Phan Văn Đức quan trọng như thế nào trong sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo?

Trung Kiên 23/11/2019 07:47

(Baonghean.vn) – Kể từ trận đấu gặp Thái Lan tại lượt đi vòng loại World Cup 2022, HLV Park Hang-seo không có được sự phục vụ của tiền vệ Phan Văn Đức. Và đó cũng là một phần nguyên nhân sơ đồ chiến thuật 3-4-3 của thầy Park ngày càng ít bàn thắng.

Với bất kỳ HLV nào trên thế giới, ưu tiên về mặt phòng ngự là yếu tố quyết định đến thành công của một trận đấu, một giải đấu. Kể từ khi HLV Park Hang-seo chưa đặt chân đến Việt Nam, ĐT Việt Nam dưới thời các HLV khác nhau đều áp dụng sơ đồ 4 hậu vệ và nó bộc lộ những điểm yếu cố hữu. Từ 4-4-2 đến 4-1-4-1 đều dễ dàng nhận thất bại trước các đội bóng Đông Nam Á.

Nhận ra những vấn đề của sơ đồ 4 hậu vệ, HLV Park Hang-seo đã dày công xây dựng nên sơ đồ 3 trung vệ như lúc bấy giờ. Để vận hành sơ đồ này, HLV Park Hang-seo có trong tay những cầu thủ tốt nhất để tối ưu hóa sức mạnh của sơ đồ chiến thuật này. Ngay cả một nhân tố xuất sắc nhất như Văn Quyết cũng không có chỗ tại ĐTQG.

HLV Park Hang-seo đang loay hoay tìm phương án thay thế Phan Văn Đức. Ảnh: TK

Bởi lẽ, sơ đồ 3-4-3 không dễ vận hành như các sơ đồ khác, mọi vị trí đều phải ổn định và việc thay thế một cầu thủ nào trong sơ đồ này là điều tối kỵ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Chỉ cần một vị trí vận hành sai, cả hệ thống sẽ đi vào rối loạn và điểm khác biệt lớn nhất của sơ đồ này đến từ hai cánh, nơi các hậu vệ Văn Hậu – Trọng Hoàng thường xuyên lên tham gia tấn công. Ngược lại, các tiền vệ bên phía trên cũng thường xuyên lui về hỗ trợ phòng ngự.

Từ AFF Cup đến Asian Cup 2019, ĐT Việt Nam không chỉ khiến các đội bóng Đông Nam Á bất lực và còn khiến khá nhiều đội bóng mạnh châu Á gặp vất vả. Bởi một khi mất bóng, hai tiền vệ biên phía trên lui về và khi đoạt được bóng, có thể ngay lập tức tạo ra một pha phản công nhanh.

Mặt khác, vị trí này cũng rất nguy hiểm bởi những pha đột nhập bất ngờ từ sau lưng hậu vệ đối phương phá bẫy việt vị để ghi bàn như một tiền đạo. Phan Văn Đức là cầu thủ đáp ứng tốt nhất yêu cầu này của HLV Park Hang-seo. Và tất nhiên, cầu thủ này có khả năng hỗ trợ phòng ngự tốt hơn nhiều so với các đồng đội còn lại, đặc biệt là khi gặp những đội bóng mạnh.

Đội hình xuất phát ĐT Việt Nam trận gặp Thái Lan ngày 19/11. Ảnh: VFF
Đội hình xuất phát ĐT Việt Nam trận gặp Thái Lan ngày 19/11. Ảnh: VFF

Ở trận gặp Thái Lan trên sân Thammasat, HLV Park Hang-seo đã bắt đầu tìm những phương án mới để thay thế sự vắng mặt của Phan Văn Đức. Đầu tiên, khi Văn Hậu chưa vào sân, Hồng Duy là người đá hậu vệ cánh trái. Chơi ở vị trí tiền vệ biên, hỗ trợ cho trung phong Tiến Linh là Quang Hải và Văn Toàn. HLV Park đã chọn kéo Quang Hải về chơi ở vị trí của Văn Đức và Văn Toàn đá ở cánh đối diện.

Thực tế, những lỗ hổng trong hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam khi gặp một đối thủ có thực lực như Thái Lan đã bộc lộ ở trận đấu đó. Tiền vệ Quang Hải đã phải hoạt động nhiều hơn, thường xuyên lui về phòng ngự nhiều hơn và Văn Toàn không giỏi tranh chấp, phòng ngự. Rất may ở trận đấu đó, Tuấn Anh và Hùng Dũng đã có một trận đấu xuất sắc, giúp tuyến giữa ĐT Việt Nam nhiều lần bẻ gãy những tình huống tấn công, triển khai bóng của đối thủ.

Lần này khi trở về Mỹ Đình, HLV Park Hang-seo dù đã gọi lên Trọng Hùng, Việt Phong trước đó nhưng không thành công. Sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo vẫn tương đối chuệch choạc, đặc biệt là khi HLV Akira Nishino đã không còn bỡ ngỡ. Cực chẳng đã, HLV Park tiếp tục phải sử dụng Văn Toàn ở vị trí tiền vệ biên phải và Quang Hải một lần nữa phải đá lệch cánh trái. Ở vị trí đó, Quang Hải rõ ràng phải ưu tiên phòng ngự trước một hàng tiền vệ rất mạnh của Thái Lan.

HLV Park Hang-seo suy tư trước trận gặp lại Thái Lan. Ảnh: Trung Kiên

Tiền đạo Văn Toàn là một cầu thủ có tốc độ, nhưng trước hàng phòng ngự chơi kỷ luật như Thái Lan, cầu thủ này không phát huy được sở trường của mình. Cùng mỏng con như Phan Văn Đức, nhưng Văn Toàn không có được sự tinh quái, khả năng phối hợp với các đồng đội tốt như cầu thủ SLNA. Với phong độ tốt của Văn Toàn tại V.League, người ta kỳ vọng ở cầu thủ HAGL nhiều hơn.

Còn với Phan Văn Đức, khi có bóng ở khu vực 16m50, cầu thủ này sẽ chọn cách phối hợp với đồng đội hoặc mạnh dạn đi bóng vào trong, khi có cơ hội sẽ khống chế một nhịp và tung ra cú dứt điểm bằng bất kỳ chân nào. Thực tế, Phan Văn Đức có chân trụ chắc và lực cổ chân tốt, ít nhiều khi có anh, hàng phòng ngự đối phương sẽ vất vả hơn vì những tình huống đột nhập bất ngờ từ cánh trái.

Trên sân Mỹ Đình, kể từ khi Hùng Dũng hao mòn thể lực và được thay ra bởi Công Phượng, Quang Hải bó vào trong đá tiền vệ trung tâm với Tuấn Anh thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Tuyến giữa ĐT Việt Nam thất thế trước Thái Lan và không có cơ hội để những cầu thủ phía trên như Công Phượng, Tiến Linh, Hồng Duy phản công. Tỷ lệ kiểm soát bóng cả trận đấu của Việt Nam chỉ gần đạt 37%.

Tiền đạo Văn Toàn ít nhiều gây thất vọng. Ảnh: Xuân Thủy
Tiền đạo Văn Toàn ít nhiều gây thất vọng. Ảnh: Xuân Thủy

Việc rút Hùng Dũng và Văn Toàn ra để thay bằng Công Phượng, Hồng Duy không khác gì một canh bạc của HLV Park Hang-seo. Công Phượng đá ở vị trí cánh trái của Quang Hải để lại và Hồng Duy đá trám vào vị trí của Văn Toàn. Vốn dĩ, cả Hồng Duy lẫn Công Phượng chỉ thực sự nguy hiểm khi có được nhiều bóng và cũng không giỏi phòng ngự.

Một khi Quang Hải bị kéo về đá tiền vệ trung tâm, sức tấn công của ĐT Việt Nam được HLV Park kỳ vọng vào khả năng dâng cao của Trọng Hoàng. Tuy nhiên, khi tuyến giữa cầm được trịch, hậu vệ cánh trái Theerathon của Thái Lan thường xuyên dâng cao đã khiến Trọng Hoàng gặp nhiều vất vả, không còn cơ hội để có những quả tạt vào trong cho Tiến Linh khi chơi ngay trên anh là Hồng Duy, một cầu thủ thuận chân trái.

Chúng ta kỳ vọng nhiều hơn vào Quang Hải khi Văn Đức vắng mặt, nhưng thật tiếc Quang Hải không được chơi tự do hay thường xuyên dâng cao, áp sát khu cấm địa đối phương và tung ra những cú dứt điểm từ xa hoặc từ tuyến hai sở trường. Và đây là một phần nguyên nhân khiến ĐT Việt Nam ngày càng “khô hạn” bàn thắng.

Cả trận, ĐT Việt Nam chỉ có 5 cú dứt điểm và đều không đi đúng hướng cầu môn đội khách Thái Lan. Trong khi đó, Thái Lan có 13 pha dứt điểm, 7 tình huống đi trúng đích. Thủ môn Đặng Văn Lâm cũng phải 7 lần cứu thua trận này, trong đó có pha cản phạt đền của Therathon.

Khi ĐT Việt Nam có bóng, HLV Park dường như đã yêu cầu các học trò bó vào trung lộ nhiều hơn. Ảnh: VFF
Khi ĐT Việt Nam có bóng, HLV Park dường như đã yêu cầu các học trò bó vào trung lộ nhiều hơn. Ảnh: VFF

Thống kê về những đường chuyền, Thái Lan có 468 đường chuyền, so với 225 đường chuyền của Việt Nam. Điều này cho thấy kỹ thuật cá nhân và khả năng chơi bóng ít chạm, ngắn của đối thủ tốt hơn chúng ta. Mặc dù HLV Park đã tập rất kỹ khả năng phối hợp nhóm cho các học trò.

Trận đấu trên sân Mỹ Đình vừa qua, cả hai đội bóng đều chơi tỉnh táo, không phạm lỗi ngay sát vòng 16m50 và cơ hội cho những cầu thủ có khả năng sút phạt không nhiều, đặc biệt là Quang Hải. Từ một tình huống phạt góc gây tranh cãi, bóng được Tiến Dũng đánh đầu vào lưới nhưng đáng tiếc Văn Hậu đã bị trọng tài thổi phạt vì phạm lỗi với thủ môn Kawin.

Cả ĐT Việt Nam lẫn Thái Lan đều có những cơ hội để kết liễu đối thủ nhưng sự xuất sắc của Văn Hậu, Văn Lâm và may mắn dành cho Thái Lan đã khiến trận đấu kết thúc mà không có bàn thắng. Dẫu vậy, HLV Park không đáng trách vì ông có cái khó của mình.

Sau trận đấu, HLV Park Hang-seo thừa nhận không có trận đấu hay tính toán nào là hoàn hảo và cần phải rút được kinh nghiệm sau mỗi trận đấu. ĐT Thái Lan xứng đáng là một đối thủ khó chơi với ĐT Việt Nam nhưng chí ít, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam vẫn xứng đáng dành được những lời ngợi khen.

Vì sao Đông Nam Á bất lực trước sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo?

Vì sao Đông Nam Á bất lực trước sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo?

(Baonghean.vn) – Dựa theo ưu và nhược điểm của sơ đồ 3-4-3, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vì sao HLV Park Hang-seo lại trung thành với những sự lựa chọn nhân sự của mình. Và lối chơi này đang khiến cả Đông Nam Á, thậm chí là châu Á chưa tìm được lời giải.

Trung Kiên