ được nâng lên nhờ công các thầy cô bởi thật sự người dân không có điều kiện chăm lo việc học. Bản có 111 hộ, 585 nhân khẩu thì có tới 43 hộ nghèo. Bố mẹ đi rẫy cả ngày, tối về bản thấy con đang ở trường được các thầy, cô cho ăn, dạy kèm; thấy thầy, cô đến nhà bày dạy thêm cho con thì mừng lắm".

Trong tâm hồn người dân trên đỉnh non cao Tam Hợp, thung lũng Phà Lõm xưa và nay có 2 “tượng đài” sừng sững mà họ biết ơn nhiều lắm, đó là “người chiến sĩ biên phòng” và “người giáo viên cắm bản”. Hai “tượng đài sống” đó vẫn ngày qua ngày, lặng lẽ và cần mẫn giúp cho bản làng phát triển đi lên...

Nhưng Phà Lõm vẫn giăng mờ sương muối, nghèo đói, ma túy, tảo hôn và nhiều hủ tục khác tồn tại. Bản làng vẫn đang cần lắm những bàn tay chỉ lối, đưa đường như thầy Thuyết, cô giáo Lệ!

Thành Cường