Các địa phương mong chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập xã

Đào Tuấn 10/12/2019 17:45

(Baonghean.vn) - Một trong những vấn đề trọng tâm được các đại biểu thảo luận tại Tổ đại biểu số 8 - kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII là việc phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc tại cơ sở do tiến độ chậm trễ của việc thực hiện chủ trương sáp nhập xã.

Chiều 10/12, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Tổ đại biểu số 8 thuộc các đơn vị bầu cử: Huyện Tân Kỳ, Yên Thành và Nghĩa Đàn đã tham gia buổi thảo luận theo chương trình kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII. Tham dự buổi thảo luận có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Ảnh: Đào Tuấn

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã tập trung phản ánh một số nội dung liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020; đánh giá, góp ý vào các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp lần này; đánh giá chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh và công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh trong thời gian qua.

Phân cấp cho các huyện quản lý công chức xã

Mở đầu buổi thảo luận, ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng, năm 2019 được tỉnh chọn là năm cải cách hành chính, tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả công tác này chưa thực sự nổi bật.

Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nêu những bất cập trong công tác quản lý công chức cấp xã. Ảnh; Đào Tuấn
Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nêu những bất cập trong công tác quản lý công chức cấp xã. Ảnh; Đào Tuấn

Liên quan đến công tác quản lý cán bộ, công chức cấp xã, ông Hoàng Quốc Việt đề nghị HĐND tỉnh phân cấp công tác này cho các huyện. Cụ thể, ông Việt cho biết, huyện Tân Kỳ được chọn làm thí điểm chương trình đưa Công an chính quy về xã. Thực hiện chủ trương này, huyện phải bố trí, sắp xếp lại đội ngũ công an viên, công an không chính quy, theo đó phải chuyển số cán bộ dôi dư này sang vị trí công chức tư pháp, văn phòng thống kê...

Theo ông Việt, hiện nay theo quy định, việc luân chuyển từ lực lượng công an không chính quy cấp xã sang công chức cũng phải xin ý kiến và phải được sự chấp nhận của Sở Nội vụ. Điều này sẽ khó cho cơ sở, vì vậy, việc quản lý, bố trí công chức cấp xã nên giao cho UBND huyện chịu trách nhiệm, quá trình đó đảm bảo phụ cấp không tăng là được.

Liên quan đến việc thu thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn huyện Tân Kỳ, ông Hoàng Quốc Việt phản ánh: Lâu nay nhiều doanh nghiệp có trụ sở ở: TP. Vinh, Nghĩa Đàn hay Quỳ Hợp đến huyện Tân Kỳ khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng.

Điểm khai thác cát, sỏi của Công ty TNHH Hùng Tiến với diện tích 9,2 ha tại xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ. Ảnh tư liệu Thanh Lê
Nhiều điểm khai thác cát, sỏi chưa được quản lý chặt chẽ. Ảnh tư liệu Thanh Lê

Tình trạng ô nhiễm môi trường, gây sạt lở, mất ATGT thường xuyên xảy ra và địa phương phải gánh chịu, trong khi nguồn nộp thuế lại không đóng cho địa phương mà nộp tại địa bàn doanh nghiệp khai thuế. Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đây là điều thiếu công bằng; đề nghị HĐND, UBND tỉnh và cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Phần lớn cán bộ dôi dư chưa có nguyện vọng nghỉ

Phản ánh những vướng mắc liên quan đến chủ trương sáp nhập xóm, xã, ông Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn cho biết, hiện nay các địa phương đang rất mong chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập xã.

Thời hạn để giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống, kinh tế, xã hội đều đã sát đến nhưng vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên các xã thuộc diện sáp nhập không biết bám vào đâu.

Ông Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn
Ông Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn

Ông Hải ví dụ: Ở Nghĩa Đàn có 3 đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập, hiện tại đã đến kỳ họp HĐND xã nhưng không biết nên tổ chức hay không, nếu tổ chức kỳ họp thì phải làm thế nào, có ban hành nghị quyết, có xây dựng nhiệm vụ, chính sách cho năm tới hay không? Hơn thế nữa, hiện nay các xã đã bắt đầu tiến hành các nhiệm vụ để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu.

Theo ông Hải, rút kinh nghiệm từ việc sáp nhập xóm, bản, các sở, ngành cấp tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời để sớm ổn định tổ chức bộ máy, duy trì ổn định tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Tỉnh ủy đã có hướng dẫn việc sáp nhập tổ chức Đảng, Sở Nội vụ đã có hướng dẫn việc phân nhóm cán bộ, công chức để tiến hành giải quyết đối tượng dôi dư.

Về kết cấu bộ máy, việc phân nhóm là nhằm xác định người nào nghỉ, người nào không đủ tuổi tái cử, người luân chuyển sang vị trí công tác khác là đúng. Tuy nhiên, qua nắm bắt cho thấy, đa số cán bộ, công chức cấp xã chưa có nguyện vọng nghỉ.

Ý kiến của ông Phan Tiến Hải (Nghĩa Đàn) tại phiên thảo luận.
Theo ông Phan Tiến Hải, khó khăn nhất là số cán bộ, công chức cấp trưởng thuộc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Chẳng hạn, 3 xã có 3 vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, khi sáp nhập chỉ có 1 người tiếp tục làm cấp trưởng, 2 người còn lại sẽ làm phó. "Khi chuyển xuống cấp phó sẽ chuyển sang ô khác, tức là trở thành cán bộ không chuyên trách" - ông Phan Tiến Hải cho biết và đề nghị HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng phải lường trước thực tế này để có sự chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp.

Bên cạnh đó, khi tiến hành sáp nhập xã, nếu Sở Nội vụ không còn phân cấp cho huyện quản lý, bố trí cán bộ cấp xã như trước đây thì dễ phát sinh thực trạng: số cán bộ, công chức dôi dư không biết đi đâu, về đâu.


Ông Nguyễn Cảnh Hóa (đứng) - Chủ tịch UBMTTQ xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên trao đổi công việc với đồng nghiệp. Ảnh tư liệu Thành Duy
Cán bộ MTTQ xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên trao đổi công việc. Ảnh tư liệu Thành Duy

"Không biết phải giải thích với anh em như thế nào, trong khi anh em vẫn đủ các điều kiện, đủ tiêu chuẩn và được đào tạo đảm bảo trình độ. Do sáp nhập nên anh em bị dôi dư, chứ thực sự chưa muốn nghỉ" - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn chia sẻ.

Nhiều nhóm vấn đề được đại biểu thảo luận

Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Xuân Đại - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, năm 2019 là một năm khá thành công của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh Nghệ An có nhiều biến động về công tác nhân sự.

Đại biểu Lê Xuân Đại phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn
Đại biểu Lê Xuân Đại phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn

Ghi nhận kết quả thực hiện tăng trưởng kinh tế, nhưng đại biểu Lê Xuân Đại cũng phân tích kỹ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2019, trong đó nêu một số vấn đề mà tỉnh và các ngành, địa phương phải đối diện khi thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút đầu tư.

Phản ánh về thực trạng thiếu điện và mất an toàn điện lưới tại các địa bàn miền núi, đại biểu Thái văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu, cử tri đã rất nhiều lần đề nghị tại các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quyết. "Nhiều nơi dân sinh sống ngay dưới đường điện mà không có điện dùng" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận tại buổi thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận tại buổi thảo luận. Ảnh: Đào Tuấn

Ngoài ra, tại buổi thảo luận các đại biểu cũng phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết Phòng, chống buôn bán người sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp lần này; các vấn đề liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tại xã đặc thù; thực trạng và vướng mắc của chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; tình trạng diện tích sản xuất vụ đông giảm.

Đại diện các ngành cũng đã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề mà các đại biểu và địa phương băn khoăn.

Đào Tuấn