Giá lợn hơi tăng 'phi mã', người chăn nuôi Nghệ An 'găm hàng' chờ Tết
(Baonghean.vn) - Những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tiếp tăng, ở nhiều địa phương giá đã chạm mốc 80.000 đồng/kg. Do đó, thịt lợn thương phẩm cũng tăng theo, đã cán mốc 150.000 đồng/kg.
Giá lợn liên tiếp tăng
Giá thịt hiện đã tăng từ 40.000 - 50.000 đồng/kg so với đầu tháng 9. Ảnh: Thanh Phúc |
Đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi đã chạm mốc 80.000 đồng/kg, giá thịt lợn tại các chợ vì thế cũng tăng theo: Thịt ba chỉ 120.000 - 130.000đồng/kg; thịt nạc vai, nạc mông giá 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Một tiểu thương bán thịt tại chợ Vinh cho biết: “Giá lợn hơi tăng, bắt buộc giá thịt tăng theo. Hiện chúng tôi rất khó để mua được lợn hơi mổ bán, hầu hết phải mua lại lợn móc hàm của các lò mổ”.
Không chỉ ở thành phố, ở địa bàn nông thôn, giá lợn hơi cũng tăng cao. Đầu tháng 9, giá lợn hơi chạm mốc 60.000 đồng/kg, đến nay, lại lập mốc giá mới là 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện người chăn nuôi vẫn không xuất chuồng do lợn chưa đạt trọng lượng và một số hộ muốn để dành bán vào dịp Tết.
Giá thịt ở các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị cao hơn giá thịt ở chợ từ 5.000 – 20.000 đồng/kg (tùy loại). Anh Hồ Văn Thế, kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Từ đầu tháng 9 đến nay, phía nhà cung cấp thịt lợn cho cửa hàng đã 5 lần điều chỉnh giá. Hiện lợn móc hàm nhập vào cửa hàng đã dao động từ 100.000 – 110.000 đồng/kg. Do đó, cửa hàng đã phải 3 lần điều chỉnh giá thịt, chấp nhận bán theo dạng bình ổn giá để giữ khách”.
Theo phân tích, sở dĩ giá lợn tăng là do nguồn cung hạn chế, một phần do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, một phần là tâm lý thấy giá lợn đẩy lên cao nên người dân không vội xuất chuồng. Trong khi đó, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn không tiếp cận được với các đầu mối cung cấp lợn hơi lớn là các công ty, trang trại mà hoàn toàn phụ thuộc nguồn cung của chăn nuôi nông hộ.
Không thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Đến thời điểm hiện tại, như ở một trang trại ở xã Nghi Văn (Nghi Lộc) quy mô 200 con lợn nái, 4.000 con lợn thịt vẫn được bảo toàn trước dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, nguồn lợn thịt cung ứng cho Tết Nguyên đán vẫn đảm bảo cho các đầu mối đã đặt hàng. Chủ trang trại này cho hay: “So với năm ngoái, dự kiến tổng số lượng lợn xuất chuồng dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không giảm là mấy. Trang trại đã chuẩn bị nguồn cung ổn định cho các thương lái, cửa hàng đã ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, giá lợn tăng so với trước”.
Theo dự báo của ngành Công thương, nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2020 vẫn đảm bảo. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm thay thế thịt lợn như: gia cầm, trứng gia cầm, thịt trâu bò khá dồi dào. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo tính toán của Sở Công thương, vào dịp tết Nguyên đán 2020, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng khoảng 20% so với những ngày thường. Qua khảo sát, hiện tổng đàn lợn tại các địa phương là 917.668 con (không bao gồm lợn con chưa tách mẹ), giảm 9,84% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Trần Võ Ba, Trưởng phòng quản lý dịch bệnh và chăn nuôi, Chi Cục chăn nuôi và thú y cho biết: "Nguồn cung thịt lợn trong dân sụt giảm nhiều so với trước đây. Song nếu cân đối giữa chăn nuôi nông hộ với các trang trại, kết nối với các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi lớn thì vẫn đủ lượng lợn cung ứng cho thị trường trong tỉnh từ nay đến Tết".
Mặt khác, hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã “giảm nhiệt”, từ nửa cuối tháng 10 đến nay, số lợn tiêu hủy không đáng kể, nhiều địa phương công bố hết dịch. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc được siết chặt, các công ty thực phẩm, các trang trại lớn cũng đã chuẩn bị các phương án chuẩn bị nguồn lợn hơi cấp cho thị trường Tết; các thương lái, các cửa hàng thực phẩm, siêu thị cũng đã tìm đầu mối đặt hàng để phục vụ Tết Nguyên đán. Do đó, nguồn cung thịt lợn sẽ không thiếu, tuy nhiên giá cả sẽ tăng hơn thời điểm hiện nay.
Nguồn cung lợn hơi phục vụ Tết Nguyên đán vẫn đảm bảo, tuy nhiên giá cả sẽ cao hơn thời điểm hiện nay. Ảnh: Thanh Phúc |
Các loại thực phẩm thay thế khác như: trâu, bò, dê, gà… khá đa dạng. Nhiều hộ chăn nuôi sau khi bị dịch tấn công, phải tiêu hủy lợn đã cải tạo chuồng trại, tiêu độc khử trùng nuôi trâu bò vỗ béo, gà, dê… nên nguồn cung có thể ổn định.